Người đến muộn trong cuộc chơi thương mại điện tử
Nhiều đơn vị sách mới gia nhập sân chơi thương mại điện tử nhận cả khó khăn lẫn thuận lợi. Nếu không cân nhắc kỹ, có thể dẫn đến tình trạng bán được sách nhưng vẫn lỗ.
Nhằm mở rộng thị trường, một số đơn vị đã tìm đến sàn thương mại điện tử. So với nhiều công ty, nhà xuất bản khác, các đơn vị này thực hiện sự chuyển dịch, phát hành số chậm. Người đến muộn trong sân chơi thương mại điện tử gặp nhiều trở ngại.
Thách thức của một đơn vị non trẻ
Theo Ths Trần Ngọc Tiến (Học viện Ngân hàng), thương mại điện tử tại Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Các thống kê cho thấy năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm trước, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Các nền tảng thương mại lớn như Shopee, Lazada và TikTok Shop đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng này. TikTok Shop, dù mới ra mắt từ giữa năm 2022, đã nhanh chóng trở thành nền tảng TMĐT lớn thứ ba tại Việt Nam.
Dù thị trường lớn như vậy, các doanh nghiệp ngành xuất bản nói riêng vẫn gặp khó khăn trong việc tận dụng thương mại điện tử. Một số đơn vị cho thấy doanh thu từ sàn chiếm vị trí khá nhỏ so với doanh thu từ các kênh truyền thống.
Đại diện công ty sách Book Hunter cho biết đơn vị đã trải qua nhiều khó khăn và rút ra những bài học quý giá khi kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Từ khi bắt đầu năm 2022 cho đến nay, doanh thu từ các sàn Tiki và Shopee chỉ chiếm khoảng 10%.
Khi Book Hunter tiến vào thị trường thương mại điện tử cũng là thời điểm cạnh tranh cao với việc TikTok Shop ra đời, nếu không tận dụng nền tảng mới này nhanh, họ sẽ khó cạnh tranh với các hệ thống phân phối lâu đời hơn trên Tiki hay Shopee. Tuy nhiên, Book Hunter không thể theo kịp các chiến dịch marketing tốn kém trên TikTok.
"Một trong những lý do chính là các chính sách khắt khe và bất lợi của các sàn thương mại điện tử. Các sàn thường áp dụng mức phí phần trăm cao và có phản hồi không công bằng đối với các kiến nghị từ phía nhà bán hàng. Lượng khách hàng chủ động tiếp cận mua hàng trên sàn cũng không nhiều, phụ thuộc nhiều vào chiến lược truyền thông của chính Book Hunter", đại diện Book Hunter cho biết thêm.
Còn với Huy Hoàng Bookstore, doanh thu từ thương mại điện tử chỉ đóng góp khoảng gần 5% doanh số . Đối với các đơn vị làm sách khác, tỷ lệ này vẫn còn rất nhỏ. Dù vậy, Huy Hoàng vẫn nỗ lực đổi mới để thích nghi với thế hệ người tiêu dùng mới bằng cách tạo nên 2H Books - một đơn vị tập trung vào mảng bán lẻ trực tuyến.
"2H Books phải đối mặt với việc quản lý và duy trì uy tín thương hiệu. Trên các sàn thương mại điện tử, khách hàng có thể dễ dàng để lại nhận xét và đánh giá về sản phẩm và dịch vụ. Một vài phản hồi tiêu cực có thể ảnh hưởng lớn đến danh tiếng của người bán, làm giảm lòng tin của khách hàng", đại diện 2H Books chia sẻ về khó khăn khi tiếp cận thương mại điện tử
Mặc dù việc bán hàng trực tuyến giúp tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, nhiều chi phí khác đã phát sinh. Đầu tiên là phí hoa hồng và các chi phí liên quan đến việc duy trì gian hàng trên các sàn thương mại điện tử. Mỗi giao dịch thành công đều phải trả một khoản phí cho sàn (khoảng 7-18%), làm giảm lợi nhuận của 2H Books.
Bài học và lợi thế của những đơn vị trẻ
Là một đơn vị không có nhiều tiềm lực cũng như còn non trẻ, Book Hunter nhận thấy bài học khi tiến vào sàn thương mại điện tử là cần chú trọng cân đối tài chính để phân bổ ngân sách hợp lý là cần thiết để kích cầu.
Đồng thời các đơn vị không nên đặt kỳ vọng quá cao vào các sàn thương mại online. Lệ thuộc quá nhiều vào sàn sẽ khiến đơn vị sách khó nắm bắt được chân dung khách hàng và dễ bị ảnh hưởng khi các sàn thay đổi chính sách.
"Đối với các đơn vị kinh doanh dòng sách thị trường, dễ tiếp cận số đông, các sàn TMĐT có thể hỗ trợ rất nhiều. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải tạo nội dung liên tục và chi phí lớn cho việc hợp tác với các KOL (Key Opinion Leader). Shopee và Tiki có thể đỡ hơn so với TikTok, nhưng với Book Hunter, việc cân đối chi phí marketing trên TikTok là một bài toán khó. Nếu không cân nhắc kỹ, có thể dẫn đến tình trạng bán được hàng nhưng lại lỗ, gây bất lợi cho doanh nghiệp", đại diện Book Hunter chia sẻ.
Dù vậy, không phải cứ đến muộn là phải chịu miếng bánh nhỏ hơn. Dung lượng thị trường thương mại điện tự luôn tăng lên nhờ xu hướng tiêu thụ số. Là một người đến muộn trong cuộc chơi thương mại điện tử, những đơn vị có thể nhận được những cơ hội như những chính sách mới dành riêng cho mặt hàng sách, học hỏi được kinh nghiệm từ những đội ngũ đi trước và dễ dàng tuyển dụng được nhân sự năng động và sáng tạo.
Chẳng hạn với 2H Books với nền tảng là Huy Hoàng Bookstore, đơn vị này có hệ thống kho tốt hơn. Nhờ đó họ đảm bảo việc giao hàng nhanh chóng và tiện lợi cho khách hàng ở khắp nơi. Dù đến sau, họ vẫn có thể tạo ra lợi thế vận chuyển so với các đơn vị khác chỉ có kho ở TP.HCM hay Hà Nội.
Đồng thời, các chính sách như "Người mua hàng có thể đổi trả sản phẩm trong vòng 15 ngày" hay "người mua có thể hủy đơn hàng khi ở trạng thái đang giao" đều tạo sự yên tâm cho khách hàng khi mua sắm trực tuyến. Điều này giúp tăng cường lòng tin và thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn trên các sàn thương mại điện tử. Các đơn vị kinh doanh sách có thể tận dụng các chính sách này để tạo sự khác biệt và thu hút khách hàng, từ đó gia tăng doanh số.