Người họa sĩ nặng lòng với văn hóa Mường

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu, người thường được biết đến với nghệ danh 'Hiếu Mường' đã tạo dựng không gian văn hóa Mường tại Hòa Bình từ năm 2007 với quy mô một bảo tàng tư nhân đầu tiên, nhằm bảo tồn, giới thiệu không gian văn hóa dân tộc Mường tại Việt Nam. Cách đây ít ngày, họa sĩ Vũ Đức Hiếu tiếp tục đưa tinh hoa gốm Mường về Hà Nội trong một không gian đậm bản sắc văn hóa tại 85 Nhật Chiêu, quận Tây Hồ.

Trước khi mở xưởng Gốm Mường ở Hà Nội thì vào năm 2007, họa sĩ Vũ Đức Hiếu đã tạo dựng không gian văn hóa Mường tại Hòa Bình với quy mô là một bảo tàng tư nhân. Sau hành trình lặng lẽ học hỏi rèn luyện các kỹ thuật truyền thống về nghề gốm, thể nghiệm nhiều phương pháp làm đất, men, lò nung... họa sĩ Vũ Đức Hiếu đã tạo dựng được những giá trị riêng cùng với gốm Mường.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu tại Mường Studio.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu tại Mường Studio.

Từ không gian sáng tạo độc đáo

Tại địa chỉ số 202 đường Tây Tiến, thành phố Hòa Bình, Không gian Văn hóa Mường do anh tạo nên đã trở thành địa chỉ văn hóa - nghệ thuật thu hút mối quan tâm và hợp tác của nhiều người làm văn hóa nghệ thuật và du khách trong nước cũng như quốc tế. Khi xây dựng bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, họa sĩ Vũ Đức Hiếu đã chú trọng đến việc sưu tập hiện vật Mường - chiêng, gốm (Việt), phục trang, đồ dùng thường nhật, nhà cửa,...

Từng học Khoa Thủy tinh, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, lại có bằng ở Khoa Lịch sử nghệ thuật bên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội nên họa sĩ Vũ Đức Hiếu vừa có tay nghề, vừa có vốn văn hóa nhất định. Bắt tay vào làm gốm là cả một thách thức và muôn vàn khó khăn nhưng họa sĩ Vũ Đức Hiếu vẫn kiên trì. Anh mua đất, xây lò, chế tạo men theo lối dân gian, rồi tìm những nguyên liệu tại chỗ để đưa vào sản xuất và đưa ra dòng sản phẩm có tên gọi gốm Mường.

Không gian trưng bày nghệ thuật mới thân thiện với môi trường tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường.

Không gian trưng bày nghệ thuật mới thân thiện với môi trường tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu từng chia sẻ, mục tiêu ban đầu khi anh hình thành nên Không gian Văn hóa Mường là anh muốn đưa nghệ sĩ quốc tế về Việt Nam để văn hóa Mường lan tỏa. Nghệ sĩ quốc tế sống và làm việc trong không gian văn hóa, khi trở về họ có thể kể bạn bè, người thân và thông qua tác phẩm của chính họ dựa trên cảm hứng về câu chuyện văn hóa, đấy là cái được ở Không gian văn hóa Mường.

“Hoạt động cộng đồng đấy tôi vẫn tiếp tục phát huy vì qua nó nhiều người được lợi, bà con địa phương tham gia hoạt động cùng nghệ sĩ, giúp họ hiểu văn hóa hơn, thẩm mỹ của họ cũng cao lên, hiểu thêm về nghệ thuật, về các nền văn hóa, dân tộc khác và ngược lại, nghệ sĩ hiểu rõ hơn về người bản địa. Nghệ sĩ đến sáng tác và để lại nhiều tác phẩm, tạo thành bộ sưu tập đa dạng cho Không gian Văn hóa Mường, văn hóa - nghệ thuật song hành”, họa sĩ Vũ Đức Hiếu cho biết.

Năm 2017, họa sĩ Vũ Đức Hiếu tổ chức “Workshop gốm Mường” quy tụ hơn 30 điêu khắc gia, họa sĩ từ nhiều địa phương tập trung sáng tác độc bản. Thương hiệu gốm Mường chính thức được xác định từ khoảng thời gian này do hơn 90% các nguyên liệu cốt như đất tổ mối, đất sét, chất pha chế men gio (tro), phụ liệu... hầu hết khai thác tại chỗ. Các tác phẩm sáng tác hướng đến độc bản, có tên riêng. Còn tác phẩm nào tham gia hai, ba bàn tay (người làm cốt, người vẽ, người phết men…) thì đều có chữ ký chung!

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu đưa tinh hoa gốm Mường về Hà Nội trong một không gian đậm bản sắc văn hóa tại 85 Nhật Chiêu, quận Tây Hồ.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu đưa tinh hoa gốm Mường về Hà Nội trong một không gian đậm bản sắc văn hóa tại 85 Nhật Chiêu, quận Tây Hồ.

Một vài họa sĩ, nhà điêu khắc thuộc lớp “đàn anh” đi trước từng nhận xét: “Gốm Mường của Vũ Đức Hiếu thoạt đầu cũng chưa thoát ra các hình dáng ống và cách điệu kiểu công nghiệp, nơi anh từng học. Tham khảo các dáng chân cao của gốm Trần, gốm miệng vuông của các nghệ sĩ nước ngoài, gốm men đen Nhật... Vũ Đức Hiếu tìm tòi những cấu trúc như đồ mây tre đan của người Mường, Thái, đồ gỗ thủ công dân tộc và cả dáng cây cỏ cũng được vận dụng để tạo dáng gốm.

