Người dân Sri Lanka đi bầu cử lần đầu tiên kể từ khi nền kinh tế sụp đổ

Sri Lanka đã bắt đầu bỏ phiếu bầu tổng thống tiếp theo vào ngày 21/9 lần đầu tiên sau cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng có của quốc đảo này.

Tổng cộng có 39 người tham gia tranh cử, bao gồm một ứng cử viên 79 tuổi vẫn có tên trong danh sách bỏ phiếu mặc dù đã qua đời vì một cơn đau tim vào tháng trước.

Hơn 17 triệu người đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc bầu cử, với hơn 63.000 cảnh sát được triển khai để bảo vệ các điểm bỏ phiếu và trung tâm kiểm phiếu.

"Chúng tôi cũng có các đội chống bạo động túc trực để phòng trường hợp có bất kỳ rắc rối nào, nhưng cho đến nay mọi thứ vẫn diễn ra trong hòa bình", người phát ngôn cảnh sát Nihal Talduwa cho biết.

"Ở một số khu vực, chúng tôi đã phải triển khai cảnh sát để đảm bảo các điểm bỏ phiếu an toàn trước động vật hoang dã, đặc biệt là voi hoang dã".

Hàng chục người xếp hàng bên ngoài các điểm bỏ phiếu ở Colombo trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu.

Chính phủ cũng cấm bán rượu vào cuối tuần và tuyên bố sẽ không tổ chức bất kỳ cuộc mít tinh hay ăn mừng chiến thắng nào cho đến một tuần sau khi kết quả được công bố.

Các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa lúc 4 giờ chiều (17:30 giờ Việt Nam) và việc kiểm phiếu sẽ bắt đầu vào tối 21/9.

Kết quả dự kiến sẽ có vào ngày 22/9, nhưng kết quả chính thức có thể bị trì hoãn nếu cuộc đua diễn ra quá sít sao.

Các trường học đã đóng cửa vào ngày 20/9 để chuyển đổi thành các điểm bỏ phiếu, với hơn 200.000 công chức được triển khai để tiến hành bỏ phiếu.

 Những người biểu tình yêu cầu Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa từ chức, bên trong khuôn viên Dinh Tổng thống Sri Lanka tại Colombo vào năm 2022. Ảnh: AFP

Những người biểu tình yêu cầu Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa từ chức, bên trong khuôn viên Dinh Tổng thống Sri Lanka tại Colombo vào năm 2022. Ảnh: AFP

Đây là cuộc bầu cử đầu tiên của đất nước kể từ khi suy thoái gây ra các cuộc biểu tình lớn vào năm 2022 khiến Tổng thống khi đó là ông Gotabaya Rajapaksa bị lật đổ.

Người kế nhiệm ông, Tổng thống Ranil Wickremesinghe, đang phải đấu tranh rất vất vả để giành được nhiệm kỳ mới nhằm tiếp tục các biện pháp thắt lưng buộc bụng ổn định nền kinh tế và chấm dứt tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men kéo dài nhiều tháng.

Hai năm tại nhiệm của ông đã giúp khôi phục lại sự bình yên trên đường phố sau cuộc bạo loạn dân sự năm 2022 khi hàng nghìn người xông vào khu nhà của ông Rajapaksa, người đã chạy trốn khỏi đất nước.

"Tôi đã đưa đất nước này thoát khỏi tình trạng phá sản. Bây giờ tôi sẽ mang lại cho Sri Lanka một nền kinh tế phát triển, hệ thống xã hội phát triển và hệ thống chính trị phát triển", ông Wickremesinghe, 75 tuổi, phát biểu sau cuộc bỏ phiếu vào buổi sáng.

Tuy nhiên, việc tăng thuế của ông Wickremesinghe và các biện pháp khác, được áp dụng theo các điều khoản của gói cứu trợ 2,9 tỷ USD của IMF, đã khiến hàng triệu người phải vật lộn để kiếm sống.

Ông được cho là sẽ thua một trong hai đối thủ đáng gờm. Một là ông Anura Kumara Dissanayaka, 55 tuổi, lãnh đạo của đảng Marxist. Cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka đã chứng minh đây là cơ hội cho ông Dissanayaka, người được ủng hộ nhờ lời cam kết thay đổi nền văn hóa chính trị "tham nhũng" của hòn đảo này.

Tại một điểm bỏ phiếu, ông bày tỏ niềm tin rằng mình sẽ giành được chức vụ cao nhất. "Nếu tôi chiến thắng, sẽ không có xung đột hay bạo lực xảy ra. Đất nước chúng ta cần một nền văn hóa chính trị mới", ông nói.

Lãnh đạo phe đối lập Sajith Premadasa, 57 tuổi, con trai của cựu Tổng thống bị ám sát năm 1993 trong cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ của đất nước, cũng được kỳ vọng sẽ giành được chiến thắng vang dội.

Ông tuyên thệ sẽ chống lại nạn tham nhũng tràn lan. Cả ông và ông Dissanayaka đều cam kết sẽ đàm phán lại các điều khoản trong gói cứu trợ của IMF.

Hoài Phương (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-dan-sri-lanka-di-bau-cu-lan-dau-tien-ke-tu-khi-nen-kinh-te-sup-do-post313299.html
Zalo