Người dân thấp thỏm khi hàng loạt con bò sữa chết bất thường

Những ngày gần đây, hàng loạt con bò sữa của những hộ chăn nuôi ở huyện Đức Trọng và Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng chết bất thường. Những con bò sữa, kế sinh nhai của nhiều hộ dân ở những vùng quê này xuất hiện tình trạng tiêu chảy, lượng sữa giảm, bỏ ăn, kiệt sức và chết, khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng.

Nhiều người chăn nuôi bò sữa tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng thấp thỏm, lo âu khi đàn bò bị bệnh, nhiều con chết chưa rõ nguyên nhân.

Nhiều người chăn nuôi bò sữa tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng thấp thỏm, lo âu khi đàn bò bị bệnh, nhiều con chết chưa rõ nguyên nhân.

Theo phản ánh của người chăn nuôi, tình trạng này chỉ xảy ra đối với những con bò đã tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục, còn những con không tiêm vẫn bình thường.

Xáo động vùng quê nuôi bò sữa

Vùng quê Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng bỗng trở nên xáo động khi nhiều trang trại chăn nuôi bò sữa của người dân nơi đây xảy ra tình trạng bò bị triệu chứng tiêu chảy ra máu, tụt sữa, bỏ ăn và chết. Những đàn bò sữa lâu nay là kế sinh nhai của họ, giúp nhiều gia đình ổn định cuộc sống, nay bổng dưng đổ bệnh. Bò kiệt sức. Người chăn nuôi hoang mang.

“Chăn nuôi bò sữa 14 năm nay giờ gia đình chúng tôi mới gặp tình trạng này. Trong đàn bò sữa mới có vài con bị chết, nhưng tôi nhìn mắt con bò tôi biết, nhiều con đã kiệt sức có thể chết bất cứ lúc nào”, đứng trong trang trại, nhìn những con bò sữa là tài sản của gia đình, bà Nguyễn Thị Thanh Loan (tổ 19, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh), xót xa.

Con bò sữa kiệt sức, lăn ra chết trong sự xót xa của người chăn nuôi.

Con bò sữa kiệt sức, lăn ra chết trong sự xót xa của người chăn nuôi.

Bà Loan là một trong hơn 140 hộ chăn nuôi bò sữa ở thôn Bồng Lai. Bà cho biết thêm, đàn bò sữa của gia đình bà có tổng số 17 con. Ngày 24/7, đàn bò được cán bộ thú y xã đến tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục. Trong vòng 7 ngày sau khi tiêm, đàn bò vẫn ăn bình thường, nhưng bị tụt sữa; 3 ngày tiếp theo, một số con xuất hiện tình trạng bỏ ăn, tiêu chảy ra máu rồi lăn ra chết. Đến ngày 7/8, đã có 2 con chết, 1 con đang rất yếu, có thể chết bất cứ lúc nào. “Hai năm trước, đàn bò của gia đình cũng được tiêm vaccine phòng bệnh này, nhưng chẳng sao. Giờ, với tình trạng như thế này chắc chắn số bò chết sẽ không dừng lại…”, bà Loan ngậm ngùi.

Bà Hồng tỏ ra đau xót khi nhìn ánh mắt con bò sữa trang trại của gia đình đang kiệt sức.

Bà Hồng tỏ ra đau xót khi nhìn ánh mắt con bò sữa trang trại của gia đình đang kiệt sức.

Cùng tổ với hộ bà Loan, bà Lê Thị Ánh Hồng cho biết, 26 con bò sữa của gia đình bà đã được địa phương hỗ trợ tiêm vaccine, 2 con bê nhỏ không tiêm. Sau 7 đến 10 ngày tiêm, đàn bò xuất hiện triệu chứng như đàn bò đã tiêm của các hộ khác trong vùng: Bỏ ăn, tiêu chảy, lượng sữa sụt giảm, có con sắp chết. Riêng 2 con bê không tiêm nên bình thường. Khi xuất hiện triệu chứng, gia đình bà đã mua thuốc để điều trị, nhưng có thể không cứu nổi đàn bò. “Gia đình phải vay ngân hàng tiền tỷ để xây dựng trang trại, mua bò giống... Kinh tế gia đình đều trông chờ vào đàn bò, giờ thì…”, bà Hồng trầm buồn.

