Người dân TP.HCM hướng về vùng lũ: 'Mỗi sự giúp đỡ, dù nhỏ nhưng đáng quý'

Áo phao, xuồng máy, quần áo, nhu yếu phẩm được người dân TP.HCM gửi gắm qua những chuyến xe yêu thương ra Bắc để kịp thời sẻ chia với người dân vùng bão lũ.

Những ngày qua, tại TP.HCM, hàng loạt các điểm tập kết hàng cứu trợ trở thành cầu nối để người dân cùng góp sức, góp của hỗ trợ đồng bào vùng bão lũ ở phía Bắc. Áo phao, xuồng máy, nhu yếu phẩm, quần áo, thuốc men và những vật dụng cần thiết được đóng gói, phân loại cẩn thận và vận chuyển liên tục đến những nơi cần sự giúp đỡ.

Người dân TP.HCM chung tay hướng về đồng bào vùng bão lũ.

Hàng trăm áo phao, xuồng máy đến vùng bão lũ

Sáng 10/9, vừa đáp xuống sân bay sau chuyến công tác nước ngoài, anh Hoàng Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty Khóa PHGLock Việt Nam - người được biết đến là “cha đẻ” của ATM gạo trong thời điểm dịch COVID-19 đã lao ngay vào công việc cứu trợ.

Sau khi nhanh chóng nắm bắt được tình hình tại các địa phương bị ảnh hưởng bão lũ, anh Hoàng Tuấn Anh cùng các nhân viên của mình bắt đầu tổ chức các hoạt động cứu trợ khẩn cấp. Trước tiên, nhóm của anh Tuấn Anh liên hệ với nhiều nguồn để tìm mua xuồng máy và áo phao, các thiết bị cứu hộ quan trọng trong công tác ứng cứu người dân bị cô lập bởi nước lũ.

Nhóm của anh Tuấn Anh vận chuyển xuồng máy, áo phao ra hỗ trợ người dân các tỉnh phía Bắc.

Nhóm của anh Tuấn Anh vận chuyển xuồng máy, áo phao ra hỗ trợ người dân các tỉnh phía Bắc.

Cùng với việc vận động sự hỗ trợ của cộng đồng và các mạnh thường quân, anh Tuấn Anh đã tập trung mọi nguồn lực để chuẩn bị cho việc đưa thiết bị cứu hộ và nhu yếu phẩm ra các tỉnh phía Bắc một cách nhanh chóng nhất.

Đêm 10/9, doanh nghiệp của anh chuyển 15 chiếc xuồng máy và 500 áo phao cứu hộ cùng hàng chục thùng mì tôm, nước uống và các nhu yếu phẩm khác đến những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ.

Anh Hoàng Tuấn Anh cho biết, đơn vị của anh đã phối hợp với Thành đoàn Hà Nội và một số Tỉnh đoàn phía Bắc để tiếp nhận những thiết bị cứu hộ này. Sau khi tiếp nhận xuồng máy và áo phao, các địa phương sẽ thành lập các đội cứu hộ, sử dụng xuồng máy để tiếp cận và giải cứu người dân ở những khu vực ngập sâu và nguy hiểm.

Mục tiêu của những đội cứu hộ này không chỉ là cứu người mà còn vận chuyển nhu yếu phẩm đến những khu vực bị cô lập bởi nước lũ, đảm bảo người dân không bị thiếu lương thực trong thời gian dài bị mắc kẹt.

Theo anh Tuấn Anh, thời điểm dịch COVID-19 xảy ra khốc liệt tại TP.HCM, khắp nơi trên cả nước đều hướng về người dân thành phố khi hỗ trợ nhân lực, vật lực, nhu yếu phẩm…

Nhu yếu phẩm được đóng gói kỹ càng.

Nhu yếu phẩm được đóng gói kỹ càng.

