Người dân thêm hài lòng về sự phục vụ

6 năm liền (2019 - 2024), Khánh Hòa liên tiếp tăng điểm, thăng hạng về chỉ số cải cách hành chính (CCHC) - PAR INDEX. Bên cạnh đó, chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2024 tiếp tục tăng. Sự nỗ lực phục vụ của các cơ quan, đơn vị làm người dân hài lòng hơn đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

PAR INDEX vào top 10, SIPAS tăng 13 bậc

Theo công bố của Bộ Nội vụ tuần qua, PAR INDEX của Khánh Hòa đạt 90,49%; xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2023, thuộc top 10 địa phương cao điểm và là 1 trong 13 địa phương có chỉ số hơn 90%.

Nhân viên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn thủ tục cho khách hàng.

Nhân viên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn thủ tục cho khách hàng.

Trong 8 chỉ số thành phần PAR INDEX, Khánh Hòa có 4 chỉ số hơn 90%. Trong đó, công tác chỉ đạo điều hành CCHC đạt điểm tuyệt đối, thuộc top 7 địa phương đạt chỉ số 100%; cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đạt 98,85%; cải cách tổ chức bộ máy đạt 94,52%; cải cách thể chế đạt 95,02%. Ngoài ra, chỉ số cải cách tài chính công đạt 89,5%; chỉ số tác động của CCHC đến người dân và phát triển kinh tế - xã hội của Khánh Hòa đạt 5,09/6,5 điểm, cao hơn trung bình toàn quốc.

SIPAS 2024 của tỉnh đạt 83,66%, tăng 2,57% và tăng 13 bậc so với năm 2023; xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, nội dung cung ứng dịch vụ hành chính công có tỷ lệ hài lòng 85,7%, tăng 4,68% và tăng 29 bậc so với năm 2023, đứng thứ 14 toàn quốc. Các yếu tố: Tiếp cận dịch vụ; TTHC; công chức trực tiếp giải quyết hồ sơ; kết quả dịch vụ; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân đều tăng tỷ lệ hài lòng. Có 91,55% số người được hỏi xác nhận không có công chức nào gây phiền hà, sách nhiễu; 93,14% người được hỏi cho biết không có người dân nào phải đưa tiền ngoài quy định cho công chức. Tỷ lệ người dân tham gia vào quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách tăng. Đa số người được hỏi đánh giá, cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, thực thi công vụ tốt hơn. Các đánh giá về kinh tế gia đình; kinh tế - xã hội của địa phương; công tác khám, chữa bệnh và dạy học của các đơn vị công lập; trật tự, an toàn xã hội, giao thông, điện, nước sinh hoạt, an sinh xã hội… tốt hơn.

Nỗ lực trên mọi lĩnh vực

Năm 2024, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 54 văn bản triển khai đầy đủ, kịp thời các nội dung CCHC của Trung ương; chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh CCHC, triển khai các giải pháp cải thiện và nâng cao các chỉ số đánh giá đối với tỉnh. Nhiều chương trình, đề cương, đề án, kế hoạch quan trọng được tỉnh ban hành như: Chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2024; Đề cương nhiệm vụ tổng thể về xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương...

Cùng với đó, công tác cải cách TTHC, cải cách tổ chức bộ máy được triển khai quyết liệt. Tỉnh đã đề xuất sửa đổi, bổ sung 5 TTHC, tiết kiệm gần 1,3 tỷ đồng; miễn thu phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến khi nộp hồ sơ trên môi trường mạng; quy định chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; liên thông điện tử 2 nhóm TTHC (đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất). Khánh Hòa là 1 trong 6 địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành số hóa dữ liệu sổ hộ tịch trước hạn; là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên cấp bản sao trích lục hộ tịch, xác nhận thông tin hộ tịch không phụ thuộc nơi đăng ký, nơi cư trú của người yêu cầu; là 1 trong 9 địa phương đầu tiên thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh điện tử VNeID; thí điểm sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên VNelD…

Trong năm qua, có nhiều giải pháp, sáng kiến CCHC được triển khai như: Vận hành Trung tâm Điều hành thông tin và hỗ trợ khách du lịch Khánh Hòa; ứng dụng Công dân số Khánh Hòa; hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến trong lĩnh vực thành lập và hoạt động doanh nghiệp tại UBND cấp xã (TP. Nha Trang); Câu lạc bộ Khởi nghiệp và Sáng tạo trẻ (Thành đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP. Nha Trang)… Toàn tỉnh đã sắp xếp, giảm 7 xã, phường, 44 tổ dân phố và 7 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Năm 2024, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến của tỉnh tăng mạnh; tỷ lệ cấp bản sao điện tử kết quả giải quyết TTHC đạt 77,95%, tăng 43,75% so với năm 2023.

Với những nỗ lực nêu trên đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 10,16% so với năm 2023, xếp thứ 7 cả nước, thứ 2 vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; thu ngân sách nhà nước đạt 20.443 tỷ đồng, vượt 22,5% kế hoạch, tăng 13,6% so với năm trước; tổng doanh thu du lịch tăng 56,47%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 16,5%...

Ông Võ Chí Vương - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, để duy trì bền vững và có bước tiến mới trong CCHC, Sở Nội vụ sẽ tham mưu tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách thể chế, cải cách TTHC, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến; quyết liệt sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo chỉ đạo của Trung ương; đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hoàn thiện, công khai các quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội, các quy định, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp... Qua đó nhằm tạo chuyển biến thực chất trong nhận thức, hành động về một chính quyền phục vụ, đưa Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

NGUYỄN VŨ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202504/nguoi-dan-them-hai-long-ve-su-phuc-vu-f9f2fcc/
Zalo