Video người dân huyện miền núi Nghệ An đỏ lửa xuyên ngày đêm làm đặc sản bán Tết.
Từ cuối tháng 11 âm lịch hàng năm, những cơ sở sản xuất thịt trâu, bò, lợn gác bếp ở thị trấn Kim Sơn (huyện Quế Phong, Nghệ An) lại tất bật làm để kịp giao hàng cho khách. Trung bình mỗi ngày một cơ sở nơi đây mua từ 5 yến đến 1 tạ thịt trâu, bò, lợn về để làm ra món đặc sản này.
Thịt trâu, bò gác bếp còn được gọi là giàng xuất phát từ cách bảo quản, dự trữ thịt của người dân vùng cao từ hàng trăm năm qua. Do ngày xưa không có tủ lạnh nên người dân thường hong thịt tươi trên bếp để bảo quản và sử dụng lâu dài. Khi người miền xuôi lên ăn thấy ngon và đặt mua về làm quà, món ăn này trở thành đặc sản đắt đỏ.
Có truyền thống lâu năm làm món đặc sản thịt trâu, bò, lợn gác bếp, chị Phan Thị Nga (41 tuổi, trú thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong) cho biết, cơ sở của chị bắt đầu nhận đơn hàng bán tết từ giữa tháng 11 âm lịch hàng năm.
Để làm ra được món thịt trâu, bò, lợn gác bếp thành phẩm tốn rất nhiều công sức, công đoạn và thời gian. Chính vì vậy, chị Nga phải thuê thêm 3 nhân công thời vụ về hỗ trợ.
Hàng ngày, chị Nga sẽ đặt mua thịt trâu, bò, lợn của người dân bản địa. Thịt được chọn làm phải là thịt mông, tươi ngon. Sau khi mua về, thịt được làm sạch, lọc gân, mỡ rồi cắt thành từng miếng to bằng bàn tay dài từ 25-30cm.
Để thịt có vị thơm ngon đặc trưng, người dân sẽ ướp thịt trong khoảng 3 giờ đồng hồ. Mỗi gia đình sẽ có một bí quyết ướp gia vị riêng để có sản phẩm đặc trưng. Tuy nhiên gia vị dùng để ướp không thể thiếu chính là hạt dỗi và hạt mắc khén (tiêu rừng).
Sau khi chuẩn bị xong các công đoạn, thịt được mang lên hong trên bếp củi nhiều ngày.
"Để thịt chín đều không bị khô thì người thợ phải canh bếp để trở thịt liên tục. Đặc biệt, lửa phải luôn để thật nhỏ và đều. Nếu lửa to thịt sẽ cháy mà không chín", chị Nga chia sẻ kinh nghiệm.
Sau 2-3 ngày hong, dưới sự tác động của nhiệt độ tỏa ra từ bếp than, củi... những miếng thịt se dần, khô lại và chín. Trung bình 10kg thịt tươi sẽ cho ra 3kg thịt gác bếp thành phẩm. "Một mẻ thịt gác bếp được xem thành công là khi bẻ miếng thịt đã chín ra vẫn còn màu hồng tươi. Khi đó thịt ngon, ngọt nhưng không bị khô. Còn đối với lạp sườn, miếng thịt mỡ đã chuyển trong veo, dai và bùi, thơm mùi vị đặc trưng", chị Nga nói.
Ngoài trâu, bò gác bếp thì lạp sườn cũng là món đặc sản được khách ưa chuộng dịp Tết này.
Nếu thịt trâu bò gác bếp được làm hoàn toàn thủ công thì món lạp sườn có sự hỗ trợ từ máy nhồi thịt. "Nhờ có máy nên việc nhồi thịt dễ hơn, đều và đẹp hơn. Sau khi làm xong, lạp sườn cũng được hong trên bếp củi như thịt trâu, bò gác bếp", chị Phan Thị Quý (cơ sở sản xuất tại thị trấn Kim Sơn, Quế Phong) nói.
Hiện thịt trâu, bò gác bếp được bán với giá 1 - 1,1 triệu đồng/kg, thịt lợn gác bếp có giá 450.000 - 500.000 đồng/kg, lạp sườn có 300.000 - 350.000 đồng/kg.
Tuy chỉ làm và bán dịp tết nhưng món đặc sản này lại mang lại thu nhập cả trăm triệu đồng cho các cơ sở sản xuất ở thị trấn Kim Sơn (huyện Quế Phong). “Mỗi năm chúng tôi chỉ làm vài tháng sát Tết nên bận rộn cả ngày lẫn đêm không được nghỉ. Hiện nay trâu, bò, lợn người dân nuôi thả rông trong dân bản ít dần nên việc tìm nguồn nguyên liệu gặp khó. Chúng tôi phải đi săn tìm và đặt tiền trước cho người dân mới có hàng để làm", chị Phan Thị Quý nói.
Ngày nay, món đặc sản này không chỉ được bán trong tỉnh mà còn được bán ra nhiều tỉnh thành miền Bắc và miền Nam. Để bảo quản được lâu, thịt được đóng gói trong túi bóng cho vào ngăn đông tủ lạnh. "Từ 20 tháng chạp chúng tôi sẽ gửi hàng đi cho khách ở các tỉnh xa. Khách trong tỉnh đến sát tết mới gửi đi. Chúng tôi vẫn tiếp tục nhận đơn đặt của khách đến 28 tết", chị Phan Thị Nga nói.
Ngọc Tú