Người giữ rừng cả thế giới biết tên
Ông Nguyễn Đình Trọng (70 tuổi, ở thôn Tân Hòa, xã Vĩnh Hiền, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) được xem như 'mãnh hổ' trông coi, gìn giữ nguyên vẹn Rú Lịnh - khu rừng nguyên sinh duy nhất ở đồng bằng Quảng Trị.
Thậm chí, các nhà khoa học sử dụng tên ông đặt tên cho loài thực vật mới vừa phát hiện ở Rú Lịnh là Lasianthus trongii, khi công bố trên tạp chí chuyên ngành Phytotaxa.

Ông Nguyễn Đình Trọng bên cây cổ thụ ở Rú Lịnh
Lạ kỳ cách đặt tên loài mới
Nằm gần di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Rú Lịnh rộng gần 100ha, địa bàn giáp ranh giữa 2 xã Hiền Thành và Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh.
Ở đây, các nhà khoa học vừa phát hiện, mô tả 1 loài thực vật mới thuộc chi Lasianthus và công bố trên tạp chí chuyên ngành Phytotaxa số ra ngày 18-3. Lạ kỳ, loài thực vật mới này được đặt theo tên ông Nguyễn Đình Trọng, thay vì đặt tên theo đặc điểm hình thái của loài hay địa danh mà người phát hiện ra loài mới như trước đây.
TS Lê Tuấn Anh, công tác tại Viện Nghiên cứu khoa học miền Trung, là người có công lớn trong việc phát hiện, mô tả Lasianthus trongii, giải thích: “Lasianthus nghĩa là xú hương - 1 chi lớn trong họ Rubiaceae với 292 loài phân bố rộng khắp trên thế giới, ở Việt Nam đã ghi nhận 74 loài thuộc chi này. “trongii” là tên loài mới, được đặt theo tên bác Trọng để phân biệt với các loài cùng chi.
Không phải là người trực tiếp phát hiện Lasianthus trongii, nhưng sự gắn bó và cống hiến của bác Trọng trong nỗ lực bảo vệ Rú Lịnh gần như nguyên vẹn suốt 50 năm nay là điều đáng trân trọng, xứng đáng được các nhà khoa học đặt tên ghi nhớ cho loài thực vật mới này”.
Rú Lịnh trên vùng đất đỏ bazan với số lượng và chủng loại loài phong phú có nguồn gốc chủ yếu từ hệ thực vật cổ Á nhiệt đới. Tên Rú Lịnh bắt nguồn từ cây Lịnh - một loài tre quả thịt thuộc phân họ tre nứa, gần giống cây giang, thân cỏ, trong ống chứa nước trong và ngọt. Rú Lịnh còn có rất nhiều loài thú như chồn, heo rừng, sóc, bò sát và cây ăn quả như bứa, dẻ gai, hồng, chôm chôm…
Trong đó, loài Lasianthus trongii dạng cây bụi cao 1-3m, thân không lông. Lá mọc đối xứng, phiến lá hình elip hoặc hình mác, cả hai mặt lá không lông, đuôi lá nhọn, gốc lá gần tròn, mép nguyên, gân phụ 6-8 cặp, cuống lá không lông dài 2-3mm, lá kèm nhỏ hình tam giác. Quả hạch hình trứng đến hình cầu, nhẵn, màu đỏ cam. Lasianthus trongii có hình thái gần giống loài L. tamdaoensis và L. kailarsenii được phát hiện trước đó ở Tam Đảo - Việt Nam và Thái Lan.
“Loài Lasianthus trongii phân biệt rõ ràng qua hình thái của lá, hoa và quả, nhưng nổi bật nhất là màu đỏ cam của quả, khác hoàn toàn với quả màu xanh dương ở 2 loài còn lại. Hiện loài này phân bố ở khu vực 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, song quần thể có số lượng ít và được các nhà khoa học đề xuất đánh giá nguy cấp theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) năm 2024”, TS Lê Tuấn Anh cho biết.
Giữ rừng cho muôn nhà
Đến Rú Lịnh, hỏi ông Nguyễn Đình Trọng giữ rừng, mấy người lớn tuổi quay qua hỏi nhau, hay là ông “Trọng chự rú” vừa được đặt tên cho loài xú hương. Thì ra, trong thổ ngữ địa phương, chự là giữ, rú là rừng. Đời “chự rú” của ông Trọng có nhiều niềm vui nhưng cũng đối mặt không ít nguy hiểm.

