Người đàn ông trúng số tiền tỷ cho hết anh em và bạn bè tiêu sạch
Sau khi trúng số, người đàn ông Cần Thơ chia hết cho anh em và bạn bè rồi lao vào các cuộc chơi của giới giàu có.
Về bến xe khách Cần Thơ (Cái Răng, TP.Cần Thơ) hỏi thăm gia đình anh Bùi Mỹ H (SN 1968) – người từng trúng 5 tờ vé số độc đắc thì ai cũng biết về giai thoại ấy. Thậm chí người ta còn tiếc nuối "thời hoàng kim" của người đàn ông này.
Chị Phượng (SN 1970) – vợ anh H. cho biết, anh chị sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, lại đông con nên ít học hành. Năm 2003, nhờ mai mối, chị chấp nhận lấy người đàn ông cục mịch nhưng hiền lành về làm chồng.
“Trước khi cưới, tôi từng nghe qua loa chuyện anh ấy trúng số nhưng không biết bao nhiêu. Tôi chỉ biết đến khi chụp ảnh cưới, anh không một xu dính túi. Tôi thấy lạ nên gặng hỏi người ta đồn anh trúng bạc tỷ, vậy đâu hết rồi. Anh ấy cười bảo có trúng nhưng cho anh em và bạn bè tiêu xài cả”, chị Phượng tâm sự.
Theo tìm hiểu, một ngày đẹp trời năm 2002, anh H. đi bán vé số bị ế 5 tờ vé cùng dãy số của đài Kiên Giang trị giá 2.000 đồng/tờ. Anh đành ngậm ngùi giữ lại vì đã quá giờ trả đại lý.
Ngờ đâu tối đó tất cả đều xổ giải đặc biệt. Anh H. nhận thưởng xong liền đi mua 45 cây vàng – số tài sản “siêu khủng”, tương đương hàng tỷ đồng ở hiện tại.
Sau đó, người đàn ông Cần Thơ chia hết cho anh em và bạn bè rồi lao vào các cuộc chơi của giới giàu có. Anh chơi không thiếu bất cứ trò gì dành cho dân sành đợi lúc bấy giờ, thậm chí vung tiền không tiếc tay.
Do đó chẳng mấy chốc, số tiền trúng số đội nón ra đi. Anh H. phải quay về cuộc sống của người nghèo, đi nhặt ve chai kiếm đồng tiền lẻ. Lúc này người dân trong vùng không khỏi tiếc nuối và cho rằng đó là hậu vận sau khi trúng số.
Khi lấy chị Phượng, anh H. chẳng có tiền bạc gì, tài sản chỉ có một căn nhà cấp 4 nằm sâu trong hẻm. “Năm 2004, tôi sinh con trai, gánh nặng cơm áo đổ dồn lên đôi vai của tôi. Còn anh bán vé số và nhặt ve chai không đủ ăn nên quyết định chuyển qua chạy xe ôm. Thương chồng, tôi chạy khắp nơi vay mượn mua cho anh chiếc xe cũ để làm nghề. Nhưng từ đó anh bắt đầu đổ đốn, rơi vào con đường rượu chè", chị Phượng kể.
Người đàn ông chạy xe ôm không có tiền, sáng chiều đều say khướt. Anh còn lấy giấy tờ xe cầm cố vay tiền mua rượu uống, xe mất trộm lúc nào cũng không hay. Sau đó, anh nghiện rượu từ lúc nào chẳng hay.
Dần dần, anh H có triệu chứng nhớ nhớ quên quên, không tỉnh táo. Chị Phượng tính đưa chồng vào bệnh viện để điều trị nhưng không có tiền. Sau này, anh còn mắc chứng tâm thần, hay đi lung tung. Vì thế trước khi đi làm, chị buộc phải dùng xích khóa chân lại.
“Hàng xóm nói trước khi trúng số, anh rất hiền lành, không khi nào rượu chè. Nhưng kể từ khi trúng số, anh ấy tập tành ăn chơi, nhậu nhẹt, rồi chết cũng vì rượu. Hôm đó, tôi đi làm về thì thấy anh nằm bất tỉnh trước cửa nhà liền đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã muộn.
Bác sĩ nói anh ấy bị tai biến nhưng phát hiện trễ, không cứu được. Cuối cùng chỉ còn mẹ con tôi nương tựa vào nhau", chị xót xa.