Người đảng viên viết tiếp câu chuyện trên miền cổ tích - Sức thuyết phục từ tấm lòng tận tụy
Tuần trước, tôi vừa có chuyến công tác ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Dẫn tôi đi qua những cung đường, những cây cầu vừa được làm mới sau bão số 3 (Yagi), Bí thư Đảng ủy xã Bùi Tiến Sỹ giới thiệu: Đảng bộ và nhân dân xã đã “biến đau thương thành hành động”, từ công sức của mỗi người dân trong xã và sự hỗ trợ của những bạn bè từng đến với Ngọc Chiến, đã có hơn 11 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để tu sửa, nâng cấp các công trình dân sinh. Đường mới làm được đổ bê tông chắc hơn, mặt đường rộng hơn, các cây cầu tạm bị cuốn trôi nay được xây mới bằng cầu bê tông kiên cố.
Lòng biết ơn luôn được đáp đền
Tôi chợt nhớ ra thêm một điểm năng động của người Bí thư Đảng ủy trẻ này: khi hoàn lưu bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại cho cả khu vực Tây Bắc, xã Ngọc Chiến cũng bị thiệt hại nặng nề, nên trên trang cá nhân, anh Sỹ thông báo tình hình địa phương, cập nhật thiệt hại từng hộ. Và thay vì “gì cũng xin”, anh thông báo Ngọc Chiến đang cần nhất là… xi măng!
Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, hàng ngàn tấn xi măng đã được hỗ trợ cho xã. Những người hỗ trợ hầu hết ở tận TPHCM, Hà Nội và các tỉnh thành. Họ là những du khách, từng đến Ngọc Chiến, mến cảnh mến người... nên khi xã gặp thiên tai, những du khách ấy không thể làm ngơ.
Khi nhìn những tấn xi măng mình góp được từ tấm lòng bè bạn chuyển lên cho Ngọc Chiến, Bùi Tiến Sỹ đã làm một việc khiến chúng tôi cảm động: Xi măng của ai tặng, phục vụ sửa chữa cho công trình nào đều có in một tấm bảng ghi tên ân nhân kèm lời cảm ơn. Người tặng khi gửi tặng không ai mong được ghi lại tuổi tên, nhưng cách mà người nhận thể hiện sự tri ân đã khiến người ta tin tưởng và cảm động.
Và tôi hiểu đó là cách ứng xử rất tình nghĩa của người đứng đầu Đảng bộ xã Ngọc Chiến. Cũng từ cách ứng xử tình nghĩa ấy, tôi nhận ra ở đây, sự đoàn kết của tập thể lãnh đạo xã chính là một động lực quan trọng để Ngọc Chiến được nhiều người yêu quý. Đi cùng chúng tôi thăm lại những con đường qua bản vừa được mở rộng, đổ bê tông nền đường dày đến 20cm, có nhiều đoạn rộng đến 6m đủ cho 2 ô tô ngược chiều tránh nhau, không ai nghĩ vài năm trước, đây chỉ là những con đường bé nhỏ không đủ cho xe máy tránh nhau.
Lãnh đạo xã ngồi lại tính toán với một tầm nhìn khác: nếu bây giờ chỉ bê tông con đường theo kích thước cũ, để bà con đi lại không bị lầy lội thì dễ, nhưng hướng phát triển của Ngọc Chiến là xã du lịch, bản du lịch, nếu mở đường để làm du lịch thì phải đủ rộng cho ô tô vào được ở các tuyến chính, từ 2m rộng ra 6-8m. Mà mở rộng thì phải lấn vào đất của các hộ dân. Lấn vào đất của dân thì phải đền bù. Nếu đền bù thì lấy đâu ra kinh phí? Trong khi mình mở rộng đường chính là phục vụ cho người dân đi lại thuận tiện, có điều kiện phát triển kinh tế du lịch. Làm sao để dân thuận lòng? Nếu thuyết phục dân hiến đất mở rộng đường rồi thì sẽ phải kiến thiết tuyến đường như thế nào để xứng đáng là bản du lịch?... Câu chuyện ý Đảng lòng dân của Ngọc Chiến đã bắt đầu từ những thử thách cụ thể như thế.

Một cây cầu bê tông kiên cố ở xã Ngọc Chiến vừa được xây mới thay cho cầu cũ bị lũ cuốn từ sự vận động xã hội hóa sau bão số 3 (Yagi)
Tầm nhìn cho mai sau
Muốn dân hiến đất, cán bộ đảng viên phải làm gương! Mở đường rộng ra nghĩa là các bức tường bằng gạch, bờ lô trước nhà cần được đập bỏ. Vậy thì sau khi mở rộng đường, những bức tường này sẽ được xây lại như thế nào để mai này những bức tường sẽ là nơi “check in” cho khách du lịch? Vậy là thêm một lần nữa cần đến việc “đảng viên đi trước”.
