Người dân miền núi nhờ nền tảng số kéo khách cho homestay, gia tăng sinh kế

Nhờ sự nhanh nhạy, thức thời, những người trẻ ở xã miền núi Long Cốc, huyện Tân Sơn, Phú Thọ đã tận dụng mạng internet và các nền tảng số để phát triển kinh tế, làm homestay.

Nằm ở vùng miền núi còn nhiều khó khăn, xã Long Cốc không phải là địa phương có truyền thống làm du lịch. Tuy nhiên, khoảng từ năm 2019 đến nay, Long Cốc được biết đến như là một điểm đến mới mẻ với hình ảnh của những đồi chè bát ngát trong mây và sương, được coi là điểm check-in lý tưởng vào lúc bình minh và hoàng hôn. Các dịch vụ du lịch, dù chưa phát triển tập trung, nhưng cũng đã dần hình thành trong những năm qua. Đặc biệt, với sự phát triển của mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử, một số người dân tại đây đã nhạy bén tận dụng công nghệ để đưa dịch vụ lưu trú homestay vào hoạt động.

Chị Thu Hương, xã Long Cốc đi đầu trong phong trào làm homestay tại địa bàn.

Chị Thu Hương, xã Long Cốc đi đầu trong phong trào làm homestay tại địa bàn.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết ngay từ khi phát triển mô hình lưu trú homestay, chị đã sử dụng đến các nền tảng số, các sàn thương mại để phát triển việc kinh doanh của gia đình: “Tôi đã dùng các trang mạng xã hội như Facebook để quảng bá homestay của gia đình, nhận được nhiều lượt like và bình luận”.

Là những người đầu tiên phát triển kinh doanh homestay tại xã Long Cốc, một xã miền núi còn nhiều khó khăn, chị Hương ý thức được việc để du khách biết đến dịch vụ của mình không phải là điều đơn giản.

Thanh niên vùng cao tận dụng mạng xã hội để quảng bá cho hoạt động kinh doanh.

Thanh niên vùng cao tận dụng mạng xã hội để quảng bá cho hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, nhờ sự nhanh nhạy, thức thời, chị đã sử dụng các nền tảng mạng xã hội cùng các trang kinh doanh chuyên biệt như Booking hay Agoda để giới thiệu, quảng bá và kinh doanh cho homestay gia đình. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, phải học dần về cách đăng bài, chụp ảnh, hay cách sử dụng các sàn cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến, đến nay, chị Hương đã tự tin trong việc sử dụng các nền tảng số để làm kinh doanh. Theo chia sẻ, cung cấp dịch vụ lưu trú cùng các hoạt động trải nghiệm dành cho khách du lịch đến với đồi chè Long Cốc đã giúp gia đình chị Hương có thêm thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng/tháng. Với một gia đình trẻ còn nhiều khó khăn, đây là một khoản thu nhập không hề nhỏ, giúp chị Hương cải thiện đời sống, có điều kiện để chăm lo cho con cái, cha mẹ.

Tương tự như chị Nguyễn Thị Thu Hương, anh Hà Văn Luận cũng kinh doanh homestay tại xóm Măng 1, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Sau nhiều khó khăn do còn thiếu kinh nghiệm, anh đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm và đến nay, được coi là một tấm gương tiêu biểu tại xã Long Cốc nói riêng và huyện Tân Sơn nói chung trong hoạt động kinh doanh homestay. Anh Luận hiện đang làm chủ và quản lý homestay với 7 phòng biệt lập và 1 nhà sàn cộng đồng có sức chứa 14 người.

Nhờ internet và các nền tảng xã hội, các sàn thương mại điện tử, người dân xã Long Cốc có thể quảng bá cho các dịch vụ của mình.

Nhờ internet và các nền tảng xã hội, các sàn thương mại điện tử, người dân xã Long Cốc có thể quảng bá cho các dịch vụ của mình.

Chàng thanh niên 27 tuổi cho biết, việc kinh doanh hiện nay khá thuận lợi, một phần là do anh đã sử dụng nền tảng Facebook, Tiktok, Zalo để quảng bá dịch vụ của mình. Do đó, nhiều khách du lịch phương xa, ở tận Quảng Ninh, Nghệ An… cũng đã tìm đến homestay của anh khi ghé thăm đồi chè Long Cốc. “Việc quảng bá homestay trở nên đơn giản hơn nhiều nhờ đến các nền tảng xã hội. Có những du khách từ miền Trung khi đến với đồi chè Long Cốc cũng biết đến homestay của tôi. Đó là nhờ những hoạt động quảng bá và tương tác với mọi người trên các nền tảng số phổ biến” – anh Luận chia sẻ.

Sự phát triển của mạng xã hội và các nền tảng số đã trở thành công cụ đắc lực cho người dân Long Cốc trong việc quảng bá các dịch vụ du lịch. Facebook, TikTok và Zalo không chỉ giúp kết nối với khách hàng mà còn tạo điều kiện để các chủ homestay tương tác, chia sẻ hình ảnh, video về cảnh đẹp thiên nhiên, các hoạt động trải nghiệm độc đáo tại đồi chè Long Cốc.

Ngoài ra, các sàn đặt phòng trực tuyến như Booking, Agoda cũng là cầu nối quan trọng để homestay tại Long Cốc tiếp cận với du khách quốc tế. Những đánh giá, bình luận tích cực trên các nền tảng này đã giúp các cơ sở lưu trú xây dựng uy tín, từ đó thu hút thêm nhiều khách hàng mới.

Tận dụng nền tảng số là một bước đi sáng tạo và thức thời của người dân xã Long Cốc trong việc phát triển kinh doanh homestay. Không chỉ cải thiện đời sống kinh tế, mô hình này còn góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, đưa vẻ đẹp của đồi chè Long Cốc đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Với sự hỗ trợ và định hướng đúng đắn, Long Cốc hứa hẹn sẽ trở thành điểm sáng trong bản đồ du lịch cộng đồng của Việt Nam.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-dan-mien-nui-nho-nen-tang-so-keo-khach-cho-homestay-gia-tang-sinh-ke-2348587.html
Zalo