Nhiều người chăn nuôi tỏ ra bất lực khi chứng kiến những con bò sữa bị tiêu chảy, bỏ ăn và kiệt sức...

Nhiều người chăn nuôi tỏ ra bất lực khi chứng kiến những con bò sữa bị tiêu chảy, bỏ ăn và kiệt sức...

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, việc chăn nuôi bò sữa đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời, tạo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; sử dụng tài nguyên đất đai, điều kiện tự nhiên có hiệu quả.

Tại tổ 20, thôn Bồng Lai, gia đình ông Nguyễn Tấn Tuân có tổng đàn 30 con bò sữa. Đứng bên đàn bò đang có biểu hiện bỏ ăn, tiêu chảy… ông Tuân tỏ ra hoang mang: “28 con bò của gia đình tôi đã tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục. Hiện đàn bò đang trong tình trạng kiệt sức, nguy cơ chết hàng loạt. Hiện chúng tôi thấp thỏm từng giờ…”.

Toàn thôn Bồng Lai có 146 hộ đang nuôi bò, với tổng đàn gần 3.500 con. Trong đó, đàn bò sữa hơn 2.800 con. Theo kế hoạch tiêm phòng cho đàn bò triển khai từ ngày 22 đến 31/7, đã có hơn 80% hộ chăn nuôi bò trên địa bàn thôn đã tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò.

Ông Tuân lo lắng vì đàn bò của gia đình đang bị bệnh, nguy cơ "trắng tay".

Ông Tuân lo lắng vì đàn bò của gia đình đang bị bệnh, nguy cơ "trắng tay".

Còn tại huyện Đơn Dương, địa phương chăn nuôi bò sữa nhiều nhất tỉnh Lâm Đồng, theo báo cáo ban đầu của ngành chức năng, đến ngày 4/8, đã có 2.240 con bò sữa mắc bệnh tiêu chảy tại 100 hộ thuộc 4 xã, thị trấn (Ka Đô, Quảng Lập, Tu Tra và thị trấn Thạnh Mỹ); trong đó có 27 con bị chết.

Khẩn trương triển khai giải pháp “cứu” đàn bò

Chi cục trưởng Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng Phạm Phi Long cho biết, từ ngày 31/7, Chi cục nhận được thông tin từ các địa phương trên. Qua kiểm tra thực tế, xuất hiện tình trạng chung trên đàn bò sữa đã tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục là bị tiêu chảy, nặng thì tiêu chảy ra máu; bò bỏ ăn, sốt, kiệt sức và nhiều con đã chết.

“Sau khi kiểm tra thực tế, chúng tôi đã thông báo tạm dừng tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò. Những con đã tiêm thì tiếp tục theo dõi để điều tra, xác định nguyên nhân gây ra tình trạng trên”, ông Long cho biết.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cùng chính quyền huyện Đức Trọng trao đổi với những nông hộ chăn nuôi bò sữa tại xã Hiệp Thạnh, sau khi hàng loạt con bò sữa trên địa bàn chết chưa xác định nguyên nhân.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cùng chính quyền huyện Đức Trọng trao đổi với những nông hộ chăn nuôi bò sữa tại xã Hiệp Thạnh, sau khi hàng loạt con bò sữa trên địa bàn chết chưa xác định nguyên nhân.

Sáng 7/8, lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, chính quyền huyện Đức Trọng đã có cuộc trao đổi với những nông hộ chăn nuôi bò sữa tại xã Hiệp Thạnh, qua đó, để có những giải pháp kịp thời “cứu” đàn bò sữa cho những hộ chăn nuôi trên địa bàn.

Tại cuộc họp, người chăn nuôi bò sữa cho rằng, những con bò bị tình trạng trên sau khi tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục sau khoảng từ 7 đến 10 ngày. Trước diễn biến trên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đức Trọng Lê Nguyên Hoàng đề nghị ngành thú y tỉnh huy động lực lượng, cùng địa phương triển khai các biện pháp tập trung cứu chữa đàn bò. Đồng thời, ngành chức năng lấy mẫu xét nghiệm để sớm có câu trả lời cho các hộ chăn nuôi. Lãnh đạo huyện Đức Trọng mong người dân bình tĩnh, trước mắt thực hiện theo phác đồ điều trị của cơ quan chức năng để tập trung cứu chữa đàn bò.

