Người kể chuyện 'Phía Nam sông Bến Hải'
Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Văn Á là một cựu chiến binh có 27 năm quân ngũ, với những trải nghiệm của bản thân ở chiến trường Quảng Trị và lòng biết ơn đồng chí, đồng đội đã kể lại những câu chuyện xảy ra 'Phía Nam sông Bến Hải' một cách mộc mạc nhưng đầy xúc động và chân thực.
Ký ức chân thực về những trận đánh
Cuộc chiến đấu khốc liệt bên bờ sông Bến Hải đã được Thượng tá Nguyễn Văn Á kể lại một cách chân thực. Đó là những ký ức không thể quên với: “Cuộc rút lui đẫm máu trên “Đại lộ kinh hoàng””, “81 ngày đêm đối mặt với tử thần”, “Hồ Khê nơi các anh nằm lại”, “Theo dấu chân người lính”, “Những anh hùng chưa được vinh danh”, “Cuộc hành quân thần tốc”, “Tấm bản đồ của má Sáu Ngẫu”, “Đường tới ngày thống nhất”... Những kỷ niệm ở chiến trường với đồng đội đó được ông ghi lại trong phần một ''Khi miền Nam vẫy gọi'' của tập truyện kí ''Phía Nam sông Bến Hải''.
Ở phần thứ hai, có cái tên gửi gắm nhiều điều muốn nói là “Trầm tích” đặc biệt gây xúc động khi viết về hành trình hậu chiến của chính mình và đồng đội để tri ân những người đã ngã xuống, trả lại tên cho liệt sĩ cùng hành trình không mệt mỏi để huy động mọi nguồn lực xây dựng nên những công trình tưởng niệm ý nghĩa nằm bên sông Bến Hải như: “Trả lại tên cho các liệt sĩ”, “Vết thương không mảnh đạn”, “Nước mắt da cam”...
Tác phẩm “Nước mắt da cam” của ông trước đó đã đoạt giải B giải Báo chí “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam” do Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và Tạp chí Da cam tổ chức năm 2021. Những việc làm thiết thực mà nhà báo Nguyễn Văn Á cùng đồng đội đã và đang làm như chăm sóc thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, nạn nhân chất độc da cam... đều bắt đầu từ tấm lòng, sự tri ân, niềm khắc khoải của một người lính trận may mắn được trở về với gia đình, sống cuộc đời mới trong hòa bình.
Nhà văn Phạm Vân Anh nói: “Không chỉ là một vùng ký ức chân thực của một cựu chiến binh đã có những tháng ngày cùng đồng đội chiến đấu kiên cường trên nhiều mặt trận để đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, “Phía Nam sông Bến Hải” của tác giả Nguyễn Văn Á còn là những trang văn học sử giá trị với nhiều biên độ cảm xúc. Những trận đánh mà tác giả đã trải qua, những người lính kiêu dũng, quả cảm mà tác giả cùng chung chiến hào, những câu chuyện nhân bản mang nghĩa tình đồng đội và sự gắn bó máu thịt của quân dân trong thời chiến... đã được tác giả tái hiện bằng giọng văn trần thuật, mang hơi thở chân thực và góc nhìn xác tín của người trong cuộc nên thực sự ấn tượng với người đọc...”.
Từ những trang viết mộc mạc, chân thành như lời tự sự, người đọc có thể nhận ra ở đó còn là đường đi của một số phận, một con người - đó chính là nhà thơ, cựu chiến binh Nguyễn Văn Á. Nhưng, qua đó, người đọc còn thấy được không khí của một giai đoạn, một thời đại, một lớp người sinh ra và lớn lên trong chiến tranh với nhiều thiếu thốn, mất mát, khổ đau nhưng bằng nghị lực phi thường đã vượt lên tất cả để ngày hòa bình nhìn lại chặng đời ấy vẫn còn đó niềm tự hào.
Nhà báo Nguyễn Văn Á là con thứ 3 trong một gia đình có cha là giáo viên, mẹ mất sớm khi mới 36 tuổi, để lại 4 con thơ, đứa nhỏ nhất mới 3 tháng tuổi. Cha ông là một giáo viên, ban đêm đi dạy “bình dân học vụ”, ban ngày lao động đến kiệt sức vì cảnh “gà trống nuôi con”, quanh năm trong cảnh túng thiếu bần hàn.
Như lời ông viết về người cha trong câu chuyện “22 năm đi tìm hài cốt liệt sĩ” chính là anh trai của mình - liệt sĩ Nguyễn Văn Châu hy sinh năm 1968 tại phà Bến Thủy (Vinh, Nghệ An) khi vừa tròn 20 tuổi: “Một người cha sau ngày vợ mất đã ở vậy nuôi con mà không đi bước nữa vì sợ con phải khổ cảnh dì ghẻ con chồng. Một người cha lặng lẽ thắt từng khúc ruột lần lượt tiễn 4 đứa con trai lên đường nhập ngũ, đến ngày miền Nam giải phóng lại đón về hai đứa con thương binh, hai đứa con liệt sĩ...”.
