Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc, ùn ùn trở về Hà Nội sau 9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ
Kết thúc 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, chiều ngày 2/2, người dân từ các tỉnh, thành ùn ùn đổ về Hà Nội khiến bến xe và cửa ngõ Thủ đô đông nghẹt.
Ngày 2/2 (tức ngày mùng 5 Tết Ất Tỵ) – ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025 kéo dài 9 ngày, người dân các tỉnh, thành bắt đầu ùn ùn đổ về Thủ đô.
Ghi nhận tại Bến xe Giáp Bát, xe khách các tỉnh thành từ Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình… nối đuôi nhau vào bến. Trên xe đông kín hành khách, đặc biệt là các tuyến xe khách từ huyện của các địa phương lên thành phố Hà Nội.
Tại khu vực trả khách trong Bến xe Giáp Bát, nhân viên bảo vệ hướng dẫn, phân luồng từng xe vào đúng vị trí để không gây ùn tắc. Mỗi khi xe dừng, khách vội vã xuống xe và lấy đồ đạc mang theo từ quê gồm valy, bánh kẹo, hoa quả…
Để gọn hành lý ngay chỗ ghế ngồi chờ, chị Phạm Thị Hòa (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) mệt nhoài sau hành trình từ nhà lên Thủ đô để chuẩn bị cho ngày làm việc năm mới vào ngày mai.
Sau bữa cơm trưa cùng gia đình, chị Hòa vội vã nhờ người thân chở ra đứng ngay ven đường Quốc lộ 1 để đón xe. Chừng vài phút, xe khách liên tục vào mời chào, tuy nhiên, ngó qua cửa lên xuống, hành khách ngồi kín cả lối lên xe khiến chị lắc đầu và chờ xe sau.
“Có tới 3 ôtô chở khách đi qua nhưng xe nào cũng đông nghẹt khách. Lo ngại lên muộn sẽ tắc đường nên đành lên xe kế tiếp. Tuy nhiên, trong xe chỉ còn ghế ngồi phụ bằng thanh nhựa có đệm để khách ngồi giữa lối đi. Cứ đi được một lúc, nhà xe lại vẫy khách và ‘nhồi nhét’ khiến không khí trong xe ngột ngạt,” chị Hòa than thở.
Theo chị Hòa, không phải khách nào phụ xe cũng “chèo kéo” mà đa phần là những người có ít hành lý để có thể đón thêm được nhiều khách khác lên xe.
“Giá vé từ Ninh Bình hay Hà Nam lên Hà Nội đều là đồng hạng với mức 100.000 đồng. So với ngày thường, giá vé đắt hơn tới 20.000 chặng Ninh Bình và 30.000 hành trình từ Thanh Liêm lên Thủ đô,” chị Hòa nói.
Lo ngại xe đông nên ngay từ tối qua (ngày 1/2), anh Trần Nam Khánh (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đã điện thoại nhà xe chạy tuyến Bến xe Gia Lâm để đặt chỗ trước và cũng lên từ đầu tuyến nên có chỗ ngồi thoải mái. Nhiều hành khách cách đó chừng 20km cũng đã đặt chỗ nhưng lúc lên xe phải đành lòng ngồi ghế phụ do giữa đường có đông người lên.
“Tới thành phố Nam Định thì xe 35 chỗ đã thành 50 chỗ. Xe ken cứng hành khách với đồ đạc dưới chân khiến không thể duỗi hay có chỗ để và nếu ngồi lâu sẽ rất mệt mỏi. Ngày Tết, ai cũng muốn có chỗ để sớm lên Thủ đô để nghỉ ngơi nên không có nhiều lựa chọn,” anh Khánh chia sẻ.
So với ngày thường hành khách chỉ phải trả 100.000 đồng thì vào ngày Tết này giá vé tăng 20.000 đồng. Nếu ai thắc mắc thì phụ xe buông thõng câu: “Xe chạy ngày Tết nên khách thông cảm hoặc không đồng ý thì nhanh chóng mời xuống và đi xe sau.”
Khu vực xung quanh Bến xe Giáp Bát và Mỹ Đình giao thông thông thoáng, phương tiện nối đuôi nhau vào bến theo sự hướng dẫn của Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và nhân viên bến xe. Phía ngoài bến, lực lượng xe ôm và xe ôm công nghệ có mặt rất đông để mời gọi khách đi xe.
Đại diện Bến xe Giáp Bát cho biết trong ngày hôm nay, lượng khách đổ về bến rất đông, cao gấp 2 lần so với ngày thường và dàn trải nhiều khung giờ trong ngày nên không ùn tắc cục bộ. Khách đi xe chủ yếu là gia đình, người làm công sở. Riêng sinh viên các trường đại học vẫn còn ở quê nên không dồn tập trung như các đợt nghỉ lễ khác.
“Bến xe Giáp Bát cũng đã yêu cầu nhân viên túc trực quân số để đảm bảo hướng dẫn phân luồng, an ninh trật tự cho người dân trở về Thủ đô sau kỳ nghỉ Tết kéo dài. Có thể trong sáng ngày mai (ngày 3/2 tức ngày mùng 6 Tết Ất Tỵ) vẫn còn một lượng khách lên muộn,” lãnh đạo Bến xe Giáp Bát nhận định.
Phía khu vực cửa ngõ trước Bến xe Nước Ngầm, người dân đi xe máy lưu thông trên Quốc lộ 1A ùn ùn trở về thành phố Hà Nội. Dù lượng phương tiện đông, chủ xe đi theo hàng lối và chấp hành nghiêm Luật nên chỉ ùn ứ và không tắc nghẽn.
Tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, trong ngày hôm nay, dự kiến có 103.000 lượt khách (62.000 lượt khách quốc nội, 41.000 lượt khách quốc tế), trong đó chủ yếu là khách nội địa đi gần 36.000 lượt và 573 lượt chuyến bay trong ngày cuối của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Một số hình ảnh ghi nhận tại các bến xe và khu vực lối vào cửa ngõ Thủ đô vào chiều ngày 2/2: