Người đàn ông để rắn cắn hơn 200 lần, tự tạo thuốc giải độc từ chính máu của mình

Một người đàn ông ở Mỹ đã để rắn cắn hơn 200 lần và tự tiêm hơn 700 liều nọc độc nhằm tạo miễn dịch. Kết quả, máu của ông có thể giúp phát triển thuốc giải độc phổ quát, mở ra hy vọng cứu sống hàng triệu người bị rắn độc cắn mỗi năm.

Trong khi hầu hết mọi người luôn tìm cách tránh xa nọc độc rắn, Tim Friede lại tình nguyện để rắn cắn hơn 200 lần và tự tiêm hơn 700 liều hỗn hợp nọc rắn trong suốt 20 năm qua. Kết quả là máu của ông hiện có thể nắm giữ chìa khóa cho một bước đột phá y học: một loại thuốc giải độc phổ quát có tiềm năng cứu sống từ 1,8 đến 2,7 triệu người bị rắn độc cắn mỗi năm.

Mọi chuyện bắt đầu từ bộ sưu tập rắn cá nhân và mong muốn bảo vệ chính mình khỏi nguy hiểm. Bị thôi thúc bởi sự tò mò và đam mê, Friede ban đầu ghi hình thí nghiệm của mình trên YouTube, bắt đầu với liều nhỏ và tăng dần lượng nọc rắn tiêm vào cơ thể, thậm chí để rắn cắn trực tiếp nhằm xây dựng khả năng miễn dịch. “Lúc đầu, tôi rất sợ,” ông chia sẻ với NBC News. “Nhưng bạn càng làm nhiều, bạn càng giỏi, bạn càng trở nên bình tĩnh hơn.”

Tim Friede

Tim Friede

Với thời gian, Friede dần kháng được nhiều loại c. Khi khả năng miễn dịch trở nên đáng kể, ông bắt đầu liên hệ với giới khoa học để tìm kiếm cơ hội nghiên cứu máu của mình. Dù cách làm của Friede không được khuyến khích trong y học, nhưng nó đã thu hút sự chú ý của Tiến sĩ Jacob Glanville – Giám đốc điều hành công ty công nghệ sinh học Centivax – và Giáo sư Peter Kwong, chuyên gia nghiên cứu vắc-xin cấu trúc tại Đại học Columbia. “Chúng tôi có một cá nhân rất đặc biệt với những kháng thể tuyệt vời mà anh ấy đã tạo ra trong hơn 18 năm,” Giáo sư Kwong cho biết.

Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Cell, nhóm của Tiến sĩ Glanville xác định được hai loại kháng thể trong máu của Friede có khả năng trung hòa nhiều loại nọc rắn khác nhau. Mặc dù nghiên cứu này vẫn đang ở giai đoạn đầu và mới được thử nghiệm trên chuột, các nhà khoa học kỳ vọng đây có thể là nền tảng cho một loại thuốc giải độc rộng rãi trong tương lai.

Theo thống kê, mỗi năm có hơn 100.000 ca tử vong do rắn độc cắn, cùng hàng trăm nghìn trường hợp bị liệt hoặc cụt chi. Vì vậy, phát hiện này mang đến hy vọng lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng cần nhiều năm thử nghiệm nữa trước khi thuốc có thể được áp dụng cho người. Hiện tại, loại thuốc đang thử nghiệm có hiệu quả đối với các loài rắn sử dụng độc thần kinh như rắn mamba và rắn hổ mang, nhưng chưa hiệu quả với các loài rắn sử dụng độc máu như rắn chuông.

Dù vậy, đây vẫn được xem là bước tiến lớn, bởi độc tố trong nọc rắn thay đổi đáng kể tùy theo loài. Việc phát triển một loại thuốc giải độc có thể chống lại nhiều loại nọc độc sẽ là thành tựu mang tính đột phá trong y học cứu người.

Giáo sư Kwong hy vọng trong tương lai, họ có thể phát triển một loại thuốc giải độc bao phủ tất cả các loài rắn hoặc ít nhất là hai loại thuốc có thể kháng độc của cả hai nhóm rắn chính. “Tôi nghĩ rằng trong 10 hoặc 15 năm tới, chúng ta sẽ có thứ gì đó hiệu quả chống lại từng loại độc tố đó,” ông nhận định.

Về phần mình, Tim Friede – hiện là Giám đốc khoa học về bò sát của Centivax – cho biết những kết quả này là minh chứng cho mục tiêu mà ông luôn theo đuổi. “Tôi chỉ tiếp tục thúc đẩy, thúc đẩy và thúc đẩy hết sức có thể,” ông nói, “vì những người ở cách tôi 8.000 dặm đang chết vì rắn cắn.”

Bảo Ngọc (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/nguoi-dan-ong-de-ran-can-hon-200-lan-tu-tao-thuoc-giai-doc-tu-chinh-mau-cua-minh/20250521084934035
Zalo