Người Đô Thị phát hành sách 'Hồn phố, Đời người'
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm phát hành Người Đô Thị bộ mới (2014 - 2024), Tạp chí Người Đô Thị thực hiện tuyển chọn các bài viết đặc sắc về di sản và ký ức đô thị đã đăng trên Tạp chí Người Đô Thị, làm thành sách 'Hồn phố, Đời người'. Sách do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành, phát hành toàn quốc từ ngày 20.1.2024.
Nếu hỏi cái gì ở Việt Nam lọt vào top phát triển nhanh nhất của chính đất nước này? Câu trả lời hoàn toàn có thể là: các đô thị.
Nếu hỏi thêm: Đô thị phát triển nhanh như vậy đáng mừng hay đáng lo, câu trả lời sẽ là một câu hỏi - Mừng hay lo tùy thuộc vào việc bạn mong muốn có một đô thị như thế nào: cực lớn, cực hiện đại nhưng thiếu thân thiện với môi trường và thiếu hồn vía, hay là có sự hài hòa giữa nhu cầu sống hiện đại nhưng vẫn gần gũi thiên nhiên và đặc biệt là có kết nối giữa hiện tại và ký ức?
Những câu hỏi cùng những câu trả lời về số phận và gương mặt đô thị hôm nay và ngày mai sao cho hợp lý có lẽ cần được trình bày không chỉ bằng một vài bài viết, mà là một tập hợp nhiều bài viết trong một hoặc nhiều cuốn sách mà tác giả không ai khác hơn là các nhà nghiên cứu, các chuyên gia thực hành trong lĩnh vực kiến trúc, khảo cổ, di sản, quy hoạch.
Họ, bằng uy tín nghề nghiệp, bằng tri thức và kinh nghiệm, thậm chí cả sự dũng cảm nữa, sẽ nói với các nhà quản lý đô thị lắm quyền, các nhà đầu tư lắm tiền và các công dân nhiều hiểu biết, rằng: hãy bình tĩnh nuôi tầm dưỡng tâm để cùng nhau phát triển những đô thị đáng sống trên đất nước xinh đẹp và đa dạng địa lý của chúng ta.
Đáng sống vì ở đó người ta có thể kiếm sống hôm nay mà không bị tước đoạt ký ức đã qua và có thể nghĩ đến ngày mai sánh với các đô thị trên bản đồ thế giới.
Tiếng nói của các chuyên gia có tâm và có tầm về đô thị có thể sẽ nói với những người đang hoặc sắp là thị dân điều này: lối sống hối hả, cuống quít hôm nay đã khiến chúng ta bỏ qua, thậm chí vô tình hủy hoại nhiều giá trị quý giá mà chúng ta sẽ tiếc nuối vì không thể tìm lại.
Sự tiếc nuối đó buộc chúng ta phải hành động bằng ý thức trưởng thành của cá nhân và bằng các chính sách lớn đến từ sự tham mưu tử tế.
Còn các nhà văn, nhà báo bằng những chuyến đi với trái tim nóng hổi và cái đầu tỉnh táo sẽ nói với những người đang sống trong các đô thị rằng làm thế nào để một đô thị có thể trở thành đô thị di sản; rằng không thể cứ muốn là ta vung chữ ký, vung tiền để xóa đi một di sản công nghiệp ở Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng hoặc một di sản đô thị đặc thù như Đà Lạt, Sa Pa, Huế… Rằng, vì sao người ta cứ phải lan man Nhớ và Quên cùng đô thị và vì sao phải Đối thoại với phố… Vì sao chúng ta “dù thương nhớ và nuối tiếc phố cũ, người xưa cũng không thể sống như cũ vì cuộc sống hôm nay cần đến sự an toàn trong từng phút giây và mét vuông trú ngụ”.
Mùa xuân này, có một cuốn sách nói với chúng ta nhiều câu chuyện, nhiều đề xuất và gợi mở hữu ích như thế cho ý thức người dân và các nhà quản lý.
