Người dân Tràng Định thoát nghèo từ cây quế
Nhờ phát huy thế mạnh từ cây quế và những lợi thế từ lâm nghiệp mà Lạng Sơn đã giảm đáng kể tỉ lệ hộ nghèo ở một số huyện miền núi.
Tràng Định là huyện miền núi biên giới nằm ở phía Bắc của tỉnh Lạng Sơn. Với hệ thống sông, suối phân bổ rộng khắp địa bàn cùng với quỹ đất lâm nghiệp dồi dào chiếm khoảng 95% tổng diện tích tự nhiên, Tràng Định rất thuận lợi cho phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, nhất là trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc và phát triển nghề rừng.
Vốn là loại cây gắn liền với đời sống bà con Tràng Định nhưng trước đây, quế chỉ được trồng manh mún. Nhận thấy tiềm năng kinh tế cũng như giá trị giữ đất rừng của quế, nông dân và chính quyền Tràng Định đã quyết tâm chuyển đổi cây trồng, tạo vườn trồng quế. Dù là loại cây có nhiều giá trị nhưng quế lại đòi hỏi nhiều thời gian và công chăm sóc, nhất là 6-8 năm đầu nên rất cần chính sách hỗ trợ, khuyến khích của chính quyền.
Bên cạnh hỗ trợ về vốn, ủy ban nhân dân các xã còn tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quế cho người dân, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Với đặc điểm mang lại những giá trị ổn định và lâu dài như sống lâu, vỏ cành thân lá đều có thể sử dụng và bán được, cây quế đã đem lại thu nhập ổn định cho người dân nông thôn Tràng Định.
Không chỉ là loại cây có giá trị với rừng, với đất, quế còn giúp giảm bớt gánh nặng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở nhiều địa phương.
Bằng nhiều nỗ lực, bộ mặt nông thôn Tràng Định đang ngày càng khởi sắc. Cây quế đã góp phần không nhỏ trong chiến dịch giảm nghèo ở địa phương, góp phần giúp tỉ lệ hộ nghèo nơi đây chỉ còn khoảng 2%.