Người dân trực tiếp tham gia giám sát khai thác cát
Tỉnh Sóc Trăng công khai tất cả các thủ tục, quy định về khai thác cát sông để người dân trực tiếp theo dõi, giám sát, đồng thời hỗ trợ chi phí để người dân có thêm điều kiện giám sát khai thác cát hiệu quả.
Giữa tháng 8-2024, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức khởi công khai thác mỏ cát sông MS01, nhằm cung cấp cho Dự án thành phần 4 (đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1). Đây là 1 trong 5 mỏ cát (tổng trữ lượng hơn 11 triệu m3 ) trên sông Hậu thuộc tỉnh Sóc Trăng được UBND tỉnh lập hồ sơ, thủ tục bàn giao cho các nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù để thi công cao tốc.
Mỏ cát MS01 nằm trên sông Hậu, thuộc địa bàn xã Phong Nẫm và xã An Lạc Tây (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Mỏ cát này được khai thác theo giấy phép số 31/ GP-UBND (ngày 7-8-2024) của UBND tỉnh Sóc Trăng, theo hình thức gia hạn lần 1. Tổng diện tích mỏ MS01 là 34ha, trữ lượng cát được phép khai thác hơn 1.180.000m3, thời gian khai thác đến hết tháng 8-2028, do Công ty CP Bê tông Cửu Long khai thác.
Khi mỏ cát MS01 vừa được khởi công khai thác, người dân sống trong khu vực mỏ đã có nhiều ý kiến, bày tỏ lo ngại hoạt động khai thác cát sẽ khiến tình trạng sạt lở trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, hoạt động sản xuất của người dân trong vùng. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã dẫn đầu đoàn công tác tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp để giải đáp kịp thời các vướng mắc, lo ngại của người dân.
Tại các buổi đối thoại, người dân sinh sống tại khu vực mỏ MS01 (thuộc 2 xã Phong Nẫm và An Lạc Tây) được hỏi, trao đổi, chia sẻ tất cả những băn khoăn, lo lắng, cũng như các kiến nghị, đề xuất liên quan đến hoạt động khai thác cát sông. Người dân cho rằng, cần xem xét khoảng cách cấp phép khai thác so với bờ, vì địa điểm này đã từng xảy ra sạt lở nghiêm trọng; ngành chức năng cần có đánh giá chính xác thực trạng diễn biến sạt lở tại khu vực khai thác; đơn vị khai thác phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, người dân kiến nghị tiếp tục đầu tư gia cố hạ tầng giao thông nông thôn tại khu vực đang bị uy hiếp bởi sạt lở; xem xét sử dụng nguồn cát khác, có thể là cát biển để giảm thiểu thiệt hại do khai thác cát; có chính sách hỗ trợ đối với người dân bị ảnh hưởng do sạt lở gây ra...
Để làm rõ các thắc mắc của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu yêu cầu ngành chức năng, chính quyền địa phương phải công khai tất cả các thủ tục liên quan đến hoạt động khai thác cát. Bao gồm cả các thủ tục đánh giá tác động môi trường, giấy phép; thời gian, số lượng phương tiện, trữ lượng được khai thác trong ngày; vị trí, phạm vi ranh giới khai thác… để người dân theo dõi, giám sát. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng rất hoan nghênh việc người dân chủ động, tích cực tham gia giám sát khai thác cát, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ chi phí (250.000 đồng/ngày/người được cử đại diện) để người dân có thêm điều kiện giám sát hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Còn, một người dân ở gần khu vực mỏ MS01, cho biết, người dân rất vui vì được lãnh đạo tỉnh quan tâm, tạo điều kiện để được trực tiếp tham gia giám sát hoạt động khai thác cát. Mọi thứ đều được công khai, minh bạch cũng khiến người dân địa phương yên tâm hơn. “Tôi tin rằng, người dân tại khu vực mỏ sẽ là “cánh tay nối dài” giúp giám sát hoạt động khai thác cát đúng theo quy định của pháp luật”, ông Còn cho biết.
Bên cạnh việc để người dân trực tiếp tham gia giám sát, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng còn cam kết: “Mọi hành vi tư lợi, trục lợi, vi phạm trong hoạt động khai thác cát sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không ngoại trừ ai, kể cả Chủ tịch UBND tỉnh”. Trong quá trình khai thác cát sông, nếu xảy ra sạt lở, tỉnh sẽ triển khai các giải pháp khắc phục ngay. Đồng thời, kêu gọi người dân cùng chung tay, đồng hành, sẻ chia vì lợi ích chung, vì sự phát triển của tỉnh nhà.