Người hâm mộ 'khóc ròng' vì bị lừa đảo tiền triệu tại hai concert 'Anh trai'

Trước sức hút khó cưỡng của hai chương trình âm nhạc lớn nhất 2024 Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai và Anh Trai 'Say Hi', một tấm vé đến concert trở thành món hàng 'nóng' đến mức không ít người hâm mộ buộc phải tìm đến thị trường chợ đen. Tuy nhiên, việc này không chỉ đẩy giá vé lên cao mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lừa đảo, mất trắng tiền bạc.

Cơn sốt vé chưa từng hạ nhiệt

Cuối năm 2024, hàng loạt chương trình văn hóa bùng nổ đáp ứng nhu cầu giải trí tăng cao của công chúng. Một trong số đó, Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, tiếp tục khẳng định sức hút với đêm concert thứ hai tại Hưng Yên vào ngày 14/12 tới đây. Vé concert được mở bán lúc 10 giờ sáng ngày 12/11 với mức giá dao động từ 800.000 đồng đến 8 triệu đồng. Theo thống kê từ nền tảng phân phối vé chính thức của chương trình là Ticketbox, chỉ trong phút đầu tiên, đã có hơn 126.000 người truy cập, thu hút tổng cộng hơn 8 triệu lượt xem trên website. Và không ngoài dự đoán, toàn bộ vé đã được bán hết chỉ sau 40 phút, một lần nữa chứng minh sức hút mạnh mẽ của chương trình.

Những con số "biết nói" sau ngày mở bán vé concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai. (Nguồn ảnh: Fanpage Ticketbox)

Những con số "biết nói" sau ngày mở bán vé concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai. (Nguồn ảnh: Fanpage Ticketbox)

Tương tự, Anh Trai "Say Hi" dự kiến tổ chức đêm diễn tiếp theo vào ngày 7/12 tại SVĐ Mỹ Đình, Hà Nội cũng khiến người hâm mộ “đứng ngồi không yên”. Chỉ trong một ngày mở bán, vé đã hết sạch. Hành trình “canh vé” trở thành thử thách không thua gì kỳ thi tuyển sinh đại học đối với nhiều người trẻ.

Cơn sốt vé Anh Trai "Say Hi" sau 1 giờ mở bán sớm. (Nguồn ảnh: Fanpage Anh Trai Say Hi Vie Channel)

Cơn sốt vé Anh Trai "Say Hi" sau 1 giờ mở bán sớm. (Nguồn ảnh: Fanpage Anh Trai Say Hi Vie Channel)

Trần Phương Linh (22 tuổi, Hải Dương) chia sẻ: “Dù đã chuẩn bị đầy đủ 3 thiết bị dự phòng và mạng internet ổn định để săn vé concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, mình vẫn đứng ở thứ tự hơn 100.000 trên hệ thống. Dù tự nhủ rằng hạng vé nào cũng được, nhưng cuối cùng vẫn tay trắng. Mình rất thất vọng vì đã mong chờ sự kiện này suốt cả tháng.”

"Chợ đen" và cơn ác mộng "phe vé"

Lợi dụng sự khan hiếm vé, các nhóm "phe vé" mọc lên như nấm trên mạng xã hội. Những bài đăng mời chào với mức giá “trên trời” xuất hiện nhan nhản trong các hội nhóm trên Facebook, Threads hay Telegram. Giá vé trên thị trường chợ đen thường cao hơn giá gốc từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Đặc biệt, các hạng vé VIP hoặc có vị trí đẹp thường được bán đấu giá, ai trả cao hơn sẽ được mua.

Nguyễn Văn Hưng (23 tuổi, Đà Nẵng) chia sẻ: “Mình đã đặt vé máy bay và khách sạn từ trước, vì vậy không thể bỏ lỡ concert Anh Trai 'Say Hi'. Nhưng khi mua lại từ phe vé, giá vé hạng thường vốn chỉ dao động từ 500.000 đến 800.000 đã bị đẩy lên đến gần 4 triệu. Dù biết đắt đỏ, mình vẫn phải 'cắn răng' mua vì không còn lựa chọn khác vì đã lỡ đặt vé từ trước.”

Không chỉ giá vé bị đội lên "trên trời", nhiều trường hợp người mua còn gặp phải tài khoản giả mạo nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những tài khoản “ảo” này sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi, từ giả danh nhân viên ban tổ chức đến việc lập trang web bán vé giả.

Nhiều bài viết cảnh báo lừa đảo trên các hội nhóm pass vé. (Ảnh chụp màn hình)

Nhiều bài viết cảnh báo lừa đảo trên các hội nhóm pass vé. (Ảnh chụp màn hình)

Một trường hợp điển hình xảy ra với Phạm Thanh Tâm (25 tuổi, Hà Nội), khi cô gái trẻ bị lừa mua vé từ một tài khoản giả danh nhân viên ngân hàng. Tâm chia sẻ: “Họ bảo rằng chỉ cần chuyển khoản là sẽ nhận được mã vé qua email. Nhưng sau khi chuyển tiền, tài khoản đó lập tức chặn mình. Số tiền gần 4 triệu đồng coi như mất trắng.”

