Người đàn ông mũ xanh đứng sau 'đế chế' tin tức xa xỉ
Từ một tay ngang đam mê thời trang, Beka Gvishiani (Pháp) đã xây dựng kênh tin tức thời trang được săn đón bậc nhất trên Instagram.
![Gvishiani, từ một “tay ngang” đam mê thời trang, nay đã ngồi hàng ghế đầu các show diễn lớn. Ảnh: Tung Walsh/WSJ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_119_51431258/f5175f0665488c16d559.jpg)
Gvishiani, từ một “tay ngang” đam mê thời trang, nay đã ngồi hàng ghế đầu các show diễn lớn. Ảnh: Tung Walsh/WSJ.
Từng là một cậu bé mê mẩn những thương hiệu phương Tây tại cửa hàng tạp hóa của bố mẹ ở Georgia, Beka Gvishiani (33 tuổi) giờ đây đã trở thành cái tên có sức nặng trong làng thời trang toàn cầu.
Sự ám ảnh với “branding, logo, logo, logo” từ thuở nhỏ đã giúp anh xây dựng Style Not Com. Đây là tài khoản Instagram chuyên cập nhật tin tức thời trang theo cách riêng, từng chỉ đưa những góc nhìn bên lề, hiện đã trở thành “đế chế” truyền thông đang trên đà phát triển, theo Wall Street Jounal.
'Ông trùm' đội mũ xanh
Ra mắt vào năm 2021, Style Not Com nhanh chóng gây chú ý với phong cách đơn giản: dòng chữ trắng trên nền xanh dương, đưa tin thời trang theo thời gian thực. Một trong những bài đăng từng làn truyền mạnh mẽ nhất là theo dõi sự trễ giờ của show Dolce & Gabbana.
Tên tài khoản được lấy cảm hứng từ trang tin Style.com (thuộc tập đoàn truyền thông Condé Nast, nay đã đóng cửa), còn màu xanh dương là dấu ấn của cửa hàng concept Colette ở Paris (Pháp). Cùng với đó, chiếc mũ lưỡi trai xanh, gần như không rời khỏi đầu Gvishiani, cũng trở thành thương hiệu cá nhân.
![Chiếc mũ huyền thoại của Beka Gvishiani từng được nhiều người hỏi mua. Ảnh: Zara.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_119_51431258/e42d463c7c72952ccc63.jpg)
Chiếc mũ huyền thoại của Beka Gvishiani từng được nhiều người hỏi mua. Ảnh: Zara.
Hiện tại, Style Not Com có hơn 450.000 lượt theo dõi, trở thành nguồn tin quan trọng với giới mộ điệu và thu hút doanh thu quảng cáo đáng mơ ước.
Từ một “tay ngang” đam mê thời trang, chàng trai 33 tuổi hiện sinh sống tại Pháp nay đã ngồi hàng ghế đầu các show diễn lớn. Anh còn lấn sân sang thiết kế với bộ sưu tập hợp tác đầu tiên cùng Zara, gồm túi tote, áo thun, hoodie và mũ lưỡi trai.
Một trong những món đồ thú vị nhất là chiếc mũ với dòng chữ “No, I’m Not Selling My Cap” (tạm dịch: "Không, tôi không bán mũ của mình") lời đáp quen thuộc của Gvishiani trước những câu hỏi về chiếc mũ xanh đặc trưng của anh. Giờ đây, anh thực sự bán nó.
Gvishiani tiết lộ rằng anh từng nhận được nhiều lời đề nghị hợp tác từ trước nhưng chưa sẵn sàng.
![Style Not Com nhanh chóng trở thành nguồn tin thời trang đáng tin cậy với gần 450.000 lượt theo dõi. Ảnh: Style Not Com/IG.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_119_51431258/ec424d53771d9e43c70c.jpg)
Style Not Com nhanh chóng trở thành nguồn tin thời trang đáng tin cậy với gần 450.000 lượt theo dõi. Ảnh: Style Not Com/IG.
“Mọi người cứ hỏi: ‘Có muốn làm merch không? Có muốn bán mũ không? Có muốn ra mắt áo hoodie không?’ Tôi chỉ nghĩ: ‘Từ từ đã, để tôi tập trung vào những gì mình đang làm", anh nói.
Tuy nhiên, khi Zara ngỏ lời vào cuối tháng 10 năm ngoái, anh cảm thấy đã đến thời điểm thích hợp. Và như vậy, từ một người quan sát bên lề, Gvishiani đã chính thức trở thành một phần của cuộc chơi thời trang.
Quyết định hợp tác cùng Zara là một phần trong chiến lược phát triển ngày càng bài bản của Style Not Com. Trước đó, anh đã ký hợp đồng với CAA Fashion (bộ phận chuyên về thời trang của agency CAA có trụ sở tại Mỹ) để mở rộng cơ hội kinh doanh và làm việc dưới sự quản lý của Hassan Pierre, nhân vật quyền lực trong làng thời trang, điều hành công ty tư vấn Shado Ventures từ Paris và Miami (Mỹ).
Tuy nhiên, phần lớn các cơ hội vẫn đến từ chính Gvishiani, người luôn xuất hiện tại các sự kiện thời trang với chiếc mũ xanh đặc trưng, cắm cúi gõ tin tức trên điện thoại.
Cỗ máy kiếm tiền
Style Not Com giờ đây được xem là “Thụy Sĩ của làng tin tức thời trang”, cung cấp thông tin trung lập, kiểm chứng kỹ lương nhưng không thiếu sự hóm hỉnh.
Trang Instagram màu xanh này không chỉ là kênh tin tức thời trang mà còn là một doanh nghiệp sinh lời với các nguồn thu từ quảng cáo, hợp tác thương hiệu, tư vấn và sự kiện. Khoảng 20-30% bài đăng là nội dung tài trợ, với mức giá dao động 15.000-50.000 USD mỗi bài. Nhờ đăng ký doanh nghiệp tại Georgia, Gvishiani không bắt buộc gắn nhãn quảng cáo như ở Mỹ và châu Âu, nhưng anh vẫn minh bạch khi thương hiệu yêu cầu.
Một trong những khoảnh khắc thời trang đáng nhớ nhất với anh chính là show Chanel Thu/Đông 2014. Tại đây, nhà thiết kế vĩ đại Karl Lagerfeld biến công trình kiến trúc Grand Palais tại Paris thành một siêu thị giả tưởng ngập tràn sản phẩm mang logo Chanel.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_119_51431258/bb3a1f2b2565cc3b9574.jpg)
![Beka Gvishiani luôn xuất hiện cùng chiếc mũ xanh đặc trưng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_119_51431258/23ec86fdbcb355ed0ca2.jpg)
Beka Gvishiani luôn xuất hiện cùng chiếc mũ xanh đặc trưng.
Cuối năm 2023, Style Not Com mở tài khoản trên mạng xã hội Trung Quốc Xiaohongshu, nhân sự kiện show Chanel ở Hàng Châu (Trung Quốc). Hassan Pierre nhấn mạnh Trung Quốc sẽ là thị trường quan trọng trong kế hoạch mở rộng thương hiệu, song song với việc phát triển podcast và kênh YouTube.
Để bắt kịp nhịp độ phát triển, Gvishiani dành trung bình 8 giờ/ngày cập nhật tin tức, tăng lên 10 giờ vào mùa fashion week. Anh từng thử "cai nghiện kỹ thuật số" nhưng phải tạm dừng khi Matthieu Blazy được công bố là Giám đốc Sáng tạo mới của Chanel.
“Tối hôm đó, tôi không có thời gian để detox”, anh nói đùa.