“Tôi cảm nhận được điều đó nên hiểu được người gặp khó khăn lúc thiên tai. Mỗi sự giúp đỡ, mặc dù nhỏ nhưng đáng quý, như ở thời điểm này thì 1 chiếc áo phao có thể cứu được 1 mạng người trong dòng nước chảy xiết, đặc biệt các tỉnh vùng núi phía Bắc”, anh Tuấn Anh nói.

Anh Tuấn Anh cho biết thêm, vì nhu cầu sử dụng xuồng máy, áo phao thời điểm này rất cao nên những mặt hàng này rất khan hiếm, anh phải liên hệ với đầu mối ở miền Tây để mua xuồng.

Thời điểm cấp bách, tôi dự kiến liên hệ với các doanh nghiệp du lịch để đổi áo phao. Hiện rất cần áo phao để hỗ trợ người dân, bão lũ kết thúc sẽ mua áo phao mới để trả lại cho họ”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Cửa hàng trái cây thành nơi tập kết hàng cứu trợ

Những ngày qua, cửa hàng kinh doanh trái cây của chị Phạm Hiếu tại địa chỉ 755 Kha Vạn Cân, TP Thủ Đức, trở thành một trong số những điểm tập kết hàng cứu trợ, ủng hộ đồng bào vùng bão lũ.

Cửa hàng kinh doanh trái cây của chị Phạm Hiếu tại địa chỉ 755 Kha Vạn Cân, TP Thủ Đức, TP.HCM - nhộn nhịp khi trở thành điểm tập kết hàng hóa cứu trợ của người dân TP.HCM gửi ra Bắc.

Cửa hàng kinh doanh trái cây của chị Phạm Hiếu tại địa chỉ 755 Kha Vạn Cân, TP Thủ Đức, TP.HCM - nhộn nhịp khi trở thành điểm tập kết hàng hóa cứu trợ của người dân TP.HCM gửi ra Bắc.

Tại điểm tập kết của chị Phạm Hiếu, hàng loạt chuyến xe chở gạo, mì gói, nước sạch, quần áo, chăn màn và nhiều loại nhu yếu phẩm khác lần lượt được người dân mang đến. Mọi người ai cũng muốn đóng góp, dù chỉ là một món quà nhỏ, để giúp đỡ đồng bào vượt qua cơn hoạn nạn.

Chị Hiếu sinh ra và lớn lên ở Bình Định - nơi thường xuyên chịu cảnh bão lụt và nhận được quà cứu trợ của các địa phương nên phần nào hiểu được cảnh khốn khó trăm bề của nhiều người dân ở vùng lũ phía Bắc. Vì thế chị quyết định tổ chức điểm tập kết hàng hóa cứu trợ.

Chị Phạm Hiếu đang sắp xếp lại đồ của người dân TP.HCM gửi ra một số tỉnh phía Bắc.

Chị Phạm Hiếu đang sắp xếp lại đồ của người dân TP.HCM gửi ra một số tỉnh phía Bắc.

"Khi chứng kiến cảnh lũ lụt ở miền Bắc qua báo chí và mạng xã hội, tôi thực sự xót xa lắm. Một số tỉnh phía Bắc chịu nhiều thiệt hại, vì thế chúng tôi quyết định tổ chức tập kết hàng cứu trợ ngay khi có thông tin về thiệt hại. Chúng tôi làm điều này từ trái tim và luôn hy vọng có thể góp phần nào đó giúp đồng bào vượt qua giai đoạn khó khăn này", chị Phạm Hiếu nói.

Từ khi bắt đầu thông báo nhận hàng cứu trợ, mỗi ngày có hàng trăm lượt người đến gửi hàng hóa cứu trợ. Các tình nguyện viên, nhân viên của chị không ngừng tay sắp xếp, phân loại và đóng gói hàng hóa để sẵn sàng vận chuyển ra Bắc.

