Người đẩy lùi tục 'đẻ chòi' ở đồng bào dân tộc Pa Cô

Hàng trăm năm qua phụ nữ ở bản Pa Ling bị ám ảnh bởi tục 'đẻ chòi'. Nhưng sự xuất hiện của 'bộ đội Vũ', một người lính biên phòng, đã làm thay đổi tất cả.

 Từ khi thiếu tá Trần Minh Vũ về bản Pa Ling, tục "đẻ chòi" nơi đây đã được đẩy lùi.

Từ khi thiếu tá Trần Minh Vũ về bản Pa Ling, tục "đẻ chòi" nơi đây đã được đẩy lùi.

Ám ảnh tục đẻ chòi

Bản Pa Ling, xã A Vao (huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị) nằm lẻ loi giữa núi non trùng điệp, giáp với nước bạn Lào. Hàng trăm năm qua phụ nữ nơi đây luôn bị ám ảnh bởi nhiều phong tục lạc hậu, đặc biệt là tục "đẻ chòi".

Ông Hồ Văn Bui (người có uy tín trong cộng đồng ở xã A Vao) cho biết, gần 100% người dân sinh sống trên địa bàn là người đồng bào dân tộc thiểu số Pa Cô. Theo quan niệm từ thời xa xưa để lại, người dân nơi đây mỗi khi ốm đau, dù nặng hay nhẹ đều nhờ... thầy mo, thầy cúng đến để chữa bệnh.

Còn đối với sản phụ khi đến ngày sinh nở, người thân làm cho 1 cái chòi cạnh bìa rừng. Sản phụ tự sinh, tự cắt dây rốn cho con, nếu sống thì được đưa lên nhà, còn không may thì... tự xử lý. Cũng có nhiều trường hợp rủi ro cả mẹ lẫn con.

Chiếc chòi - nơi phụ nữ dân tộc Pa Cô sinh con trước đây.

Chiếc chòi - nơi phụ nữ dân tộc Pa Cô sinh con trước đây.

"Theo quan niệm của đồng bào Pa Cô ở xã A Vao, phụ nữ sinh con trong nhà là điều rất cấm kỵ. Họ cho rằng việc này sẽ dẫn tà ma, xui xẻo đến "ám" những người thân trong gia đình. Vì vậy, khi phụ nữ gần đến ngày sinh, người thân sẽ dựng một cái chòi ở góc vườn hoặc bìa rừng để họ vượt cạn một mình", ông Bui cho hay.

Thế nhưng, ít ai ngờ, sự xuất hiện của 1 y sĩ của bộ đội biên phòng, với vóc người nhỏ nhắn lại có thể đẩy lùi được hủ tục ăn sâu vào tiềm thức người dân nơi đây. Đó là Thiếu tá Trần Minh Vũ (52 tuổi, cán bộ quân y Đồn Biên phòng A Vao, phụ trách Trạm quân dân y Pa Ling).

Được phân công lên phụ trách đồn Pa Ling từ năm 2021 cho đến nay, dấu chân của vị y sĩ biên phòng này in khắp bản làng. Thiếu tá Vũ cùng các đồng đội của mình đến được với những ngôi nhà sàn xa nhất bản, nếu ở đó có những sản phụ sắp sinh. Họ đến để nói với người dân rằng muốn sinh đẻ an toàn thì phải ra trung tâm y tế ở huyện, xã...

Qua cách nói gần gũi của anh Vũ, bà con răm rắp nghe theo. Nhưng ngặt nỗi, hầu hết các sản phụ sống ở Pa Ling đều không biết ngày dự sinh, bởi họ cũng chưa được đi siêu âm bao giờ. Chỉ đến khi đau bụng, thậm chí vỡ ối thì người nhà mới cuống cuồng đi tìm gọi bộ đội Vũ. Hoặc đưa ra "chòi" cho sản phụ tự xoay xở.

"3 năm lên đây tôi đỡ đẻ 9 ca nhưng ca nào cũng lâm vào... thế đã rồi, không thể đưa ra ngoài trung tâm. Tôi lâm vào tình thế bắt buộc, không đỡ cũng… phải đỡ", anh Vũ kể.

Lần đỡ đẻ đầu tiên còn bỡ ngỡ, anh Vũ đã tìm hiểu và đọc thêm sách báo, làm quen với các bác sĩ sản khoa, nữ hộ sinh để học hỏi thêm kinh nghiệm đỡ đẻ, những lần sau đó, anh đã thành thạo hơn.

