Người đẹp Hải Dương và dự án quảng bá trang phục 54 dân tộc Việt Nam
Sau khi trở thành Á hậu 1 Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022, Lương Thị Hoa Đan, người đẹp quê ở xã Thanh Quang, huyện Nam Sách (Hải Dương) đã ấp ủ và thực hiện dự án quảng bá trang phục 54 dân tộc Việt Nam.
“Xin chào mọi người. Mình là Hoa Đan, người đứng sau dự án giới thiệu về trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Mình bắt đầu dự án với tâm thế của Á hậu 1 Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022. Nhưng sau một thời gian, mình duy trì dự án với niềm yêu thích và tò mò với văn hóa của các dân tộc Việt Nam". Đây là lời giới thiệu của Á hậu Lương Thị Hoa Đan về dự án cá nhân của mình.
Chia sẻ về lý do thực hiện dự án này, Hoa Đan cho biết là phụ nữ, ai cũng yêu thời trang. Dự án của chị bắt đầu từ việc tham gia Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam. Khi đó, mỗi thí sinh đều mặc trang phục dân tộc của mình và Đan cũng được mặc thử trang phục của các dân tộc. Tất cả các thí sinh đều nhận thấy những trang phục này đều rất đẹp và có những dấu ấn văn hóa riêng, khi mặc lên mang vẻ đẹp rất đặc biệt.
Người đẹp quê Hải Dương mong muốn mọi người sẽ quan tâm, biết đến nhiều hơn về vẻ đẹp của trang phục các dân tộc. Từ đó hiểu hơn văn hóa của mỗi dân tộc. Vì vậy, chị đã quyết định thực hiện dự án cá nhân quảng bá trang phục 54 dân tộc Việt Nam. Với trang phục mỗi dân tộc, Hoa Đan thực hiện bằng hình ảnh để mọi người thấy rõ hơn về trang phục, bao gồm chất liệu, quá trình nhuộm vải, các loại khăn, đồ trang sức, những dịp để mặc trang phục ấy.
Bộ trang phục dân tộc đầu tiên của dự án mà Hoa Đan thực hiện là trang phục của người Tày. Chị đã tìm hiểu được quá trình nhuộm chàm để tạo ra vải áo, tạo ra chiếc áo dài 5 thân của người Tày. Phụ nữ Tày thường đeo kiềng bạc và xà tích. Quá trình tìm hiểu, thực hiện bộ ảnh rất thú vị nhưng Hoa Đan cũng cũng gặp những khó khăn.
Hoa Đan phải tham khảo từ nhiều nguồn, tìm kiếm vất vả mới có thể hiểu và ra được trang phục nguyên bản, thuần chất của một dân tộc. Qua thời gian, qua những thay đổi, giao lưu văn hóa, có những trang phục vẫn được gìn giữ thuần chất nhưng cũng có những trang phục đã thay đổi để phù hợp hơn với cuộc sống thường ngày.
Ngay sau thành công của bộ trang phục đầu tiên, Hoa Đan tiếp tục thực hiện dự án với trang phục của dân tộc Mông. Đan lựa chọn trang phục dân tộc Mông bởi được truyền cảm hứng từ những em nhỏ ở dốc Thẩm Mã, những ngôi nhà trình tường ở Hà Giang. Hoa Đan đã rất kỳ công, tâm huyết chọn lựa phụ kiện, chuẩn bị cho buổi chụp. Tuy nhiên, đây là một thử thách khó khăn và chị đã thực hiện hụt bộ trang phục này. Bởi lẽ trang phục dân tộc Mông có rất nhiều phiên bản của các nhánh khác nhau và cách mặc cũng phức tạp hơn nhiều so với những trang phục chị từng làm. Vì vậy, Hoa Đan đã phải dừng việc chụp trang phục Mông lại để dành thời gian tìm hiểu kỹ hơn.
Đầu năm nay, Hoa Đan tiếp tục dự án với trang phục dân tộc Mường. Thông qua kết nối của bạn bè, chị đã đến huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) gặp gỡ một gia đình người Mường và người thợ may trang phục dân tộc lâu năm để lấy số đo. “Ban đầu mình gửi số đo cho thợ may nhưng họ không tin, nói rằng làm gì có người con gái nào cao như thế. Mình đã phải ến Hòa Bình để thợ lấy số đo cho chuẩn và trở lại lấy trang phục sau", Hoa Đan cười và nhớ lại kỷ niệm.
Hành trình trở lại lấy trang phục cũng là dấu ấn khó quên. Đó là một ngày trời mưa lớn, chị cùng bạn nữ trợ lý đi xe máy trong đêm tối để lên Hòa Bình lấy trang phục về thực hiện bộ ảnh. Mặc dù vất vả nhưng Hoa Đan cảm thấy ấm lòng vì được mọi người giúp đỡ, được mời thưởng thức những món ăn đặc trưng của dân tộc Mường. Sau khi về Hà Nội thực hiện dự án, chị vẫn giữ liên lạc với người dân ở đây để được cố vấn thông tin về trang phục.
Là dự án cá nhân nên tất cả kinh phí thực hiện Hoa Đan phải chi trả hoàn toàn. Vì vậy, cô nàng Á hậu phải tự thực hiện rất nhiều công đoạn như tìm hiểu, viết nội dung, thiết kế ấn phẩm… “Lúc nào khó khăn quá thì mình xin tài trợ từ mẹ và ông nội", Hoa Đan tâm sự thêm.
Hiện tại, chị đã thực hiện thành công được 2 bộ trang phục dân tộc Tày và Mường. Đây đều là những trang phục cầu kỳ, khi tìm hiểu kỹ thì có rất nhiều câu chuyện xung quanh các chi tiết, phụ kiện và những câu chuyện về văn hóa đồ sộ.
“Qua mỗi lần thực hiện một bộ trang phục dân tộc, mình luôn cảm thấy choáng ngợp trước sự đồ sộ về văn hóa của mỗi dân tộc của đất nước Việt Nam. Và càng tìm hiểu sâu hơn, mình càng tự hào, mong muốn mang những câu chuyện này đến gần hơn với cộng đồng", Á hậu Hoa Đan tự hào nói.
Thời gian tới, Hoa Đan sẽ tiếp tục dự án với trang phục dân tộc Thái. Còn trang phục dân tộc Kinh - dân tộc của Hoa Đan, cô nàng Á hậu muốn thực hiện cuối cùng, một cách đặc biệt nhất.
Điều Hoa Đan mong muốn là vẻ đẹp của trang phục các dân tộc Việt Nam sẽ được quảng bá mạnh mẽ hơn ở trong nước và ra thế giới. Trang phục các dân tộc Việt Nam sẽ lên sàn diễn thời trang thế giới. Thông qua việc quảng bá văn hóa sẽ gián tiếp thúc đẩy du lịch một vùng đất phát triển. Những tấm vải, những chiếc khăn, túi, đồ trang sức những người phụ nữ các dân tộc thiểu số làm ra sẽ mang lại nguồn thu để cải thiện cuộc sống...
Hiện tại, người đẹp quê Hải Dương đang tham dự Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2024 và đã lọt vào top 33.