Không khí bận rộn nhưng vô cùng ấm áp, như chị Phạm Hiếu chia sẻ: "Mỗi món hàng, mỗi thùng mì, mỗi chiếc áo gửi đi đều mang theo tình cảm của người dân TP.HCM".

Người dân mang đồ tới điểm tập kết.

Người dân mang đồ tới điểm tập kết.

Anh Đạt, một tình nguyện viên tại đây cho biết, từ hôm qua có rất nhiều người ghé qua đóng góp, từ những cụ già cho đến các bạn trẻ. Mỗi người một chút, từ vài ba gói mì đến những thùng lớn, có người đến giúp sức bốc xếp hàng hóa.

"Nhiều gia đình đã tới gửi gắm những món quà cho người dân vùng lũ, có người mang theo con cái để cho các cháu phụ giúp, cũng là cách dạy cho các cháu về lòng nhân ái, tinh thần tương thân tương ái", anh Đạt nói.

Chị Tô Thị Thanh Uyên (ngụ TP Thủ Đức) cho hay, khi biết thông tin điểm nhận hàng cứu trợ của chị Hiếu, chị đã đến tận nơi để "kiểm chứng". Tới nơi chị Uyên tận mắt thấy, tai nghe và cùng chung tay để hỗ trợ với chị Hiếu.

"Tôi thấy việc làm này rất nhân văn nên tôi ủng hộ và hành động ngay. Tôi thông báo cho những người bạn, mỗi người một ít, cùng chung tay mua ít thùng sữa, thùng nước... mong đến được người dân miền Bắc thật sớm", chị Uyêm cho hay.

Tình nguyện viên đang sắp xếp đồ cứu trợ.

Tình nguyện viên đang sắp xếp đồ cứu trợ.

Sau khi tiếp nhận hàng, đội ngũ tình nguyện viên tại điểm tập kết của chị Hiếu sẽ phân loại kỹ lưỡng từng món hàng để đảm bảo chúng đến đúng nơi, đúng nhu cầu. Hàng hóa được chia thành từng gói nhỏ, bao gồm thực phẩm, quần áo và các vật phẩm cần thiết khác, đảm bảo dễ vận chuyển và phân phát đến tận tay người cần giúp đỡ.

Đặc biệt, hàng hóa còn được ghi chú rõ ràng để dễ dàng phân phối tại các điểm cứu trợ ở các tỉnh phía Bắc. Điều này nhằm đảm bảo hàng hóa đến đúng nơi, đúng người cần.

Điều đặc biệt, điểm tập kết này không nhận tiền, mỗi khi có ai mang tiền đến thì chị Hiếu không nhận và yêu cầu họ mua thuốc hay gì mang tới.

Những thùng mì tôm, những đồ áo cũ được người dân gói ghém cẩn thận mang tới điểm tập kết.

Những thùng mì tôm, những đồ áo cũ được người dân gói ghém cẩn thận mang tới điểm tập kết.

12h đêm qua, 1 chuyến xe xe tải đầy ắp hàng hóa đã xuất phát để mang tình thương của người dân TP.HCM đến với những người dân vùng bão lũ.

"Chúng tôi đã phối hợp với một số nhóm từ thiện tại các tỉnh bị ảnh hưởng, nhằm đảm bảo hàng hóa được chuyển đến đúng nơi và kịp thời", chị Phạm Hiếu nói và cho rằng điều quan trọng nhất là không để ai bị bỏ lại phía sau trong cơn hoạn nạn này.

Chiều qua (10/9), hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ VIệt Nam, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, chiều 10/9, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP.HCM đã ủng hộ 120 tỷ đồng để chia sẻ với những khó khăn, mất mát mà đồng bào đã phải gánh chịu trong đợt mưa lũ vừa qua.

Hoàng Thọ

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nguoi-dan-tp-hcm-huong-ve-vung-lu-moi-su-giup-do-du-nho-nhung-dang-quy-ar895288.html
Zalo