Thay vì xây lại tường bằng bờ lô hay gạch thô cứng, xã có một nguồn đá cuội vô tận ở hai bờ suối Mường Chiến. Những hộ có đảng viên đã tiên phong hiến đất mở đường nay lại đi trước làm tường theo hướng thân thiện môi trường, tạo cảnh quan du lịch. Những bức tường mới được xây lên với bề mặt được gắn đá cuội. Những bức tường đá cuội, những cổng ngõ bằng đá cuội, tường nối tường dài theo lối đi qua bản khiến Ngọc Chiến trở nên mềm mại và thân thiện.
Khi đường đi lối lại được mở rộng phong quang, có đèn điện sáng bằng năng lượng mặt trời đêm đêm tỏa sáng cả bản, tệ nạn giảm đi, trật tự trị an được ổn định, bà con yên tâm với cuộc sống được đảm bảo.
Rồi trên những bờ tường ấy, cây tầm xuân, hoa dây leo vấn vít trổ bông, từ những điều nho nhỏ ấy hợp lại thành bức tranh tươi đẹp giữa núi rừng. Cứ như thế, từng bước, từng bước, khi “ý Đảng hợp lòng dân” thì câu chuyện phát triển kinh tế xã hội của Ngọc Chiến là tất yếu, là tiền đề để tạo ra một vùng đất được mệnh danh là “miền cổ tích” . Vì thế, nên mấy chục cây số đường từ trung tâm huyện Mường La vào xã Ngọc Chiến quanh co uốn lượn với hơi thở đại ngàn phả vào không gian một sức sống hoang sơ, nhưng khi vào đến xã, gặp những con đường bê tông sạch sẽ, hàng rào đá cuội xếp ngay ngắn, những cổng bản gỗ pơ mu mộc mạc lại cho thấy sự đổi thay mạnh mẽ của Ngọc Chiến.
Những ngày này, Ngọc Chiến nườm nượp người và xe từ muôn phương đổ về dự lễ hội hoa sơn tra. Lễ hội cũng chỉ mới hình thành mấy năm trở lại đây từ sáng kiến của những cán bộ hết lòng vì dân như Bí thư Sỹ, như Phó Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Xây hay Chủ tịch UBND xã Lò Văn Thoa và một tập thể cán bộ thực sự tận tụy vì dân và tha thiết yêu mảnh đất mà mình đang sống! Mấy năm trước, khi lần đầu lên đây, chúng tôi nghe nói đến một bản cao nhất Việt Nam có tên là Nậm Nghiệp. Ở đó có một “vương quốc sơn tra” rộng tới hàng ngàn hecta. Tháng 3, khi hoa sơn tra nở, cả một vùng núi mênh mông chìm trong sắc trắng nuột nà tinh khôi của sắc hoa ấy. Nhưng ngày ấy, để lên Nậm Nghiệp, con đường quả là một thử thách không dành cho du khách có dây thần kinh yếu. Và như bài học từ những gì đã làm, các cán bộ của Ngọc Chiến thuyết phục được huyện, tỉnh đầu tư cho xã con đường lên Nậm Nghiệp.
Cứ vài tháng trở lại, đã thấy Nậm Nghiệp - cái bản cổ tích nhất của miền cổ tích Ngọc Chiến thay đổi từng ngày. Những homestay đã mọc lên, những dịp lễ hội không đủ chỗ đáp ứng cho du khách. Sở dĩ được như vậy bởi con đường từ xã lên đây nay ô tô chở khách 16 chỗ đã lên được, và con đường vẫn đang được tiếp tục đầu tư để du khách đi lại dễ dàng hơn.
Trên con đường xuyên xã, ngay lối rẽ từ bản Phày lên bản Nậm Nghiệp có một cây hoa gạo mùa này nở đỏ rực rỡ. Khách chỉ cần nhìn cây hoa đỏ là biết đó như một chỉ dấu dẫn vào lối rẽ lên vương quốc hoa sơn tra cổ tích. Nhìn cây hoa gạo đỏ rực rỡ đầu đường ấy, tôi hay liên tưởng tới những con người đang gánh vác trách nhiệm lãnh đạo ở Ngọc Chiến, nghĩ đến Bùi Tiến Sỹ, Lò Văn Xây, Lò Văn Thoa… - những tấm lòng sắt son bền chí, tận tụy vì dân không mỏi mệt để xây nên miền cổ tích. Họ âm thầm lặng lẽ trên quê hương để định đúng hướng đi cho hôm nay và mai sau. Những con người ấy không ai làm được phép màu, nhưng họ luôn “về với dân” theo đúng nghĩa. Chính điều đó đã giúp họ cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây viết tiếp câu chuyện cổ tích về một miền đất mang tên Ngọc Chiến.
Và với riêng Bí thư Sỹ, bây giờ, khi Ngọc Chiến là một điểm sáng của Sơn La, của Tây Bắc chính là cách anh tri ân với vùng đất tuổi trẻ, nơi 20 năm trước, chàng cử nhân sư phạm quê lúa Thái Bình bắt đầu hành trình cuộc đời và gắn bó với quê hương thứ hai của mình.