Trước tình trạng này, ban tổ chức concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai đã phải lên tiếng cảnh báo người hâm mộ. Ban tổ chức khuyến khích các fan mua vé chính thống qua nền tảng Ticketbox hoặc quay số trực tiếp tại ngân hàng đối tác để tránh rủi ro. Để hạn chế tình trạng đầu cơ và lừa đảo, ban tổ chức cũng áp dụng quy định giới hạn mỗi người chỉ được mua tối đa 4 vé. Tuy nhiên, dù đã đưa ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, tình trạng "phe vé" vẫn tiếp diễn, gây không ít bức xúc trong cộng đồng người hâm mộ.

Bạn Đỗ Thị Loan, một thành viên trong nhóm kín Pass vé Concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai chia sẻ đoạn tin nhắn với một phe vé để cảnh báo mọi người. Theo đó, vé gốc hạng Nhà trẻ có giá 800.000 đồng nhưng bị phe vé đẩy lên 4 triệu đồng – cao gấp 5 lần, vé gốc hạng Nhà hát đồng giá với Nhà trẻ nhưng cũng bị đẩy lên 4.600.000 đồng, cao gấp 6 lần.

Loan chia sẻ đoạn tin nhắn của phe vé. (Ảnh chụp màn hình)

Loan chia sẻ đoạn tin nhắn của phe vé. (Ảnh chụp màn hình)

“Anh chị phe vé giữ lại dùng chứ em xin nguyện tẩy chay,” Loan bức xúc lên tiếng.

Trên các hội nhóm, diễn đàn "pass" (mua bán lại) vé concert cũng liên tục đăng tải danh sách các tài khoản lừa đảo, khuyến cáo người hâm mộ không nên giao dịch với các đối tượng mập mờ. Thậm chí, chính nghệ sĩ tham gia concert cũng lên tiếng cảnh báo fan về những chiêu trò lừa đảo tinh vi này.

Nguyễn Hoàng Bảo (21 tuổi, Hà Nội) quyết tâm không mua vé ngoài dù thất bại khi săn vé chính thống: “Mình biết nếu mua vé chợ đen không chỉ phải trả giá cao mà còn có nguy cơ bị lừa đảo. Vì vậy, mình chọn cách ủng hộ các kênh bán vé chính thức để đảm bảo an toàn.”

Có thể bị xử phạt hình sự

Theo luật sư Đường Nam Khánh, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể để xử phạt hành vi phe vé, ôm vé. Việc mua bán vé với giá cao hơn giá gốc thực chất là một giao dịch dân sự tự nguyện, được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự. "Công dân có quyền thực hiện các hành vi mà pháp luật không cấm, và việc phe vé, về bản chất đây là giao dịch dân sự thuận mua vừa bán và không nằm trong danh mục hành vi bị cấm," luật sư cho biết.

Luật sư Đường Nam Khánh cho biết: "Hành vi làm giả vé có thể bị xử phạt hành chính từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, hoặc bị cải tạo không giam giữ từ 6 tháng đến 3 năm". (Ảnh: NVCC)

Luật sư Đường Nam Khánh cho biết: "Hành vi làm giả vé có thể bị xử phạt hành chính từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, hoặc bị cải tạo không giam giữ từ 6 tháng đến 3 năm". (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng hành vi này có thể gây ra những hệ lụy đáng lo ngại, chẳng hạn như tụ tập đông người, tranh giành vé dẫn đến mất trật tự công cộng. Trong những trường hợp này, các đối tượng phe vé có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với tội danh gây rối trật tự công cộng.

Khác với phe vé, việc làm giả hoặc buôn bán vé giả là hành vi vi phạm pháp luật, được được quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự 2015. Theo luật sư, hành vi này không chỉ xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vé và uy tín của các đơn vị tổ chức sự kiện. “Hành vi làm giả vé có thể bị xử phạt hành chính từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, hoặc bị cải tạo không giam giữ từ 6 tháng đến 3 năm. Đối với các trường hợp nghiêm trọng hơn, như làm giả vé với số lượng lớn hoặc giá trị cao, mức phạt tù có thể lên đến 07 năm,” luật sư nhấn mạnh.

Việc phe vé và làm giả vé không chỉ gây tổn thất về tài chính cho người tiêu dùng mà còn làm ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường sự kiện. Do đó, luật sư kiến nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, ban tổ chức sự kiện và cộng đồng để hạn chế tình trạng này. "Ngoài việc xử phạt nghiêm minh, cũng cần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, khuyến khích họ mua vé từ các nguồn chính thức để tránh rủi ro," ông đề xuất.

Sự kiện âm nhạc không chỉ là nơi thưởng thức nghệ thuật mà còn là dịp để kết nối cảm xúc. Tuy nhiên, để giữ trọn vẹn ý nghĩa đó, cần loại bỏ triệt để những hành vi trục lợi, lừa đảo đang làm xấu đi hình ảnh của các chương trình văn hóa này.

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nguoi-ham-mo-khoc-rong-vi-bi-lua-dao-tien-trieu-tai-hai-concert-anh-trai-post1693151.tpo
Zalo