Đây là những thử thách lớn đối với tay nghề vì gốm chịu trọng lực nhất định, không thể mở dáng thoải mái, như kim loại hay gỗ, nó thường có xu hướng cân đối và đóng kín, nên phát triển dáng cho thấy sự điêu luyện của nặn vuốt và hiểu biết về kỹ thuật nung, khi qua nhiệt độ cao, sự co ngót ảnh hưởng đến cấu trúc thế nào. Có thể nói, sự hướng về bản sắc dân tộc kết hợp với kỹ thuật gốm khá điêu luyện đã tạo ra những kết quả ban đầu tốt đẹp đối với một nghệ sĩ trung niên, giàu lòng với văn hóa tộc người”.

Đến những sản phẩm gốm nghệ thuật

Lý giải nguyên nhân của dòng gốm lạ này, họa sĩ Vũ Đức Hiếu cho biết, từ trại sáng tác quốc tế “Nghệ thuật dưới mái Nhà Sàn” - 2012 tại bảo tàng, trong 68 nghệ sĩ trong nước và quốc tế Á, Âu, có 2 nghệ sĩ làm gốm từ Tây Ban Nha và Mỹ. Một nghệ sĩ trẻ biết làm gốm là Triệu Minh Hải đã mang lên đây một chiếc lò gốm điện nhỏ để nung tác phẩm.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu tại xưởng gốm.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu tại xưởng gốm.

Đến năm 2014, trong một workshop tại bảo tàng, có sự tham gia của họa sĩ, nhà điêu khắc gốm Bảo Toàn. Thích thú với không gian nơi đây, nghệ sĩ Bảo Toàn góp ý với anh là nên tổ chức một trại sáng tác gốm quốc tế. Đây chính là lý do “cổ động” họa sĩ Vũ Đức Hiếu bước vào tìm hiểu nghề làm gốm từ chế men cho đến tạo cốt.

Cuối năm 2014, anh cùng một nghệ sĩ gốm khác là Trịnh Vũ Hiếu đã trưng bày gốm tự sáng tác tại không gian Modul 7 Studio (số 83 đường Xuân Diệu, Hà Nội). Từ 2015 đến 2017, là thời gian để Hiếu Mường lập lò gốm, dấn thân học hỏi trực tiếp từ các làng gốm cổ truyền và đương đại khắp miền Bắc và miền Trung như: gốm Bát Tràng (Hà Nội); gốm Phù Lãng (Bắc Ninh); gốm Hương Canh (Vĩnh Phúc),...

Theo giám tuyển, nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông, gốm của họa sĩ Vũ Đức Hiếu đã khai thác tốt cảm hứng, tình yêu trong hành trình ngót hai thập kỷ nỗ lực bảo tồn, quảng bá văn hóa Mường của cá nhân họa sĩ.

Gốm Mường chủ yếu có bề mặt thô ráp, có các gam màu nâu, vàng, chàm, xanh lá... Có được các hòa sắc này là quá trình dài nghiên cứu, thể nghiệm các công thức pha trộn men gio (men hữu cơ) cổ truyền và một số chất vô cơ phổ biến trong kỹ thuật tạo men gốm hiện đại. Xương gốm, nhờ sử dụng đất tổ mối, đôi khi kết hợp đất samot cho phép Vũ Đức Hiếu nung ở nhiệt cao những hình khối phức tạp của ngôn ngữ điêu khắc và tạo ra bề mặt gốm giàu cảm xúc tự nhiên.

Gốm Mường chủ yếu có bề mặt thô ráp, có các gam màu nâu, vàng, chàm, xanh lá.

Gốm Mường chủ yếu có bề mặt thô ráp, có các gam màu nâu, vàng, chàm, xanh lá.

Có thể nói, với gốm Mường, họa sĩ Vũ Đức Hiếu trước hết đã tạo được nhiều tác phẩm điêu khắc riêng, độc đáo, sau đó là nỗ lực tôn vinh văn hóa truyền thống nói chung, văn hóa Mường nói riêng của Không gian Văn hóa Mường đã được ghi nhận, như: Giải thưởng quốc tế Jeonju International Awards 2020 (Hàn Quốc) hay Giải thưởng Phan Châu Trinh về Văn hóa - Giáo dục (2013)...

Trong dịp ra mắt xưởng Gốm Mường tại Hà Nội, họa sĩ Vũ Đức Hiếu cho biết có hơn 130 tác phẩm được lựa chọn để trưng bày. Những tác phẩm được trưng bàylần này tại không gian 85 Nhật Chiêu bên hồ Tây là của một số tác giả khác, chứ không phải chỉ của mình anh, mặc dù chất cốt và tông mầu men là cùng một nguồn gốc. Thí dụ - như tượng Phật là do anh hoàn thành chung cùng nghệ sĩ Bùi Văn Đạo, Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Tây Bắc.

Nếu quan sát kỹ, mỗi một loại “phom” sẽ ra phong cách riêng của mỗi tác giả. “Còn “phom” của tôi”, anh nói: “Thì tự nhiên có ảnh hưởng từ hình khối đường nét vật dụng sinh hoạt trong đời sống của người Mường như nơm, đó, giỏ, gùi, ớp (đồ đeo bên hông phụ nữ Mường) do trước đây tôi vẽ những đồ này rất nhiều. Ngoài ra, còn có cả tinh thần văn hóa Mường chắt lọc trong hình hoa văn, họa tiết được tôi dùng trong cách họa men…”.

Phúc Chương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nguoi-hoa-si-nang-long-voi-van-hoa-muong-175742.html
Zalo