Người giàu, học vấn cao ngày càng 'lười sinh con'
Theo số liệu thống kê, người có trình độ học vấn dưới tiểu học sinh 2,35 con, trong khi học trên cấp THPT chỉ sinh 1,98 con và người càng giàu càng 'lười' sinh con.
Vì sao người giàu, học vấn cao lười sinh con?
Ông Phạm Vũ Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế cho biết trình độ học vấn và hoàn cảnh kinh tế có liên quan đến mức sinh.
Theo đó, phụ nữ thành thị sinh muộn và sinh ít con hơn phụ nữ nông thôn. Ở khu vực thành thị, mức sinh cao nhất là nhóm phụ nữ 25 - 29 tuổi, với 127 trẻ/1.000 phụ nữ.
Trong khi đó, ở khu vực nông thôn, mức sinh cao nhất rơi vào nhóm 20 - 24 tuổi, với 147 trẻ/1.000 phụ nữ.
Số liệu năm 2023 cho thấy trong đó người giàu nhất có mức sinh là 2 con, người nghèo có mức sinh là 2,4 con, người có mức sống khá và trung bình sinh từ 2,03 đến 2,07 con.
Còn người có trình độ học vấn dưới tiểu học sinh tới 2,35 con, trong khi đó người có trình độ trên THPT chỉ đẻ 1,98 con.
Giới trẻ thích trải nghiệm, ngại kết hôn, sinh con
Người giàu, học vấn cao lười sinh con, thích trải nghiệm. Chia sẻ về tâm lý này, Ngọc Huyền (30 tuổi), đang làm nhân viên tại một ngân hàng ở Hà Nội cho biết, thu nhập của cô đủ để chăm sóc bản thân và dành ra 1 khoản để gửi tiết kiệm.
Ngoài những lúc bù đầu với công việc, cô gái này còn dành thời gian học đàn, bơi và học thêm ngoại ngữ vào buổi tối. Những ngày cuối tuần, Huyền tụ tập bạn bè hoặc tự mình đi du lịch những nơi gần Hà Nội.
"Thời gian 1 tuần của tôi đã lấp đầy, không còn thời gian nghĩ đến việc hẹn hò nữa. Mệt mỏi nhất là ở quê mẹ tôi cứ gọi điện thúc giục hoặc mai mối để tôi kết hôn" – Ngọc Huyền nói.
Cô nàng 30 tuổi tâm sự, gia đình không khá giả nên từ nhỏ bản thân phải nỗ lực rất nhiều mới có được vị trí như hiện nay. Đến khi cuộc sống đã khá hơn, Ngọc Huyền muốn dành thời gian tận hưởng cuộc sống.
"Nếu kết hôn phải tính đến việc sinh con, mua nhà. Cảm giác đó thật áp lực và tôi chưa sẵn sàng cho việc làm mẹ lúc này. Tôi không muốn con mình sinh ra phải thiếu thốn đủ thứ như mình lúc nhỏ" – Ngọc Huyền bộc bạch.
Cũng là người học vấn cao lười sinh con giống như câu chuyện của Ngọc Huyền, Mạnh Quân (quê Vĩnh Phúc) xuống Hà Nội học Đại học rồi lập nghiệp và cưới vợ. Nam thanh niên 31 tuổi hiện đang là quản lý tại một nhà hàng ở Hà Nội với mức lương nhiều người mơ ước.
Tuy nhiên, với Quân nhận được mức lương cao nhưng đi kèm với đó là áp lực công việc đè nặng và ít có thời gian nghỉ ngơi, chăm lo cho gia đình.
"Tôi và vợ kết hôn được 1 năm thì cả 2 cùng hùn vốn mua một căn nhà ở Hà Nội. Bây giờ mà sinh con nữa thì tôi lo ngại không thể lo nổi cho con cái vì chi phí sinh hoạt, tiền học, tiền ăn cho trẻ ở thành phố khá đắt đỏ. Nên 2 vợ chồng tôi cùng thống nhất với nhau, đợi kinh tế ổn định thêm chút mới tính chuyện sinh con", Quân kể về dự định của mình.
Tưởng chừng chỉ là câu chuyện của từng cá nhân nhưng việc người trẻ có xu hướng kết hôn muộn và sinh ít con ở Việt Nam là vấn đề làm khó các cơ quan quản lý dân số.
Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến người trẻ ngại kết hôn, sinh con. Trong đó, đô thị hóa, kinh tế phát triển, áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con... là yếu tố làm giảm mức sinh.
"Ở khu vực thành thị, việc thiếu trường học, nỗi lo về học phí, chi phí sinh hoạt... khiến nhiều người e ngại sinh con. Nhiều người Việt cũng có tâm lý muốn hưởng thụ, dành thời gian, tiền bạc cho các thú vui cá nhân mà không muốn sinh con", ông Phạm Vũ Hoàng phân tích.
-->> Tuổi kết hôn trung bình của người Việt vượt mốc 27