Người dân mong sớm triển khai đề án cho thuê vỉa hè
So với việc để người dân, hộ kinh doanh tự do lấn chiếm, việc triển khai cho thuê vỉa hè với những quy định về khai thác không gian, diện tích… là giải pháp được lợi nhiều mặt.
Từ năm 2023, thành phố Hà Nội đã có yêu cầu nghiên cứu để mở rộng thí điểm cho thuê vỉa hè. Đến cuối năm 2024 vừa qua, Sở Xây dựng thành phố cũng đã hoàn thành dự thảo lần ba đối với đề án quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn Thủ đô. Song đến thời điểm này, đề án vẫn chưa triển khai.
Rõ ràng, việc tính toán cẩn trọng trong việc đưa không gian giao thông vào khai thác kinh doanh và quản lý về sau là cần thiết. Trong khi đó, nếu không triển khai đề án, vỉa hè vẫn bị lấn chiếm. Do vậy, nhiều ý kiến mong muốn, cần sớm triển khai đề án nhưng đồng thời, cần rõ ràng các tiêu chí khai thác và quản lý sao cho hiệu quả.
Ở các quận nội đô, nhất là địa bàn trung tâm Hà Nội, mỗi mét vuông vỉa hè đều gắn liền với nguồn lợi kinh tế. Bởi vậy, tình trạng lấn chiếm để kinh doanh, buôn bán hoặc khai thác bừa bãi vẫn ngang nhiên diễn ra. Không gian chung biến thành diện tích riêng và thiếu sự quản lý đồng bộ; còn người dân và hộ kinh doanh thì cứ mạnh ai nấy làm.
Anh Đặng Anh Tuấn (phường Quang Trung, Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) bày tỏ: “Họ bán đồ rất là chật chội và họ chiếm hết vỉa hè luôn nên người đi bộ không thể đi trên vỉa hè, phải đi dưới mép đường, thậm chí lòng đường. Điều này khiến cho việc đi lại rất nguy hiểm và có thể xảy ra tai nạn”.
So với việc để người dân, hộ kinh doanh tự do lấn chiếm, việc triển khai cho thuê vỉa hè với những quy định về khai thác không gian, diện tích… là giải pháp được lợi nhiều mặt. Như tại quận Hoàn Kiếm, không gian kinh doanh cà phê được thuê từ một phần vỉa hè trên tuyến phố Ngô Quyền là một ví dụ. Với giá thuê là 45.000 đồng/m²/tháng, việc cho thuê mang lại một phần nguồn thu cho địa phương, nhưng quan trọng hơn, nó giữ được không gian đi bộ, đồng thời, đảm bảo không gian, cảnh quan điểm kinh doanh hài hòa với vỉa hè, khu phố.
TS Nguyễn Xuân Thủy, Chuyên gia giao thông cho hay: “Cần phải đưa vào nề nếp để người dân ý thức được rằng, được ngồi đó là được cho phép, được trong phạm vi nào đó thôi chứ không thể tràn lan. Làm như vậy cũng để người dân nâng cao ý thức bảo vệ trật tự vỉa hè, không xả rác lung tung gây ô nhiễm môi trường và không gây ảnh hưởng giao thông”.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, qua khảo sát trên địa bàn thành phố, hiện có khoảng gần 240 tuyến phố đủ điều kiện, tiêu chí để áp cho thuê một phần vỉa hè. Cuối tháng 2 vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án về quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn.
Anh Nguyễn Huy, Quản lý Cửa hàng An Café Quang Trung (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Nếu đề án cho thuê vỉa hè sớm được triển khai thì chúng tôi có căn cứ để bỏ chi phí đầu tư, nâng cấp không gian vỉa hè cho hợp pháp để kinh doanh. Nhu cầu là có bởi khai thác tạm là vi phạm, không ổn định… nên mong sớm có đề án để thuê được vỉa hè”.
Để đảm bảo chặt chẽ trong khâu khai thác và quản lý vỉa hè về sau này, hiện Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan đang rà soát, đánh giá kỹ lưỡng và tham vấn các chuyên gia giao thông, đô thị… nhằm hoàn thiện đề án về quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn, trong đó, có tham khảo, rút kinh nghiệm từ việc triển khai cho thuê vỉa hè của TP.HCM.