Người di cư bị trục xuất khỏi Mỹ và sự tiến thoái lưỡng nan

Nhiều người di cư bị trục xuất khỏi Mỹ chưa biết sẽ phải đi đâu khi 'miền đất hứa' không chào đón họ và họ cũng không thể quay về quê nhà.

Vào tháng 2, hàng chục ngàn người di cư bất hợp pháp bị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trục xuất đến Panama.

Trong những người này, chính quyền Panama đã tạm giữ nhóm khoảng 300 người không phải công dân Panama trong một khách sạn. Sau đó, những người không chấp nhận hồi hương về nước đã bị đưa đến một trại giam có bảo vệ ở rìa một khu rừng. Đến đầu tháng 3, chính quyền Panama đã thả những người này, đưa họ trở lại Panama City (thủ đô của Panama) bằng xe buýt.

Khi những chuyến xe buýt đầu tiên chở những người di cư trên đến Panama City, người ta phát hiện 3 người trong số này đã bị bệnh. Một luật sư cho biết một người cần điều trị HIV, một người khác đang bị tiểu đường và một người thứ ba đang lên cơn động kinh.

 Người di cư bị trục xuất khỏi Mỹ tại Panama City (Panama). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Người di cư bị trục xuất khỏi Mỹ tại Panama City (Panama). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Theo tờ The New York Times, nhóm những người di cư này xuất thân từ nhiều quốc gia, gồm Iran, Afghanistan, Cameroon, Ethiopia, Uzbekistan và nhiều nước khác. Sự bối rối, hỗn loạn, sợ hãi đang ngự trị trong họ.

"Tôi sẽ làm gì đây? Tôi sẽ đi đâu đây?" là câu hỏi thường trực chưa có lời đáp của những người di cư này và cũng là của nhiều người di cư bị trục xuất khỏi Mỹ hiện đang ở các nơi khác.

Hành trình dài

Trong những người di cư bị trục xuất đến Panama có anh Hedayatullah Zazai. Anh này cho biết từng đảm nhận vị trí sĩ quan quân đội tại Afghanistan, làm việc cùng Lực lượng đặc nhiệm Mỹ và các cố vấn người Mỹ. Sau khi Taliban lên nắm quyền, anh Zazai đã trốn sang Pakistan, Iran, sau đó bay đến Brazil, đi bộ qua Nam và Trung Mỹ để đến biên giới Mỹ. Nhưng sau đó, anh không được chấp nhận cho nhập cảnh vào Mỹ.

Một người di cư bị trục xuất khác là cô Simegnat. Cô đi một mình từ Ethiopia. Cô cho biết cô rời khỏi Ethiopia sau khi chính quyền nghi cô làm việc cho một nhóm phiến quân. Theo lời Simegnat, cô ra đi sau khi nhà cô bị đốt cháy, cha và anh trai cô bị giết.

“Tôi không phải là người muốn chạy trốn khỏi đất nước của mình. Tôi sở hữu một nhà hàng và tôi có một cuộc sống tốt đẹp” – cô nói.

Hầu hết người di cư bị trục xuất cho biết sau khi họ vượt qua biên giới Mỹ vào đầu năm nay họ bị chính quyền Mỹ giữ khoảng 2 tuần, sau đó được đưa lên máy bay. Đa phần trong số họ không biết chuyến bay đó sẽ đưa họ đi đâu.

Về phía chính quyền Mỹ, người phát ngôn của Bộ An ninh Nội địa Mỹ Tricia McLaughlin nói rằng những người di cư đã được "trục xuất đúng cách" khỏi Mỹ. Bà cũng nói thêm rằng "không một người nào trong số những người nước ngoài này khẳng định sợ phải trở về quê hương của họ, trong quá trình xử lý hoặc lúc bị giữ [tại Mỹ]".

"Chính phủ Mỹ đã phối hợp để phúc lợi của những người nước ngoài này cũng được các nhóm nhân đạo tại Panama tính tới" – bà nói.

Tuy nhiên, phía chính phủ Panama cho biết họ không ở thế chủ động trong vấn đề này. "Thành thật mà nói, tôi không biết liệu sẽ có thêm máy bay [chở người di cư bất hợp pháp vào Mỹ rồi bị trục xuất đến Panama] hay không. Tôi không muốn làm vậy lắm, vì họ [Mỹ] để lại cho chúng tôi vấn đề này" – Tổng thống Panama Rául Mulino nói.

 Cô Simegnat – một người di cư bị trục xuất khỏi Mỹ. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Cô Simegnat – một người di cư bị trục xuất khỏi Mỹ. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Panama đã cấp cho những người di cư bị trục xuất giấy phép 30 ngày cho phép họ ở lại đất nước này, đồng thời cho họ tùy chọn gia hạn thời gian lưu trú lên 90 ngày.

Theo The New York Times, những người di cư này có thể nộp đơn xin tị nạn ở một quốc gia khác. Tuy nhiên, theo bà Silvia Serna – một luật sư tại Panama, việc tìm quốc gia tiếp nhận những người này là điều không dễ dàng.

Tiến thoái lưỡng nan

Một số người cho biết họ vay nợ hàng trăm hoặc hàng ngàn USD để chuẩn bị cho chuyến đi đến Mỹ.

"Nếu tôi trở về Ethiopia mà không trả tiền cho họ, họ sẽ giết tôi" – cô Simegnat nói.

Trả lời The New York Times, 3 người Iran bị trục xuất cho biết họ có kế hoạch quay lại Mỹ và đang thỏa thuận với một kẻ buôn người. Kẻ buôn người đã báo giá để đưa một phụ nữ qua biên giới Mỹ-Mexico thì phải trả 5.000 USD, nếu muốn có thị thực thì phải trả cho kẻ buôn người 8.000 USD.

Hiện tại, hầu hết những người di cư bị trục xuất đang ở tại một phòng tập thể dục của trường học do hai tổ chức từ thiện điều hành. Một nhóm nhỏ những người di cư bị trục xuất khác, chủ yếu là các gia đình có trẻ em, đã ở tại một khách sạn ở Panama City do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tài trợ. Trong số đó có một cặp vợ chồng, Mohammad và Mona, và cậu con trai 8 tuổi.

"Con tôi không đi học và cuộc sống đang lặp lại với thằng bé” – anh Mohammad nói.

Gia đình anh đang hy vọng rằng nhóm luật sư của bà Serna có thể thuyết phục chính quyền ông Trump cấp cho họ quyền nhập cảnh Mỹ. Anh Mohammad cho biết phòng trường hợp điều đó không thành hiện thực, anh đang cân nhắc ở lại Panama và tìm việc làm.

 Một nơi trú ẩn cho người di cư bị trục xuất tại Panama City (Panama). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Một nơi trú ẩn cho người di cư bị trục xuất tại Panama City (Panama). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Trong lúc đó, một số người đã tìm được nơi trú ẩn tại Panama.

Cô Artemis Ghasemzadeh – một người di cư gốc Iran – cho biết một linh mục đã cho phép cô và nhóm người di cư của cô có thể ở tại một ngôi nhà ở phía bắc Panama City, nếu chính phủ Panama cho phép họ ở lại nước này. Cô đang cân nhắc về lời đề nghị này.

"Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tôi không biết bước tiếp theo của mình là gì” – cô Ghasemzadeh nói.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-di-cu-bi-truc-xuat-khoi-my-va-su-tien-thoai-luong-nan-post841611.html
Zalo