Người dân thận trọng tái đàn dù giá lợn tăng
Giá lợn hơi liên tục tăng cao mang đến nguồn thu nhập lớn cho người chăn nuôi ở Yên Bái. Tuy nhiên, dù giá lợn tăng cao nhưng phần lớn người chăn nuôi lợn vẫn cẩn trọng trong việc tái đàn, do lo ngại về dịch và giá thức ăn tăng cao, cũng như sự bấp bênh của giá lợn xuất chuồng.

Gia đình ông Sùng A Dà ở xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải bán khoảng 10 tấn thịt lợn hơi, trừ chi phí cho gia đình trên 250 triệu đồng. Ảnh: Tiến Khánh/TTXVN
Gia đình ông Lại Văn Toàn ở thôn Bản Lốm, xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái có kinh nghiệm nuôi lợn 20 năm qua. Hàng năm, gia đình ông luôn duy trì đàn lợn 30 - 35 con. Hiện giá lợn tăng cao đã giúp gia đình ông có thêm thu nhập, giảm bớt gánh nặng tài chính và tạo nguồn lực để tiếp tục phát triển mở rộng, tăng quy mô trang trại.
Tuy nhiên, ông Toàn rất thận trọng trong việc mở rộng và tái đàn lợn bởi trước tình hình giá lợn tăng cao có thể nhiều gia đình sẽ ồ ạt tái đàn dẫn đến giá cám tăng mạnh, giá lợn xuất chuồng có nguy cơ giảm và dịch bệnh quay trở lại.
Ông Toàn chia sẻ, gia đình ông vừa bán 30 con lợn thịt, hiện nay muốn tái đàn nhưng do lo sợ dịch bệnh nên chỉ dám duy trì số lượng hiện có, lợn nái của gia đình đẻ ra bằng nào thì nuôi bằng ấy. Hơn nữa ông lo ngại giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên nuôi cầm chừng.
Khi giá lợn hơi xuất chuồng tăng cao, cũng như nhiều gia đình khác, gia đình chị Hà Thị Khởi, ở thôn Đoàn Kết, xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ sau thời gian dài không nuôi lợn, hiện gia đình chị đầu tư cải tạo lại chuồng trại và nuôi 10 lợn nái, 40 lợn thịt.
Chị Khởi cho biết, với giá lợn hơi hiện nay gia đình chị tính toán đầu tư nuôi sẽ có lãi. Tuy nhiên, gia đình sẽ tự sản xuất lợn giống và nuôi với số lượng vừa phải để đảm bảo an toàn và hiệu quả phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn. Đặc biệt, chị chăn nuôi gối, hết đàn này lại gối tiếp đàn sau nhằm tránh rủi ro. Chị hy vọng giá lợn không giảm và duy trì ở mức này để bà con có lãi ổn định.
Hiện thị xã Nghĩa Lộ có tổng đàn lợn trên 30.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt trên 1.1500 tấn. Những ngày gần đây, giá lợn hơi tăng từ 5 - 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 70.000 - 74.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, phần lớn những người chăn nuôi vẫn cẩn trọng trong việc tái đàn lợn, do lo ngại về sự ổn định của giá lợn xuất chuồng, cũng như dịch bệnh và giá thức ăn cho lợn tăng cao.
Tương tự, tại thành phố Yên Bái người chăn nuôi lợn thận trọng tái đàn trước giá lợn tăng. Ông Nguyễn Văn Khá, thôn Đoàn Kết, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái chia sẻ, gia đình ông nuôi trang trại nhỏ, từ 40-90 con lợn tùy từng thời điểm. Hiện nay giá lợn tăng cao nhưng ông chỉ nuôi cầm chừng khoảng gần 50 con lợn. Bởi theo ông Khá, giá lợn hơi xuất chuồng bấp bênh, trong khi giá cám có chiều hướng tăng liên tục nên ông không tái đàn nhiều để tránh rủi ro.
Bên cạnh đó, ông phải tăng chi phí tiêm phòng, tăng nhân công vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng nhằm đảm bảo đàn lợn phát triển tốt. Nếu giữ ổn định giá bán lợn hợi như hiện tại, mỗi năm, ông Khá xuất bán khoảng 10 tấn thịt lợn hơi, trừ chi phí đem lại thu nhập cho gia đình gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên, những biến động giá cả thị trường luôn khiến gia đình ông chưa thật sự yên tâm đầu tư tái đàn lớn hơn.
Toàn tỉnh Yên Bái hiện có trên 845.000 con gia súc chính; trong đó có trên 700.000 con lợn. Quý I/2025, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại của tỉnh đạt 27.850 tấn. Những tác động của giá cả thị trường và nguy cơ dịch bệnh khiến người chăn nuôi ngày càng phải phát triển mạnh các mô hình chăn nuôi chuyên nghiệp, tập trung quy mô lớn để đảm bảo tính hiệu quả.
Ông Ninh Trần Phương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái cho biết: Trước tình hình giá lợn tăng cao, ngành chăn nuôi khuyến khích người dân tái đàn có kiểm soát, không tái đàn ồ ạt để tránh nguy cơ dịch bệnh. Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, trong khi thị trường tiêu thụ có thể biến động, đòi hỏi các hộ chăn nuôi phải tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với điều kiện thực tế của từng gia đình.
Việc lựa chọn con giống cũng cần lưu ý và chặt chẽ, chỉ nhập từ các cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng đầy đủ. Các biện pháp an toàn sinh học bà con cũng triển khai nghiêm ngặt, từ khâu vệ sinh chuồng trại, kiểm dịch đến quy trình chăm sóc. Đặc biệt, ngành tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật chăn nuôi tuần hoàn và an toàn sinh học để tối ưu chi phí và giảm thiểu rủi ro.
Đồng thời, ngành chăn nuôi tỉnh đang khuyến khích chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị, gắn kết quyền lợi giữa người chăn nuôi với các doanh nghiệp chế biến để đảm bảo đầu ra ổn định, giúp người dân yên tâm sản xuất. Nhìn chung, công tác tái đàn phải được thực hiện từng bước, có kiểm soát, vừa bảo đảm sản xuất ổn định vừa hạn chế thấp nhất nguy cơ rủi ro cho người chăn nuôi.
Năm 2025, ngành nông nghiệp Yên Bái phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 5,85%; giá trị sản xuất chăn nuôi (theo giá so sánh 2010) đạt 2.740 tỷ đồng, tăng 180 tỷ đồng so với năm 2024; tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 30% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; tổng đàn gia súc chính đạt 950.000 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 83.000 tấn. Trong số đó, việc phát triển đàn lợn đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng sinh kế tới hàng vạn hộ nông dân.
Để đạt mục tiêu trên, ngành nông nghiệp Yên Bái đã chú trọng cung cấp giống gia súc chất lượng cao, sinh trưởng và kháng bệnh tốt; khuyến khích, có cơ chế hỗ trợ cụ thể đầu tư vào các mô hình chăn nuôi công nghệ cao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Việc phát triển các mô hình chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học là hướng đi quan trọng không chỉ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường tiêu thụ.