Người Hà Nội tháng năm ấy

Nước mắt ông Trúc Dương long lanh nhìn từng đoàn xe, từng đoàn bộ đội nối tiếp nhau, ông lẩm nhẩm: 'Xin chào những chiến sĩ của Hà Nội'.

Sương còn giăng mờ như tấm voan trắng giăng trên mặt ao sen. Ông Trúc Dương vẫn trong bộ quần áo ta, ngồi trên một chiếc thuyền, tay cầm một cái liễn sứ nhỏ bằng gốm nghiêng từng tàu lá sen cho những giọt sương chảy vào cái liễn. Lát sau ông lên bờ đổ nước từ cái liễn vào một cái siêu nhỏ nhóm củi đun.

Từ phía khóm trúc, một người đàn ông trong bộ comple màu xám xuất hiện. Đó là Lê Duy:

- Chào thầy Trúc Dương.

Ông Trúc Dương thoáng giật mình quay ra:

- Ồ, Lê Duy.

Lê Duy đủng đỉnh:

- Em thấy cổng mở nên đi thẳng vào đây.

Ông Trúc Dương cười xòa:

- Ờ phải rồi. Tôi đi ra bên ngoài mua bánh mì pate về rồi xuống ao sen, quên không đóng cổng.

Lê Duy lại cười:

- Vâng, nhờ thế mà em đỡ phải giật dây chuông, thầy cũng đỡ phải ra mở cổng.

Ông Dương hướng bàn tay xuống ghế mây, nói:

- Nào, ngồi xuống ăn bánh mì rồi uống trà.

Lê Duy tủm tỉm:

- Vâng, em đi ra khỏi nhà là đi thẳng tới đây cũng chưa ăn gì.

Ông Dương đặt khay bánh mì lên bàn, Lê Duy lấy dao cắt từng miếng. Cái siêu nước nhỏ trên bếp củi đang sôi nhả khói mạnh mẽ.

Ông Dương vừa pha trà vừa nói:

- Cái tuổi hoàng hôn của tôi mà sáng sớm được uống trà với người ghiền trà giống mình là sướng nhất đấy.

Lê Duy nói:

- Vâng, sáng sớm thế này được ngồi ăn sáng và “đối ẩm” với người hiểu tâm trạng mình cũng là điều hạnh phúc nhất với em.

Hai người quết pate vào bánh mì.

Ông Dương hóm hỉnh:

- Tôi lại nghĩ… Chỉ thiếu bóng dáng phụ nữ ở đây thôi.

Lê Duy:

- Nghe thầy nói vậy ai dám nghĩ thầy đã đến tuổi hoàng hôn chứ? Thầy còn lãng tử lắm ạ.

Ông Dương cười thành tiếng:

- Không lãng tử thì làm sao sống được qua ngày trong thời loạn lạc này

- Ông trầm giọng - Sau trận quân Pháp thất thủ ở trận Điện Biên Phủ thì tâm trạng của anh thay đổi gì không?

Lê Duy rót trà vào chén, nói:

- Cụ Nguyễn Du có câu nói hay thật “Kiến trong miệng chén biết bò đi đâu?” Em không hận người, hận đời, nhưng phiền não. Em tiếc… đã không làm chủ được mình, phó mặc cho con tạo xoay vần. Giờ em không biết đi đâu, về đâu?! Em cảm giác cuộc đời em dần ngắn lại… mỗi lần có tâm trạng như thế, em thấy như vọng vào tâm tiếng chuông của người tu hành.

Ông Trúc Dương nói điềm đạm:

- Theo thuyết của Phật giáo thì Bồ Tát ra tay cứu vớt từng người sa ngã đưa lên thuyền Bát nhã để trở về bến cũ.

Lê Duy, ngước lên nhìn ông Dương:

- Thầy, không lẽ thầy cứ “Mũ ni che tai” trong cái vườn um tùm cây cảnh này ạ?

Ông Dương cười khẩy:

- Người ta bảo tôi là “Kẻ nằm ngủ chờ thời”. Tôi không quan tâm lời đàm tiếu ấy.

Lê Duy:

- Nhưng người ta đâu biết thầy đã hiến cho cách mạng hàng tấn gạo cho bộ đội.

Ông Trúc Dương ngạc nhiên:

- Anh cũng biết điều đó sao? À, tôi quên là ngoài cái máu văn nghệ, anh còn là người của Sở Liêm phóng.

