Người đàn ông cần mẫn dựng bờ xe nước sông Trà
Bờ xe nước sông Trà - biểu tượng độc đáo của người dân xứ Quảng vẫn được ông Mai Văn Quýt (78 tuổi, ngụ thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) cần mẫn tái hiện.
Bờ xe nước sông Trà từng là những công trình cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và được coi là biểu tượng của tỉnh Quảng Ngãi trong những năm giữa thế kỷ XX. Nhưng rồi cách đây hơn 30 năm, bờ xe nước đã bị thay thế bằng những công trình thủy lợi hiện đại hơn.
Tuổi thơ của ông Quýt gắn liền với những vòng quay của bờ xe nước ở sông Trà nên khi bờ xe bị xóa bỏ, ông cảm thấy hụt hẫng, tiếc nuối vô cùng. Chính vì vậy, ngày ngày ông lặng lẽ phục dựng lại mô hình những bánh xe nước - dấu tích xưa bên dòng sông Trà.
Theo ông Quýt, trước đây, ở sông Trà mỗi bờ có khoảng 10 - 12 bánh xe nước. Tính từ mặt nước lên bờ thì cao 12m, dài 20m được làm từ hàng ngàn cây tre già cùng nhiều loại dây rừng. Tháng 2 hằng năm bờ xe bắt đầu đưa nước từ sông lên bờ, đến tháng 9 thì tháo dỡ để vừa tu sửa vừa tránh bị lũ cuốn trôi.
Việc xây dựng bờ xe không khó, mà cái khó nhất là chọn được địa điểm và xây dựng bờ cừ. Bờ cừ phải xây theo hình chữ V, làm sao nước được dẫn dồn về một chỗ hẹp để tạo dòng chảy mạnh. Ngay tại điểm nước chảy mạnh sẽ đặt bờ xe.
Xung quanh mỗi bánh xe được buộc hàng trăm ống tre, đặt nghiêng một góc, sao cho khi bánh xe quay xuống nước, các ống tre này đong đầy nước. Lực chảy của nước do việc đắp bờ cừ sẽ đẩy bánh xe tiếp tục quay tròn, đưa ống nước lên cao và trút ra máng, dẫn nước về đồng.
“Đó là thực tế xưa kia, còn bây giờ tôi làm những mô hình bờ xe nước thu nhỏ, chủ yếu đường kính từ 2 - 4m, mỗi bờ xe có từ 2 - 4 bánh. Đối tượng mà tôi hướng đến khi làm mô hình bờ xe nước thu nhỏ này là các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê… vì những nơi này thường cần những thứ độc, lạ để trang trí”, ông Quýt cho biết.
Trước đây, các vật liệu chưa có nên phần lớn bờ xe được buộc bằng dây rừng. Còn bây giờ, ông Quýt làm mô hình thì bằng dây kẽm, dây đồng, cước để kết các chi tiết bằng tre của bánh xe nước lại với nhau, rồi phủ thêm lớp sơn bên ngoài nhằm tăng tuổi thọ. Công đoạn khó nhất khi làm một bánh xe nước là làm bánh cho cân bằng để khi vận hành không bị lỗi, quay vòng được trơn tru.
“Tôi làm cái nhỏ nhất cũng mất gần nửa tháng mới xong. Vậy nên có người mua thì có thu nhập, mà không có người mua thì để ngắm cũng vui. Mục đích chính khi tôi làm mô hình bờ xe nước thu nhỏ này là muốn lưu giữ lại hình ảnh một thời của bờ xe nước trên sông Trà, chứ không phải vì kinh tế”, ông Quýt chia sẻ.