"Tôi có thể không giỏi nhưng ít nhất là hơn mấy 'bà mụ' trong bản và càng tốt hơn là để các sản phụ đi... đẻ chòi", anh Vũ tự tin nói.

Những pha đỡ đẻ nghẹt thở

Mặc dù vậy, cũng có những pha đỡ đẻ căng thẳng khiến anh Vũ toát mồ hôi hột. Anh vẫn nhớ như in vào khoảng 2h sáng ngày 9/10/2024, khi đó trời mưa tầm tã. Lúc này anh đang trực thì nghe tiếng đập cửa mạnh. Mở cửa thì thấy chồng sản phụ Hồ Thị Lao (bản Pa Ling) ướt như chuột lột, mếu máo: "Chú Vũ ơi, cứu vợ con cháu với". Nghe vậy, anh Vũ vội vơ ít dụng cụ y tế và một số loại thuốc bỏ vào túi và lao đi giữa đêm mưa.

Anh Vũ thăm khám cho trẻ sơ sinh

Anh Vũ thăm khám cho trẻ sơ sinh

"Qua thăm khám thì sản phụ Lao đã vỡ ối. Trong lúc này, việc ra trung tâm y tế xã chắc chắn không kịp, nhưng vì nhà sản phụ cách trạm quân dân y chừng 3km nên tôi nghĩ đưa sản phụ qua trạm dù gì cũng đầy đủ hơn ở nhà. Nhưng sản phụ mới ra khỏi nhà hơn 1 km thì đau dữ dội, không thể chịu thêm được. Tôi phải dừng lại để xem thì phát hiện đầu thai nhi đã lọt qua cổ tử cung nên vội vàng bảo với người nhà lấy áo mưa che cho sản phụ và triển khai hỗ trợ đẻ ngay bên đường. Trong lúc đó trời đang mưa rất to, gió lớn làm tung cả áo mưa.

Bản thân tôi không kịp đeo găng tay, khẩn trương vào hỗ trợ sản phụ. Sau chưa đầy 10 phút ca sinh đã thành công. Khổ nỗi, người nhà không đem theo một tấm chăn hoặc khăn nào cả nên tôi phải lấy áo mình mặc trùm kín sản phụ rồi đưa đến trạm...", anh Vũ kể.

Sau khi sinh nở thành công, mẹ tròn con vuông, người nhà của các sản phụ hầu hết đều mong muốn anh làm "cha đỡ đầu" và đặt tên cho tụi nhỏ. Vậy là những cái tên như: Biên Cương, Biên Thùy, Vũ Trang, Hòa Bình, Hạnh Phúc... được đặt cho những cháu mà anh Vũ đỡ đẻ.

"Sở dĩ tôi chọn các tên như vậy là mong muốn chúng gắn với đất nước mình, với vùng sâu vùng xa, với nguyện ước khi nào các cháu lớn lên thì cùng với bộ đội biên phòng xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh", anh Vũ cho hay.

Trạm quân dân y Pa Ling tổ chức khám, phát thuốc miễn phí cho người dân

Trạm quân dân y Pa Ling tổ chức khám, phát thuốc miễn phí cho người dân

Ngoài việc đỡ đẻ cho các sản phụ, trạm quân dân y Pa Ling còn thường xuyên tổ chức thăm, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân nơi đây. Có những trường hợp bệnh nặng, anh Vũ và đồng đội đã đến tận nơi để khám bệnh, kết hợp với tuyên truyền giúp bà con loại bỏ các hủ tục lạc hậu.

"Quan niệm đẻ chòi là vô cùng sai trái, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng của phụ nữ và trẻ em. Ốm đau thì phải đến bệnh viện, trạm y tế để lấy thuốc, chứ không được mời thầy cúng về chữa bệnh. Vài năm gần đây, người dân đã lắng nghe và chịu đến bệnh viện để thăm khám mỗi khi ốm đau. Thế nhưng vẫn còn một số trường hợp âm thầm đẻ chòi", anh Vũ kể.

Câu chuyện mà Thiếu tá Vũ kể về những đổi thay trong việc sinh nở của đồng bào Pa Cô ở bản Pa Ling nghe có vẻ nhẹ nhàng, nhưng thực tế đó là cả một quá trình "mưa dầm thấm lâu".

Văn Long

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nguoi-day-lui-tuc-de-choi-o-dong-bao-dan-toc-pa-co-20241001161435784.htm
Zalo