Lê Duy không để ý lời nói giễu mát mẻ của ông Trúc Dương, nói:

- Thầy ạ. Em đã tìm được con trai em, nó cũng có cái gen văn nghệ… Khi bà cụ em còn sống vẫn hàng ngày dắt mẹ em đi hát xẩm kiếm tiền. Bây giờ bà cụ đã khuất núi, may lại được gia đình bà Nhân đón nó về nuôi dưỡng… Em còn biết nhà bà Nhân có hầm bí mật trong vườn, gần ao sen.

Tiếng chuông chùa điểm thời gian vọng lại khiến cả hai bỗng im lặng, ông Dương nhìn vào mắt Lê Duy hỏi thẳng:

- Vậy… anh định thế nào?

Lê Duy hỏi lại:

- “Thế nào” là thế nào, thưa thầy?

Ông Dương lạnh lùng:

- Thì anh vừa nói chuyện “Cuộc đời và chuyện tu hành” ấy. Thế anh định tự tử hay đi tu?

Lê Duy thản nhiên:

- À, vâng. Cái đó… Em còn suy nghĩ, cách nào đối với em cũng đều đơn giản.

Ông Trúc Dương:

- Nếu “tự tử”, tôi sẽ giúp anh giới thiệu một loại thuốc tây, uống vài viên là vào thiên thu liền. Nếu đi tu thì sẽ buông bỏ tất cả.

Lê Duy thành thật:

- Nói thật là… em không sợ chết. Em muốn tu hành để ngày đêm sám hối… tích đức cho con trai em

Ông Dương:

- Tốt. Tôi chờ anh thốt ra những lời này. Thế mới thấy dù anh có khoác áo của ai thì tâm hồn anh vẫn là của một thằng nghệ sĩ. Có điều, nếu anh chọn cửa “thiền” là phải tuân thủ các giới luật của người tu không dễ đâu.

Lê Duy trầm giọng:

- Không nhất thiết phải tu dưới mái chùa, em tịnh tâm trong mật thất là được rồi, hạn chế tiếp xúc bên ngoài. Là thằng đàn ông thì đã nói là làm.

-- o0o --

Bên Hồ Tây, trên ghế đá sát cổng chùa, bà Nhân đang ngồi nhìn ra hồ sen:

Ông Hậu trong bộ thường phục đến gần chiếc ghế đá.

- Chào chị - Vừa ngồi xuống ông nói ngay - Anh Thọ đã báo cáo trường hợp của tên Lê Duy. Cách đây bảy năm, có tin báo về là Lê Duy đã đứng trong hàng ngũ của địch, phía ta đã có kế hoạch theo dõi nhưng không thấy Lê Duy có biểu hiện hiếu sát. Tôi đã dò hỏi những người lái xe trong Sở Liêm chính thì những cấp trên của Lê Duy cũng không có cảm tình với anh ta, họ cho rằng, Lê Duy không có năng lực. Vì vậy, mấy năm qua không được cất nhắc vào vị trí cao hơn. Qua những hồ sơ theo dõi cán bộ ta hoạt động trong nội thành, rõ ràng Lê Duy khoác áo kẻ thù nhưng thực chất lại không phục tùng theo họ.

- Ngừng một lát - Theo ông Trúc Dương nói thì không loại trừ anh ta sẽ tự sát, ông ấy vốn đạo diễn của nhóm kịch, là thầy của Lê Duy, ông Trúc Dương đang khéo léo động viên anh ta.

- Cũng vì đứa con của anh ta, hôm nọ Lê Duy đến nhà tôi triết lý về hoa sen trong đời và trong đạo Phật như một người đã từng tu hành ấy.

Ông Hậu bật cười:

- Chị nói đúng đấy. Một cán bộ của ta đã thăm dò đường ngang ngõ tắt của hắn cho biết, tên Duy không theo Pháp di tản vào Nam mà lân la tới một ngôi chùa gặp sư thầy trụ trì và đang có ý định xây cái am để xuống tóc tụng kinh sám hối.

Bà Nhân thở dài:

- Hy vọng ông ta vì đứa con và vì vong linh bà mẹ mà biết tu tỉnh. Thôi, âu cũng là một con đường tốt cho ông ta.

Ông Hậu liếc mắt sang hai bên như một thói quen, nói:

- Sư ông trụ trì ngôi chùa mà Lê Duy thường lui tới đã kín đáo nhờ sư ông chuyển một tài liệu mật kế hoạch của bọn Pháp thủ tiêu các cán bộ của ta trong nhà tù Hỏa Lò. Lê Duy sẽ tìm cách cứu các cán bộ của ta tước khi quân Pháp rút lui khỏi Hà Nội.

-- o0o --

Ông Nhân ngồi dựa lưng vào tường, chân tay đều bị xích. Một tên lính mang bát cơm tới phòng ông Nhân, nói cộc lốc:

- Tử tù Nguyễn Nhân. Cơm này… Có nhiều thức ăn ngon đấy.