Những chuyến xe công nông vẫn chực chờ để vận chuyển bò chết tiêu hủy theo quy định.

Những chuyến xe công nông vẫn chực chờ để vận chuyển bò chết tiêu hủy theo quy định.

Qua nắm bắt tình hình thực tế, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng đã hướng dẫn những hộ chăn nuôi bò sữa tại 2 địa phương trên, bổ sung các loại thức ăn theo khuyến cáo, cùng khoáng chất, vitamin… khi bò bị tiêu chảy. “Hiện, lực lượng thú y đang dồn vào công tác phòng, chống dịch, nên số liệu thống kê chưa chính xác, ước có hơn 60 con bò sữa của những trang trại tại huyện Đức Trọng và Đơn Dương bị chết chưa xác định nguyên nhân, hơn 3.000 con mắc bệnh tiêu chảy”, ông Phạm Phi Long thông tin.

Những con bò sữa bỏ ăn, suy kiệt sau khi bị mắc tiêu chảy chưa rõ nguyên nhân.

Những con bò sữa bỏ ăn, suy kiệt sau khi bị mắc tiêu chảy chưa rõ nguyên nhân.

Theo Chi cục trưởng Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng, bước đầu xác định, bệnh tiêu chảy xảy ra trên địa bàn khoảng 1 đến 2 tháng nay. Bệnh xảy ra trùng thời điểm tiêm phòng vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục dẫn đến tình trạng vật nuôi yếu hơn, bị bệnh, chết. “Hiện chưa thể khẳng định việc tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục gây chết bò. Ngày mai (8/8), cơ quan chuyên môn Cục Thú y, Chi cục Thú y vùng 5 sẽ đến Lâm Đồng hỗ trợ lấy mẫu để xác định nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên”, ông Phạm Phi Long thông tin.

Những con bò sữa tự dưng bị tiêu chảy, bỏ ăn, tụt sữa, suy kiệt... làm xáo động vùng chăn nuôi bò sữa tại huyện Đức Trọng và Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Những con bò sữa tự dưng bị tiêu chảy, bỏ ăn, tụt sữa, suy kiệt... làm xáo động vùng chăn nuôi bò sữa tại huyện Đức Trọng và Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Như Báo Nhân Dân đã thông tin, sau khi nắm bắt sự việc, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan phối hợp các địa phương, khẩn trương tập trung các nguồn lực để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, xử lý dứt điểm và xác định nguyên nhân khiến bò sữa chết hàng loạt trên địa bàn, đồng thời, yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh chưa có dịch, tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh sau khi bò sữa được tiêm vaccine.

Giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh sau khi bò sữa được tiêm vaccine.

Hiện, nhiều hộ chăn nuôi bò sữa tại huyện Đức Trọng và Đơn Dương đang mất ăn, mất ngủ; hoang mang, lo lắng khi hàng ngày phải chứng kiến những con bò trong trang trại của gia đình bị tiêu chảy, bỏ ăn, kiệt sức và chết. Trong khi, một con bò đang cho sữa có giá trị từ 40 đến 60 triệu đồng. Bỏ tiền đầu tư, vay tiền lập kế sinh nhai, nhưng giờ, những hộ chăn nuôi bò sữa nơi đây đang lo âu, thấp thỏm từng giờ…

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, đến tháng 4/2024, tổng đàn bò sữa trên địa bàn hơn 24,6 nghìn con; tập trung tại huyện Đơn Dương (16.879 con/650 hộ), Đức Trọng (5.530 con/245 hộ)… Trong đó, đàn bò sữa nuôi tại các nông hộ hơn 19,2 nghìn con, chiếm 78,1% trên tổng đàn; còn lại nuôi tại các doanh nghiệp. Sản lượng sữa tươi đạt hơn 109,7 nghìn tấn/ năm.

MAI VĂN BẢO

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nguoi-dan-thap-thom-khi-hang-loat-con-bo-sua-chet-bat-thuong-post823182.html
Zalo