Người đàn ông đưa nghề dệt thổ cẩm thăng hoa

Những tưởng dệt thổ cẩm chỉ dành cho phụ nữ, nhưng một người đàn ông ở Hướng Hóa (Quảng Trị) đã dành gần 30 năm tìm tòi, nghiên cứu, giữ lại nghề dệt thổ cẩm của bà con Vân Kiều. Trước sự mai một của thổ cẩm, người đàn ông này biết dệt thành thạo đã đi từng bản làng để truyền dạy cho nhiều người.

Để làm ra một bộ trang phục truyền thống, ông Hồ Văn Hồi phải mất nhiều tháng trời mới hoàn thành. Ảnh: Tiêu Dao

Để làm ra một bộ trang phục truyền thống, ông Hồ Văn Hồi phải mất nhiều tháng trời mới hoàn thành. Ảnh: Tiêu Dao

Miệt mài giữ nghề

Đã từng nghĩ sẽ chẳng bao giờ vướng vào gấm hoa thổ cẩm, vậy mà chẳng biết mạch ngầm run rủi nào khiến người đàn ông 53 tuổi này trở thành nghệ nhân thổ cẩm. Bây giờ, người Vân Kiều biết những cách thức dệt thổ cẩm của cha ông chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Và hơn thế nữa, ông chính là người ít ỏi còn lại đi khắp các vùng miền Tây Quảng Trị để dạy đồng bào mình cách dệt thổ cẩm. Đôi tay vốn chỉ quen việc nương rẫy, con mắt vốn chỉ quen nhìn cây trái lớn lên, ấy vậy mà nghệ nhân Hồ Văn Hồi (bản Pa Nho, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) lại trở thành một nghệ nhân dệt thổ cẩm hiếm hoi còn lại của người Vân Kiều.

Nhiều năm qua, khi nền kinh tế thị trường đã khiến nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô dần mai một, hình ảnh người dân bên khung cửi dệt thổ cẩm đã trở nên xa lạ với nhiều người. Thế nhưng, tại bản Pa Nho, ông Hồi vẫn âm thầm ngày đêm miệt mài bên khung cửi nhằm gìn giữ nghề truyền thống của đồng bào mình. Sinh ra và lớn lên ở đại ngàn Trường Sơn, nơi có nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Vân Kiều, ông thấy tiếc khi đồng bào mình đang dần nhạt những giá trị văn hóa dân tộc, mà thổ cẩm là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất.

“Ngày trước, khi khá nhiều người trong xã biết dệt thổ cẩm, áo quần, khăn váy đều do bàn tay khéo léo của nghệ nhân trong bản làm ra. Đến giờ, mỗi lần ngồi nhớ lại tiếng khung cửi lách cách, mùi thơm của tấm thổ cẩm vừa dệt xong, mình vẫn thấy bồi hồi. Rồi cuộc sống hối hả khiến không ai mê cái công việc tỉ mỉ này nữa!” - ông Hồi cảm thán.

Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự tích lũy kinh nghiệm. Ngay cả với nghệ nhân Hồ Văn Hồi cũng mất gần 10 năm mới thuần thục tay nghề. Tiếng khung cửi lách cách là thanh âm vui tươi báo hiệu giấc mơ hồi sinh nghề dệt thổ cẩm ở Hướng Hóa nay đã trở thành hiện thực.

Mở hướng đi cho thổ cẩm

Trong tâm trí, trái tim của người đàn ông này, khát khao góp sức bảo tồn, phát huy nét văn hóa tốt đẹp của người Vân Kiều dường như chưa bao giờ vơi cạn. “Tôi rồi sẽ về với đất như bao người Vân Kiều khác, nhưng tấm áo thổ cẩm của đồng bào tôi sẽ còn mãi” - ông Hồi chia sẻ.

Tuy nhiên, ông hiểu sâu sắc rằng, để giúp nghề dệt thổ cẩm sống được, điều cần thiết và quan trọng nhất chính là tìm đầu ra cho sản phẩm truyền thống. Không muốn nghề dệt thổ cẩm bị mai một, thời gian qua, ông Hồi cùng nhiều người Vân Kiều, Pa Kô ở miền Tây Quảng Trị sau khi học được nghề dệt thổ cẩm, đã sử dụng những cách làm mới để quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm. Ông đã thử nghiệm nhiều cách, trong đó, đưa sản phẩm mà mình làm ra lên mạng xã hội và thu hút sự quan tâm của nhiều người. Từ đây, các đơn hàng đến với ông và những người thợ dệt khác ngày càng nhiều.

Sau khi mua trang phục thổ cẩm, thấy sản phẩm đảm bảo chất lượng, cầu kỳ, đẹp mắt, phần lớn khách hàng đã quay trở lại. Họ chấp nhận bỏ ra số tiền lớn hơn để có những thiết kế như mình mong muốn. “Phụ nữ dệt đã khó, nam giới như tôi càng khó hơn, nhưng không vì vậy mà tôi nản, bỏ giữa chừng. Ngược lại, càng khó, tôi càng cố gắng, làm ra một sản phẩm thì tinh thần lại được nhân lên gấp bội. Từ ngày đưa sản phẩm được giới thiệu lên mạng xã hội, tôi phải thu xếp nhiều thời gian mới hoàn thành đủ và kịp tiến độ giao các đơn hàng. Dù giá một bộ thổ cẩm khá cao, dao động từ 600 nghìn đến gần 1 triệu đồng nhưng họ vẫn không chần chừ đặt mua. Trung bình mỗi tháng, tôi đưa vài chục bộ thổ cẩm đến tay khách hàng. Nếu có chính sách đầu tư hợp lý của Nhà nước, nghề dệt thổ cẩm mới thu hút được nhiều nghệ nhân, nhất là những người trẻ” - ông Hồi cho biết.

Để giữ cho thổ cẩm của đồng bào mình được lưu truyền, ông Hồi đã dành nhiều thời gian đi qua nhiều bản làng của 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa để dạy nghề dệt thổ cẩm cho bà con dân bản. Ông muốn truyền đam mê và chứng minh cho phụ nữ thấy, nam giới làm được thì nữ giới chắc chắn sẽ làm được. Cũng từ đó, nhiều năm nay, dệt thổ cẩm đã ăn sâu, bám rễ vào suy nghĩ của nhiều người như chính đứa con tinh thần được ông nuôi nấng, chăm chút mỗi ngày.

Không chỉ giỏi nghề dệt, ông Hồi còn là một tay chơi các loại nhạc cụ dân tộc cự phách. Ông cùng với nhiều người già khác thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy kỹ năng biểu diễn cồng chiêng cũng như các loại nhạc cụ, điệu múa truyền thống phục vụ biểu diễn cồng chiêng; tạo môi trường giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các câu lạc bộ văn nghệ truyền thống. Qua đó, từng bước khôi phục và hạn chế sự mai một của nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô.

“Hiện nay, ngành văn hóa đang nỗ lực khôi phục và bảo tồn dệt thổ cẩm của người Vân Kiều. Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức mời những nghệ nhân lớn tuổi để truyền dạy cho các học viên trẻ. Để gìn giữ và phát triển vốn văn hóa tốt đẹp của dân tộc, ông Hồ Văn Hồi đã nỗ lực trao truyền cho thế hệ trẻ với mong ước gìn giữ giá trị văn hóa cho muôn đời sau” - ông Nguyễn Hưng, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hướng Hóa cho biết.

Tiêu Dao

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguoi-dan-ong-dua-nghe-det-tho-cam-thang-hoa-post477857.html
Zalo