Ông Nguyễn Đình Trọng (trái) và TS Lê Tuấn Anh bên cây Lasianthus trongii vừa được phát hiện tại Rú Lịnh
Đôi mắt sâu hoắm, mái tóc bạc trắng nhưng ông Trọng vẫn nhanh nhẹn như con sóc giữa rừng. Ông cười rồi bảo: “Tôi kể, nhưng nhà báo đừng viết thật quá, kẻo thấy khổ, không ai dám giữ rừng nữa mô!”. Sau ngày đất nước thống nhất, ông Trọng từ vùng tập kết miền Bắc trở về quê nhà, được phân công làm công nhân thủy lợi. Đến cuối năm 1977, ông về lại Tân Hòa, xung phong giữ rừng hưởng công sau khi lực lượng kiểm lâm rút, bàn giao Rú Lịnh cho địa phương quản lý.
Hòa bình lập lại, mọi người di tản khắp nơi rồi tay trắng trở về nhà trên đống đổ nát hoang tàn vì bom đạn chiến tranh. Nhà cửa, ruộng đồng hoang hóa, đầy rẫy hố bom và dày đặc bom mìn… Khó khăn chồng chất nên nhiều người tìm đến Rú Lịnh chặt cây đốn gỗ đổi lấy gạo.
Xót xa trước những cây gỗ gụ, gõ, sồi, lim, chò sến, trầm hương… to cả mấy người ôm không xuể vừa hồi sinh trên vùng đất chết bị đốn hạ không thương tiếc nên người ta đến đặt vấn đề, tôi kiên quyết trả lời “rừng của Nhà nước, tui đâu có quyền mà cho”...
Không dừng lại, họ tìm tới tận nhà tôi ném đá, hăm dọa, chửi bới thậm tệ đến cả vợ con. Lại có người vờ mượn rựa, cưa mà tôi vừa tịch thu từ những đối tượng chặt phá rừng. Nhưng tôi biết, họ mượn rồi xách đi chặt cây, phá rừng là vô tình tôi trở thành tiếp tay… Thực ra, người dân đang giám sát, nếu tôi du di một tí là chết
- ông Trọng chia sẻ.
Những thửa ruộng hoang hóa bên rìa Rú Lịnh được cải tạo, bà con trong vùng dần bỏ đi rừng, chăm chỉ làm nông nên công việc của ông Trọng đỡ vất vả. Nhưng chẳng bao lâu, lâm tặc hung hãn từ nơi khác đổ về Rú Lịnh chặt phá cây rừng, săn tìm trầm hương, đào gốc cây làm bonsai khiến việc giữ rừng của ông Trọng đối diện muôn vàn hiểm nguy.
Ông bảo: “Muốn làm nghề này thì phải có gan. Quen như tôi mà đi rừng vẫn bị rết cắn, trật chân té là chuyện thường. Cách đây vài năm, khi đang tuần rừng ở khu vực khe Mài Rạ Mến Lện, tôi phát hiện nhóm người đang bứng gốc đa to. Chỉ có một mình nên tôi chờ cho chúng kéo cây ra ngoài Rú Lịnh mới hô hoán để dân làng vây bắt”.
Bị ông Trọng “phá đám”, các đối tượng bỏ cây, xúm lại đánh ông một trận nhừ tử. Tưởng ông ngán, nào ngờ vài ngày sau, những vết bầm tím chưa kịp tan, người ta lại thấy ông vác rựa lên rừng đi tuần.
“Giờ mỗi lần có lâm tặc, ông Nguyễn Đình Trọng chỉ cần hú một tiếng là dân làng kéo lên vây bắt. Ngoài việc giữ nước ngầm để hàng trăm hécta lúa của 2 xã Hiền Thành và Vĩnh Hòa luôn đủ nước tưới tiêu, đời sống người dân được bảo đảm, Rú Lịnh như cỗ máy điều hòa mát rượi khi nắng nóng gió Lào thổi mạnh và là lá chắn che chở cho mọi nhà khi bão tố đổ bộ”, ông Thái Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, nhìn nhận.
Chưa ai đoán định Rú Lịnh bao nhiêu tuổi, chỉ biết những năm kháng Pháp, rú là nơi an toàn. Người dân quanh vùng thời ấy vào rú tránh địch đi càn và lập “chợ kháng chiến” nhằm trao đổi, mua bán sản vật địa phương. Thời chống Mỹ, Rú Lịnh thành nơi che chở cho bộ đội tránh các cuộc oanh tạc của máy bay địch mà dấu vết còn lại là những hố bom giữa rừng...
Giờ hạn hán đến mấy, mạch nước ngầm ở Rú Lịnh vẫn chảy về tưới tắm cho những vườn hoa màu, ruộng lúa xanh tươi quanh vùng. Đặc biệt, người dân đã nhận thức và khâm phục việc giữ rừng của ông Trọng là vì làng, vì nước, vì người đi trước, vì thế hệ mai sau.