Ông Nhân nhận biết ba chữ “Có thức ăn ngon” liền chộp lấy bát cơm, chờ tên lính đi khuất bới dưới bát cơm lấy miếng đậu xanh rút cuộn giấy nhỏ xíu trong ruột miếng đậu ra thầm đọc “Chính phủ ta và Pháp đã ký hiệp định đình chiến. Hãy vận động anh em không cho bọn cai ngục thủ tiêu những tử tù của ta. Sẽ có nội ứng bảo vệ anh chị em trước khi quân Pháp rút lui”. Ông Nhân ngửa mặt lên thở phào thật mạnh, mắt nhìn lên trần nhà nước mắt trào ra.

-- o0o --

Bà Nhân đang ngồi ở ghế tràng kỷ, Thanh vừa chạy vào nhà vừa thở. Bà Nhân thẫn thờ nhìn chúng hỏi:

- Báo hôm nay có tin tức gì mới không các con? Từ ngày cậu con bị bắt, mợ mất liên lạc bên ngoài không biết tin tức gì cả.

Quang từ ngoài chạy vào nói nhanh:

- Mợ… có thư mợ ạ.

Bà Nhân ngạc nhiên trước nét mặt hồ hởi của Quang, hỏi:

- Thư nào vậy con?

Quang cầm tay mẹ nói:

- Con ra phố mua báo thì có một người giúi vào tay con mảnh giấy này.

Bà Nhân mở ra đọc:

- “Vận động bà con làm thật nhiều cờ đỏ sao vàng”. Ôi là thư của bí số “X 4” - Giọng run lên - Bí danh của bác Thọ. Bác Thọ còn sống.

Quang và Thanh reo lên:

- Thật hả mợ?

Nước mắt bà Nhân trào ra:

- Quân ta sắp về giải phóng thành phố rồi. Sắp giải phóng thật rồi các con ơi.

-- o0o --

Hai hàng người đứng dọc đầu cầu Long Biên tay cầm cờ hoa vẫy chào từng đoàn quân nối dài từ cầu Long Biên đi qua. Một ông cụ quần áo nâu, mắt mù đứng cạnh một cậu bé:

- Bộ đội đang đi về phố nào hả cháu?

Cậu bé đang toe toét cười nói như gào lên:

- Bộ đội đi qua phố Hàng Đậu, bây giờ đang rẽ vào phố Hàng Giấy đấy ông ạ.

Bà Nhân và anh em Quang đã đợi sẵn ở đầu làng Ngọc Hà. Gặp nhau, ai nấy nét mặt rạng rỡ. Xe tới cửa Hỏa Lò đã thấy ông Hậu, ông Hân, chị Ngọc và nghệ sĩ Trúc Dương đều tươi tắn với cờ hoa trên tay. Ông Trúc Dương tự lái chiếc Mercedes màu trắng sữa sang trọng để cùng mọi người đến trung tâm thành phố đón bộ đội về. Ông nhìn Quang, Thanh và Hoàng, cười:

- Ôi… Chào ba chiến sĩ tí hon của Thủ đô.

Ông Nhân vóc dáng hơi tiều tụy, chân tập tễnh cùng gia đình hòa vào dòng người lẫn tiếng hò reo không ngớt.

Họ xúc động đứng bên nhau với nét mặt rạng rỡ trong rừng người, rừng cờ, rừng hoa đón mừng ngày giải phóng Thủ đô.

Hai chiếc xe chở trên mười người khó khăn lắm mới lách tới được gần Nhà thờ lớn rồi phải dừng lại và đi bộ tiếp. Từng đoàn người đứng dọc suốt từ đầu cầu Long Biên qua phố Hàng Đậu, Hàng Đường kéo dài khắp các phố Hàng Ngang, Hàng Đào ra tận Bờ Hồ. Nhiều người giàn giụa nước mắt. Những tiếng hô “Hoan hô bộ đội về giải phóng Thủ đô! Hòa bình muôn năm!” liên tiếp vang lên.

Nước mắt ông Trúc Dương long lanh nhìn từng đoàn xe, từng đoàn bộ đội nối tiếp nhau, ông lẩm nhẩm: “Xin chào những chiến sĩ của Hà Nội. Những tinh thần chiến đấu sẽ được con cháu nhắc mãi trong sử sách. Các bạn là những bông sen bách hoa của Hà Nội thơm mãi, lưu mãi với thời gian.

Nguyễn Thị Trâm (CHLB Đức)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguoi-ha-noi-thang-nam-ay-350703.html
Zalo