Người giàu lên từ rừng
Đó là lời giới thiệu của lãnh đạo địa phương khi nói đến ông Đặng Văn Nông, thôn Tân Mỹ, xã Phong Mỹ, thị xã Phong Điền. Để có thành quả này, ông Nông đã trải qua nhiều năm tháng cơ cực, 'ăn ngủ' với rừng.

Ông Nông (bên trái) đang giới thiệu mô hình cây giống nuôi cấy mô phục vụ trồng rừng chất lượng cao
Theo chân một cán bộ địa phương, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nông - biệt danh “vua rừng” ở thôn Tân Mỹ, xã Phong Mỹ. Lối vào nhà ông là con đường bê tông dài nối từ đường cái xuyên qua khu rừng trồng xanh mát, thẳng hàng sắp đến kỳ thu hoạch. “Cơ ngơi” của ông Nông chẳng khác một nông trường, quy hoạch theo mô hình VACR, có khu nuôi ươm giống cây rừng và khách ra vào nhộn nhịp… “Có được "nông trường" này, vợ chồng tôi đã đổ bao công sức, tiền của. Đây còn là “lộc” của núi đồi giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo”- chị Nguyễn Thị Gái, vợ ông Nông chia sẻ.
Hơn 20 năm trước, gia đình ông Nông cũng như nhiều bà con ở thôn Tân Mỹ sống trong cảnh nghèo khó. Nguyên nhân là do địa hình Tân Mỹ có nhiều đồi núi, giao thông cách trở, đất đai hoang hóa và nhiều bom đạn ẩn sót sau chiến tranh. Năm 1994, với nhiều chính sách mới của Nhà nước quan tâm phát triển cây rừng, ông Nông là một trong những hộ tiên phong trồng rừng ở địa phương theo Chương trình 327 của Chính phủ. Nhờ tìm hiểu và nắm bắt được chính sách mới, cùng với khát vọng vượt khó, thoát nghèo, ông Nông mạnh dạn đăng ký trồng rừng. Từ đó, những khoảnh đất ven núi, ven đồi hoang hóa cằn cỗi không ngày nào vắng bóng dáng vợ chồng ông Nông. Cứ thế, dần dần những khu đất rừng trơ trọi đó được khoác lên màu xanh của cây rừng và cao su. “Hồi đó, chuyện trồng rừng không phải như bây giờ, mọi công đoạn từ cải tạo đất, đào hố, phát cỏ đều do vợ chồng tôi tự xoay xở vì không có tiền để thuê mướn nhân công, máy móc cũng không có…” - bà Gái kể.
Sau những năm tháng nỗ lực, giờ đây vợ chồng ông Nông đã sở hữu gần 30ha rừng keo tràm và hơn 15ha cây cao su, chưa kể những ao cá, vườn cây ăn trái nằm cạnh nhà. Những khu rừng trồng, cùng với cao su đã giúp gia đình ông thu về hàng tỷ đồng mỗi năm, nhất là kể từ năm 2016, ông hưởng ứng tham gia trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC gần 20ha. Kể từ thời điểm này, nhiều người dân địa phương bảo ông Nông là “tỷ phú từ rừng”. “Chuyện vượt nghèo, vượt khó không bàn nhiều. Điều tôi vui hơn cả là đã góp một phần công sức của mình để phủ xanh thêm cho đất trống đồi trọc, tạo môi trường thiên nhiên ở Phong Mỹ xanh mát hơn” - ông Nông bộc bạch.
Kể từ khi gia đình ông Nông tham gia vào chương trình trồng rừng FSC, nhiều người ở địa phương đến học tập và làm theo, góp phần làm tăng diện tích trồng rừng FSC qua hàng năm.
Ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ cho biết: Mô hình trồng rừng của ông Nông là điển hình để người dân học hỏi áp dụng và phát triển kinh tế. Ông Nông từng làm cán bộ xã và bí thư chi bộ thôn ở địa phương, là người nhiệt huyết, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm mà ông tích lũy trong nhiều năm. Đáng khen hơn, khi biết trồng rừng theo FSC tạo nguồn thu nhập ổn định, bền vững, ông đã đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng trang trại ươm nuôi cây giống (giống mô) theo kỹ thuật công nghệ mới, công suất 8 vạn cây/năm. Vườn ươm cây giống này đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương; trong đó hiệu quả nhất là giúp cho ông và nhiều gia đình ở Phong Mỹ tham gia trồng rừng gỗ lớn chủ động được nguồn giống cây tốt, hiệu quả.