Tri ân đồng đội đã anh dũng hy sinh
Trên dải đất hình chữ S này, đã có biết bao gia đình mà những người cha, người mẹ “khóc thầm lặng lẽ” khi những đứa con ra đi vì Tổ quốc mà không trở về như thế. Mặc dù đã có một người anh trai liệt sĩ, một người anh đang ở chiến trường B, bản thân đang thuộc diện ưu tiên chờ làm thủ tục sang Tiệp Khắc học lớp công nhân kỹ thuật cơ khí, nhưng chàng thanh niên Nguyễn Văn Á vẫn viết đơn tình nguyện lần thứ 3 xin được lên đường nhập ngũ.
Sau 3 tháng huấn luyện tại quê nhà, cuối năm 1971, Nguyễn Văn Á nhận được lệnh đi B, bổ sung vào Đại đội 21, Trung đoàn 27 - một đơn vị chủ lực cơ động của mặt trận B5 - đóng quân ở nông trường Quyết Thắng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị và bắt đầu những ngày tháng “bom rơi lửa đạn”, trong suốt 5 năm “ăn cơm bờ Bắc, đánh giặc bờ Nam”. Sau ngày đất nước thống nhất nhưng biên giới chưa im tiếng súng, ông tiếp tục có mặt ở chiến trường bảo vệ biên giới Tây Nam, rồi biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Với một tâm hồn nhạy cảm, ông đã sớm làm thơ, viết lách từ khi còn trẻ. Niềm đam mê viết lách không mất đi bởi bom đạn và tiếng súng, mà dường như năm tháng và những trải nghiệm ở chiến trường, trong đời sống càng làm nó “đầy” lên. Khi đang mang quân hàm thượng tá, ông đã xin chuyển ngành, trở thành một nhà báo sắc sảo của Thời báo Tài chính Việt Nam, quyết tâm theo đuổi đam mê.
Thơ ông được đăng rải rác trên các báo từ những năm 1990, nhưng cho đến tận bây giờ ông mới cho ra mắt tập thơ đầu tiên có tên “Giọt sương bên cửa sổ”, trong đó có những bài thơ ra đời từ hơn 50 năm trước.
Theo chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Văn Á: “Những gì tôi viết ra trong tập thơ “Giọt sương bên cửa sổ” chính là tiếng tơ lòng và truyện kí “Phía Nam sông Bến Hải”, là sự khởi đầu của nghiệp văn chương sau 55 năm cầm súng và cầm bút. Tôi cho rằng, dùng văn chương để tri ân cuộc đời, tri ân người có công với nước cũng chính là nghĩa cử cao đẹp, là đạo lý uống nước nhớ nguồn. Đó là thông điệp tôi muốn gửi đến bạn đọc...”. Với suy nghĩ và tình cảm sâu nặng ấy, ông dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục cho ra mắt tập thơ thứ hai có tên là “Trầm tích” và tập truyện kí tiếp theo là “Trên chiến hào năm ấy”.
Đem theo hành trang suốt cuộc đời là những kỷ niệm ngày ở chiến trường, là nghĩa tình đồng đội, cựu chiến binh Nguyễn Văn Á đã nhiều lần cùng đồng đội thực hiện “Hành trình tri ân”, thăm lại đồng đội cũ, chiến trường xưa.
Sau khi nghỉ hưu, cựu chiến binh, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Văn Á với tư cách là “Tác giả ý tưởng” đã cùng với Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 và các cựu chiến binh Trung đoàn 27 cùng các nhà tài trợ đã xây dựng cụm công trình văn hóa tâm linh gồm:
Khu tưởng niệm 81 liệt sĩ Đại đội 16, Trung đoàn 27; Khu tưởng niệm và đền thờ 2.500 liệt sĩ Trung đoàn 27, Bia chiến tích Khẩu đội 5 và các công trình phụ trợ tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) làm “ngôi nhà chung” để chiêu tập vong linh các anh hùng liệt sĩ vào thờ phụng. Đến nay, cụm công trình này đã đón hàng ngàn lượt thân nhân gia đình liệt sĩ, khách tham quan đến dâng hương tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Quảng Trị.
Với tư cách là một nhân chứng lịch sử, qua tập truyện kí “Phía Nam sông Bến Hải”, ông đã hồi tưởng lại về một chặng đường đầy khó khăn, nhưng oanh liệt của dân tộc, trong đó có bản thân ông, gia đình, bạn bè, đồng chí, đồng đội của ông. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Á không khơi lại nỗi đau chiến tranh, lòng hận thù mà chỉ muốn giãi bày, chia sẻ, nhắc nhở thế hệ sau về tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm, lòng tự tôn dân tộc và đặc biệt là truyền thống “uống nước nhớ nguồn” - một trong những nghĩa cử cao đẹp luôn cần thắp sáng...