Người dân ủng hộ khắc phục thiệt hại do bão Yagi được trừ khi tính thuế TNCN như thế nào?
Những ngày qua, nhiều cá nhân ủng hộ, đóng góp với số tiền lớn giúp người dân khắc phục thiệt hại do bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau bão gây ra. Số tiền ủng hộ đó sẽ được trừ khi tính thuế TNCN.
Bão số 3 (Yagi) là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền nước ta, gây thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản của nhân dân và nhà nước. Đến 6h ngày 15/9, đã có 348 người chết và mất tích, hơn 2.000 người bị thương; 230.000 nhà ở, nhiều trụ sở, trường học, cơ sở khám chữa bệnh bị tốc mái, hư hỏng; gần 70.000 nhà bị ngập; thiệt hại nhiều lúa, hoa màu, cây ăn quả, thủy sản, gia súc, gia cầm... Nhiều cơ sở hạ tầng bị tàn phá. Tình trạng sạt lở, ngập lụt, chia cắt giao thông cục bộ xảy ra ở hầu hết các địa phương.
Trước tình hình đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân… đã phát động, kêu gọi ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Chỉ tính riêng đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã lên tới trên 1.000 tỷ đồng.
Vậy khoản đóng góp, ủng hộ tiền khắc phục hậu quả thiên tai bão Yagi của cá nhân có được trừ khi tính thuế TNCN không là băn khoăn của nhiều người.
Ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng giám đốc công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín cho biết, Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa Khoản 6 Điều 25 Thông tư 92/2015/TT-BTC đã quy định các khoản được trừ vào thu nhập chịu thuế của cá nhân cư trú trước khi xác định thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công.
Cụ thể, “Điều 9: Các khoản giảm trừ
…3. Giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học
a) Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học được trừ vào thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công trước khi tính thuế của người nộp thuế là cá nhân cư trú, bao gồm:
a.1) Khoản chi đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa.
Các tổ chức cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, phải được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội; Nghị định số 81/2012/NĐ-CP ngày 08/10/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội và Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 195/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
Tài liệu để chứng minh đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa là chứng từ thu hợp pháp của tổ chức, cơ sở.
a.2) Khoản chi đóng góp vào các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, khuyến học, không nhằm mục đích lợi nhuận và quy định tại các văn bản khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ.
Tài liệu chứng minh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học là chứng từ thu hợp pháp do các tổ chức, các quỹ của Trung ương hoặc của tỉnh cấp.
b) Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học phát sinh vào năm nào được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế của năm tính thuế đó, nếu giảm trừ không hết không được trừ vào thu nhập chịu thuế của năm tính thuế tiếp theo. Mức giảm trừ tối đa không vượt quá thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ kinh doanh của năm tính thuế phát sinh đóng góp từ thiện nhân đạo, khuyến học”.
“Theo quy định trên, nếu cá nhân cư trú chi đóng góp vào các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo thành lập và hoạt động theo quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, khuyến học, không nhằm mục đích lợi nhuận. Đồng thời có tài liệu chứng minh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học là chứng từ thu hợp pháp do các tổ chức, các quỹ của Trung ương hoặc của tỉnh cấp thì sẽ được giảm trừ khi khi nộp thuế TNCN”, ông Được nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Được dẫn chứng, một nghệ sĩ hạng A quyên góp ủng hộ đồng bào thiên tai 1 tỷ đồng. Hiện tại nghệ sĩ hạng A đang phải nộp thuế TNCN ở mức 35%. Như vậy, số tiền ủng hộ của nghệ sĩ đó sẽ được giảm trừ trừ khi tính TNCN. Thu nhập chịu thuế giảm 1 tỷ đồng tương ứng thuế TNCN giảm 350 triệu đồng (1 tỷ đồng x 35% = 350 triệu đồng).
Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp kêu gọi ủng hộ đồng bào bị bão lũ
Với tinh thần "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách", Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp kêu gọi bạn đọc ở mọi miền đất nước cũng như đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài chung tay giúp đỡ đồng bào khắc phục thiệt hại bởi mưa lũ.
Mọi sự đóng góp xin gửi về tòa soạn Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp, tầng 5, số 100 Lò Đúc, phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội hoặc Văn phòng đại diện phía Nam số 35 đường số 14, Khu đô thị Vạn Phúc, Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bạn đọc cũng có thể chuyển khoản theo tài khoản: 2121559999 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội. Chủ tài khoản: Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp.