Người dân tộc Tày ở Bà Rịa - Vũng Tàu bảo tồn, gìn giữ đàn Tính hát Then

Bà con dân tộc Tày ở xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng nhau gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống, đặc biệt là phong trào văn nghệ đàn Tính, hát Then.

 Đàn Tính, hát Then được bà con dân tộc Tày tại xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trình diễn. Ảnh: Hiền Nguyễn

Đàn Tính, hát Then được bà con dân tộc Tày tại xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trình diễn. Ảnh: Hiền Nguyễn

Nét văn hóa đặc trưng dân tộc Tày

Tới xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hỏi chị Lương Thị Niềm, thì ai cũng biết. Chị Niềm sinh năm 1964, là người dân tộc Tày, một trong những tấm gương phụ nữ đóng góp hiệu quả vào việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc. Hiện chị là người uy tín trong cộng đồng dân tộc của ấp Suối Lê.

"Chị Lương Thị Niềm đã rất nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua do địa phương và hội phụ nữ cơ sở phát động để khôi phục lại những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Tày. Chị đã cùng cán bộ hội, lãnh đạo địa phương đi vận động những gia đình dân tộc Tày tham gia vào CLB đàn Tính, hát Then. Chị Niềm còn chịu khó viết nhạc, tìm những điệu múa để dạy cho các chị em, đồng thời rất chăm chỉ chịu khó làm gương tới các buổi tập văn nghệ", chị Võ Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Lâm, cho biết.

Chị Lương Thị Niềm, dân tộc Tày tại xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Hiền Nguyễn

Chị Lương Thị Niềm, dân tộc Tày tại xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Hiền Nguyễn

Chuyện để động viên các chị em người đồng bào tham gia đều đặn các buổi tập văn nghệ, nghe thì dễ mà khi bắt tay vào thực hiện cũng có những khó khăn. Chị Lương Thị Niềm cho biết: "Có những chị em vì đi làm nông cả ngày về rất mệt nên tới tối không muốn đi tập nữa, Một số chị em khác thì lại gặp khó khi chồng không muốn cho đi".

Để các chị em có điều kiện đi tập đàn Tính, hát Then, chị Lương Thị Niềm đã cùng cán bộ hội phụ nữ tới vận động, ngồi nói chuyện, trao đổi cùng gia đình, đặc biệt là mời các anh chồng tới xem, cổ vũ cho vợ.

"Có nhiều anh đưa vợ tới tập văn nghệ, ban đầu thì ngồi xem vợ đàn hát, sau đó thấy vui, có ý nghĩa nên đã chủ động tham gia vào đội hát Then. Do vậy, câu lạc bộ đàn Tính, hát Then của người dân tộc Tày trong xã hiện đã có 12 thành viên tham gia tích cực", chị Lương Thị Niềm kể chuyện.

Là người con của dân tộc Tày, một trong số ít dân tộc thiểu số sinh sống tại địa bàn xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, hơn ai hết, chị Niềm hiểu được ý nghĩa và vai trò quan trọng của việc lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc bao đời, nhất là khi có sự hội nhập mạnh mẽ giữa các dân tộc như hiện nay. Theo chị Niềm, nếu không gìn giữ, truyền dạy các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc mình cho con cháu, thì chẳng bao lâu nữa những giá trị truyền thống kia sẽ mai một và dần dần có thể không còn nữa.

Từ tâm niệm đó, nhiều năm qua, chị Niềm miệt mài đến từng nhà, vận động từng chị em người dân tộc Tày tham gia đội văn nghệ của xã, cùng nhau ôn lại, truyền dạy những điệu múa, đàn Tính, hát Then của dân tộc mình. Nhớ đến đâu, chị truyền dạy đến đó với mong muốn không chỉ khơi dậy niềm đam mê hát Then, niềm yêu thích với văn hóa truyền thống dân tộc, mà còn giúp các thế hệ trẻ hiểu rõ được vai trò của mình trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

Không những thế, chị Lương Thị Niềm còn nghiên cứu và biên soạn những bài Then viết về Đảng, ca ngợi bác Hồ để phục vụ những dịp lễ Tết; ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc; những lễ hội của dân tộc Chơ ro để giao lưu văn hóa văn nghệ.

Cùng với việc gìn giữ những điệu múa, lời ca cổ hay phong tục truyền thống, thì nhiều nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng đã và đang được bảo tồn, phát huy. Với đôi bàn tay khéo léo, các chị em dân tộc Tày đã chỉ dạy cho con cháu làm món bánh Giày rất đặc trưng.

Đại diện Hội phụ nữ cơ sở, chị Võ Thị Hiền cho rằng, bằng sự cần mẫn và tình yêu với văn hóa dân tộc, chị Lương Thị Niềm cùng rất nhiều những người phụ nữ dân tộc thiểu số khác đang ngày ngày góp sức, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. Như sợi dây kết nối giữa giá trị từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, họ đã khẳng định vai trò và những đóng góp không nhỏ của mình trong lĩnh vực văn hóa thời kỳ hội nhập, điểm tô cho bức tranh văn hóa các dân tộc thêm phong phú và nhiều sắc màu. Từ đó, nhân lên lòng tự hào, tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ các giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc, để nhịp cầu văn hóa trên khắp các vùng, miền sẽ luôn được nối dài, trường tồn trong nhịp sống hiện đại hôm nay.

Vẫn cần thêm sự sát sao và cố gắng

Đồng bào dân tộc Tày tại xã Tân Lâm biểu diễn dân vũ mừng Xuân 2024. Ảnh: Hiền Nguyễn

Đồng bào dân tộc Tày tại xã Tân Lâm biểu diễn dân vũ mừng Xuân 2024. Ảnh: Hiền Nguyễn

"Xã Tân Lâm có số hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn xã từ rất lâu như Hoa, Chơ ro, Tày, Nùng, đặc biệt số hộ dân tộc Chơ ro sinh sống và sản xuất tại ấp Bàu Hàm, Bàu Ngứa thuộc Dự án tái định canh, định cư vùng đồng bào dân tộc. Đất đai ở đây chủ yếu là bưng bàu, kém màu mỡ. Những năm trước đây việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt chưa được đồng bộ; trình độ dân trí thấp, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số cao", chị Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tân Lâm cho biết.

Xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc hiện có 8 dân tộc thiểu số sinh sống với tổng số 251 hộ và 1073 khẩu, trong đó dân tộc Hoa 72 hộ, 368 khẩu; dân tộc Chơ Ro: 113 hộ, 388 khẩu; dân tộc Tày: 30 hộ, 132 khẩu; dân tộc Nùng: 15 hộ, 87 khẩu; dân tộc Mường: 05 hộ, 26 khẩu; dân tộc Chăm: 05 hộ, 31 khẩu; dân tộc Dao: 03 hộ, 14 khẩu; dân tộc Khơme: 8 hộ, 27 khẩu. Các hộ dân tộc thiểu số sinh sống rải rác trên địa bàn 6 ấp, trong đó tổng số phụ nữ dân tộc thiểu số là 564 người; tổng số trẻ em gái dân tộc thiểu số là 401 người; tổng số hộ dân tộc thiểu số nghèo là 20 hộ; tổng số phụ nữ khó khăn là 30 chị; phụ nữ khuyết tật và yếu thế tại địa phương là 7 chị.

Cũng theo chị Hiền, một số hộ chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo, một số hộ còn có tư tưởng trông chờ và ỷ lại sự hỗ trợ của nhà nước. Hiện cũng chưa có mô hình làm ăn kinh tế điển hình để nhân rộng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số học tập nâng cao hiệu quả kinh tế.

Từ những thực trạng trên, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã đề ra nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo. Hội LHPN xã Tân Lâm đã phối hợp cùng các ban ngành, các chi, tổ hội ấp tăng cường công tác tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; giữ gìn an ninh trật tự và phát huy bản sắc dân tộc.

Nhờ vậy, mấy năm trở lại đây, bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn ấp - xã luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, tích cực tham gia xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, xây dựng và giữ gìn an ninh trật tự trong tổ, ấp.

Sau 20 năm thành lập xã, nhờ sự siêng năng, cần cù chịu khó, đoàn kết, tương thân, tương ái của bà con đồng bào dân tộc, đồng thời được sự quan tâm của các cấp, chính quyền địa phương nên cơ sở hạ tầng đã được đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại và sinh hoạt của người dân. Số hộ đồng bào dân tộc đã không ngừng phát triển về dân số, kinh tế, dân trí được nâng cao. Nhà ở được nhà nước đầu tư khang trang; số hộ khá ngày càng tăng, hộ nghèo giảm dần và không còn hộ đói.

"Hiện số hộ đạt gia đình văn hóa ngày một nâng lên, đã tạo một diện mạo mới cho đời sống vật chất và tinh thần của bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn xã. Hiện nay 6/6 ấp đã giữ vững danh hiệu Ấp Văn hóa. Năm 2018 xã Tân Lâm được nhà nước đầu tư xây dựng nhà văn hóa đồng bào dân tộc, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng. Hội LHPN xã đã vận động được một số em hội viên tham gia câu lạc bộ Cồng, chiêng; câu lạc bộ đàn tính hát then, các đội văn nghệ trong đồng bào dân tộc thiểu số, các câu lạc bộ sinh hoạt 5 buổi/ tháng tại nhà văn hóa đồng bào dân tộc. Vào những ngày đại đoàn kết, lễ hội của từng dân tộc, các dân tộc trên địa bàn xã đều cùng tham gia các tiết mục văn nghệ mang nét đặc trưng của từng dân tộc góp vui cho chương trình lễ, hội, tạo không khí ấm áp, đoàn kết các dân tộc trên địa bàn xã", chị Nguyễn Thị Hiền cho biết.

Hiện nay các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Tân Lâm đều thực hiện cuộc sống văn minh, không có tình trạng bạo lực gia đình. Các đôi nam nữ trước khi kết hôn đều đến UBND xã làm thủ tục đăng ký kết hôn theo đúng quy định. Cũng không có việc tảo hôn; không kết hôn cận huyết thống và ép gả hoặc vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Các hộ đồng bào dân tộc sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh, đúng quy định của pháp luật. Các sinh hoạt văn hóa tâm linh, thờ cúng phù hợp với phong tục tập quán, bảo đảm phát huy truyền thống văn hóa.

Đinh Thu Hiền

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nguoi-dan-toc-tay-o-ba-ria-vung-tau-bao-ton-gin-giu-dan-tinh-hat-then-20240912152936276.htm
Zalo