Cuốn sách đó ngày 19.1.2025 đã được cấp phép phát hành, là một tuyển chọn các bài viết đặc sắc của nhiều tác giả khoa học và báo chí, văn chương được yêu thích từng xuất hiện trên Tạp chí Người Đô Thị bộ mới (2014 - 2024). Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM chính là “bà đỡ” mát tay cho cuốn sách đáng được chờ đợi này: “Hồn phố, Đời người”.
Phố có hồn, người có đời. Vậy thôi...
Nguyễn Trương
Sách “Hồn phố, Đời người” dày hơn 500 trang, với sự tham gia của các tác giả:
Văn nhân, nghệ sĩ, cây bút, nhà báo: Nguyên Ngọc (nhà văn); Xuân Phượng (đạo diễn, nhà văn); Nguyễn Duy (nhà thơ); Tạ Duy Anh (nhà văn); Hồ Anh Thái (nhà văn); Nguyễn Ngọc Tư (nhà văn); Tuấn Khanh (nhà báo, nhạc sĩ); Dạ Ngân (nhà văn); Du Tử Lê (nhà thơ); Đỗ Trung Quân (nhà thơ); Trần Thùy Mai (nhà văn); Nguyễn Thị Ngọc Hải (nhà văn, nhà báo); Nguyễn Thị Minh Ngọc (nhà văn, đạo diễn); Trần Trung Chính (nhà văn, họa sĩ); Nguyễn Hồ (nhà văn);
Nguyễn Vĩnh Nguyên (nhà văn); Phúc Tiến (nhà báo); Phạm Công Luận (nhà báo); NSND. Bạch Tuyết; Nguyễn Trương Quý (nhà văn), Võ Diệu Thanh (nhà văn); Đỗ Bích Thúy (nhà văn); Nguyễn Hàng Tình (nhà văn, nhà báo); Huỳnh Trọng Khang (nhà văn); Cát Vũ (nhà báo); Dương Thế Hùng (nhà báo);
Nguyễn Thế Thanh (nhà báo); Đoàn Khắc Xuyên (nhà báo); Hữu Bảo (nhà báo); Duy Thông (nhà báo); Lê Đại Anh Kiệt (nhà báo); Trung Dũng (nhà báo); Lệ Thủy (nhà báo); Thượng Tùng (nhà báo); Trâm Anh (nhà báo); Nguyễn Đình (nhà báo); Khiếu Thị Hoài; Hoàng Phương Anh; Quý Phạm; Trọng Văn; Song Nguyễn...
Chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu: KTS-GS-TS. Hoàng Đạo Kính; GS. Nguyễn Ngọc Giao; Luật sư Trương Trọng Nghĩa; TS. Trần Hải Hạc; KTS-PGS-TS. Nguyễn Hồng Thục; KTS-TS. Ngô Viết Nam Sơn; KTS-PGS-TS. Phạm Thúy Loan; TS. Nguyễn Đức Hiệp; KTS-PGS-TS. Khuất Tân Hưng; Quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng; PGS-TS. Đỗ Lai Thúy; TS. Trần Hậu Yên Thế; GS-TS. Nguyễn Minh Thuyết; GS-BS. Nguyễn Chấn Hùng; PGS-TS. Phan Thanh Bình;
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan; GS-TS. Trần Văn Thọ; Nhà sử học Dương Trung Quốc; TS. Nguyễn Quốc Tuấn; TS. Nguyễn Thị Hậu; PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa; TS. Bùi Đại Dũng; PGS-TS. Nguyễn Thị Minh Thái; PGS-TS. Huỳnh Như Phương; Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng; Trần Thị Vĩnh Tường; ThS. Phạm Minh Quân; Luật sư Nguyễn Kiều Hưng...
Sách “Hồn phố, Đời người”, bìa mềm, với giá bán 250.000 đồng phát hành toàn quốc từ ngày 20.1.2025. Độc giả có thể mua trực tiếp tại quầy sách của Nhà xuất bản Tổng hợp trên Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM) và các nhà sách khác, hoặc liên hệ mua sách với phòng phát hành Tạp chí Người Đô Thị - hotline 0901854010.