Người dân Việt Nam được tiêm vắc xin sốt xuất huyết

Hệ thống tiêm chủng VNVC chính thức ra mắt, triển khai tiêm vắc xin sốt xuất huyết cho trẻ từ 4 tuổi và người lớn tại gần 200 trung tâm hiện đại trên toàn quốc, từ 20/9/2024

Người dân Việt Nam có cơ hội tiếp cận vắc xin này sau nhiều thập kỷ mong đợi và chứng kiến dịch bệnh sốt xuất huyết hoành hành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng.

Hệ thống tiêm chủng VNVC tiên phong tiêm vắc xin sốt xuất huyết. Ảnh: Tuệ Diễm

Hệ thống tiêm chủng VNVC tiên phong tiêm vắc xin sốt xuất huyết. Ảnh: Tuệ Diễm

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, đây là vắc xin sốt xuất huyết của hãng Takeda, Nhật Bản, đã được đưa vào sử dụng lần đầu tiên trên thế giới từ năm 2018 đến nay, hiện sử dụng rộng rãi tại hơn 40 quốc gia. Vắc xin có hiệu quả phòng cả 4 tuýp virus sốt xuất huyết gây bệnh (DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4), hiệu quả lên đến hơn 80% và ngăn ngừa nguy cơ nhập viện lên đến 90%.

Cận cảnh vắc xin sốt xuất huyết hãng Takeda, Nhật Bản đưa về kho lạnh VNVC.

Cận cảnh vắc xin sốt xuất huyết hãng Takeda, Nhật Bản đưa về kho lạnh VNVC.

Bộ Y tế phê duyệt sử dụng vắc xin sốt xuất huyết tại Việt Nam từ tháng 5/2024. Hệ thống tiêm chủng VNVC đã nỗ lực cùng với nhà sản xuất đưa vắc xin sớm về Việt Nam kịp thời dự phòng bảo vệ sức khỏe người dân. Sự có mặt kịp thời của vắc xin sốt xuất huyết sẽ cung cấp cho người dân cả nước một biện pháp phòng bệnh hiệu quả, tiết kiệm, giảm áp lực cho ngành y tế dự phòng và y bác sĩ tại bệnh viện phải chiến đấu với dịch bệnh nặng, tử vong cao.

Một bạn trẻ tiêm vắc xin phòng sốt xuất huyết tại VNVC Hoàng Văn Thụ, chiều 20/9. Ảnh: VNVC

Một bạn trẻ tiêm vắc xin phòng sốt xuất huyết tại VNVC Hoàng Văn Thụ, chiều 20/9. Ảnh: VNVC

Thời điểm hiện nay, triển khai tiêm vắc xin sốt xuất huyết càng ý nghĩa hơn khi nhiều dịch bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, gia tăng số ca mắc khi mưa bão, lũ lụt xảy ra liên tiếp. Bên cạnh đó, sự đô thị hóa và nóng dần lên của toàn cầu đã tạo điều kiện cho muỗi gây bệnh sinh sôi phát triển mạnh.

Giới trẻ tiêm vắc xin sốt xuất huyết để bảo vệ bản thân. Ảnh: VNVC

Giới trẻ tiêm vắc xin sốt xuất huyết để bảo vệ bản thân. Ảnh: VNVC

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Việt Nam hiện đang lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết, trong đó tuýp virus lưu hành chủ yếu là DEN-1, DEN-2. Hàng năm, có khoảng 200.000 ca mắc và hàng chục ca tử vong tại nhiều địa phương. Đặc biệt, tuýp DEN-2 thường liên quan đến các trường hợp mắc sốt xuất huyết nghiêm trọng và gây dịch, và là nguyên nhân lớn dẫn đến các ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết.

Bệnh sốt xuất huyết có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn, trong đó các đối tượng có nguy cơ trở nặng cao hơn là trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, béo phì… Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể gặp các biến chứng nguy hiểm do sốt xuất huyết như tụt huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê… Phụ nữ mang thai có nguy cơ bị chảy máu khó cầm, tiền sản giật, tổn thương chức năng gan, thận, nguy hiểm tính mạng, gây suy thai, sinh non, thai chết lưu.

Nếu không chủ động dự phòng, người mắc bệnh có thể cần nhập viện điều trị, sử dụng thuốc đặc trị, truyền dịch, theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn. Đối với ca bệnh nặng, chi phí điều trị có thể lên tới hàng trăm triệu đồng do nằm viện kéo dài, diễn tiến xấu cần trang thiết bị hiện đại. Đỉnh điểm biến chứng nguy hiểm tính mạng người bệnh cần phải chạy ECMO với chi phí có thể lên đến 1 tỷ đồng.

Xe vận chuyển lăn bánh đưa vắc xin sốt xuất huyết đến mọi miền tổ quốc. Ảnh: VNVC

Xe vận chuyển lăn bánh đưa vắc xin sốt xuất huyết đến mọi miền tổ quốc. Ảnh: VNVC

Bệnh sốt xuất huyết ngày càng có diễn biến dịch tễ phức tạp, không còn tính chu kỳ, việc phòng bệnh trước đây rất khó khăn vì đường lây phức tạp qua muỗi truyền bệnh và việc điều trị sốt xuất huyết rất phức tạp, tốn kém. Việc triển khai tiêm vắc xin sốt xuất huyết tại Việt Nam của Hệ thống tiêm chủng VNVC giúp ngành Y tế dự phòng và người dân có thêm vũ khí phòng bệnh lâu dài và đối phó với dịch sốt xuất huyết hiệu quả, tiết kiệm.

“Vắc xin là thành quả rất lớn, sẽ góp phần hiệu quả trong công tác khống chế dịch. Việc sử dụng vắc xin sẽ giảm số ca mắc bệnh, những ca mắc nặng và ca tử vong”, PGS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Ngay khi Hệ thống tiêm chủng VNVC công bố chính thức tiêm phòng vắc xin sốt xuất huyết tại gần 200 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc, đã thu hút được sự quan tâm, ngóng đợi người dân. Nhiều người trẻ chủ động chia sẻ thông tin về vắc xin, tiêm ngừa bảo vệ sức khỏe cho bản thân, bố mẹ, ông bà - những người từng trải qua dịch sốt xuất huyết.

Tại Việt Nam, từ 1980 - 2018 thường ghi nhận đỉnh dịch mỗi 10 năm, riêng 2019 - 2023 trải qua hai đỉnh dịch năm 2019, 2022. Cả nước có hơn 367.000 ca mắc vào năm 2022, đứng thứ 2 toàn cầu, chỉ sau Brazil.

Tuệ Diễm

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nguoi-dan-viet-nam-duoc-tiem-vac-xin-sot-xuat-huyet-post1675247.tpo
Zalo