Người đàn ông sợ nước, sợ gió sau 3 tháng bị chó cắn

Sau khi bị con chó nhà nuôi cắn nhưng không tiêm vaccine, 3 tháng sau, người đàn ông xuất hiện triệu chứng sợ nước, sợ gió.

 Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Ảnh: Shutterstock.

Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Ảnh: Shutterstock.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Thuận cho biết bệnh nhân là nam, sinh năm 1977, cư trú tại xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc. Trước đó, vào ngày 25/1, người đàn ông bị con chó hai tháng tuổi nhà nuôi cắn nhưng không được sơ cứu đúng cách. Người bệnh cũng không tiêm vaccine phòng dại. Đến ngày 22/3, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, đau họng, mệt mỏi, khó thở, sau đó lên cơn kích động, sợ nước, sợ gió.

Người bệnh được đưa đi nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, sau đó chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Đến ngày 26/3, gia đình xin đưa bệnh nhân về nhà. Một ngày sau, ông qua đời.

Trước đó, vào ngày 3/2, địa phương này cũng ghi nhận trường hợp người đàn ông 52 tuổi (xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc) không qua khỏi do nghi mắc bệnh dại.

Khoảng ba tuần trước khi phát bệnh, ông bị chó cắn nhưng không tiêm vaccine phòng dại. Sau khi nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như kích thích, la hét, sợ nước, không uống được, sợ ánh sáng, nuốt nghẹn, đau đầu. Đến ngày 31/1, gia đình xin đưa bệnh nhân về nhà. Khoảng 3 ngày sau, ông qua đời.

Theo báo cáo từ Viện Pasteur TP.HCM, trong năm 2024, cả nước ghi nhận 89 trường hợp không qua khỏi do bệnh dại tại 34/63 tỉnh thành. Tới nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người nhiễm virus dại khi đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng thì tỷ lệ không qua khỏi gần như 100%.

Các bác sĩ khuyến cáo để phòng bệnh dại cho bản thân và cộng đồng, người dân cần chủ động thực hiện các khuyến cáo như sau:

Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ cho tất cả chó, mèo và tiêm nhắc lại theo khuyến cáo của ngành thú y.
Không đùa nghịch, chọc phá chó mèo; tránh tiếp xúc với chó, mèo có biểu hiện bất thường, nhất là với trẻ em.
Hạn chế việc buôn bán, giết mổ chó, mèo để giảm nguy cơ, rủi ro tiếp xúc trực tiếp với virus dại từ chó, mèo.
Trường hợp có nguy cơ mắc bệnh dại, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám, tư vấn và xử lý kịp thời.

Khi bị chó, mèo cắn, người dân nên xử trí theo các bước sau:

Vệ sinh và khử trùng vết thương: Rửa vết thương ngay lập tức bằng xà phòng dưới vòi nước chảy trong 15 phút. Nếu không có xà phòng, rửa vết thương bằng nước, sau đó sát trùng bằng cồn 70% hoặc thuốc sát khuẩn. Không băng kín và hạn chế làm dập vết thương.
Tiêm vaccine phòng bệnh dại và/hoặc huyết thanh kháng dại ngay sau khi bị chó hoặc mèo cắn. Để vaccine phòng bệnh dại có hiệu quả cần tiêm đầy đủ trong thời gian ủ bệnh, trước khi các triệu chứng xuất hiện theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Tuyệt đối không tự điều trị bằng các biện pháp dân gian.

Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nguoi-dan-ong-so-nuoc-so-gio-sau-3-thang-bi-cho-can-post1542093.html
Zalo