Theo lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở là do bờ, bãi sông khu vực này là đất cát pha liên kết yếu; sau cơn bão số 3, mực nước sông Hồng lên cao làm đất ngậm nước bão hòa càng làm giảm sự liên kết của đất. Hiện nay, nước sông rút kéo theo phần đất, cát đã mất liên kết gây ra hiện tượng sạt lở trên.
Các vết nứt dọc phát triển rộng hơn, nguy cơ sạt lở tiếp tục phát triển và có khả năng tiếp tục ăn sâu và nhà dân.
Theo báo cáo của UBND xã Kim Lan tại thôn 4 của xã đã diễn ra hiện tượng sạt lở đất ven sông tại vị trí sạt lở tại K19+150, sạt lở đứng thành độ cao so vơi mặt nước khoảng 8m. Khu vực sạt lở ảnh hưởng đến 7 hộ dân, và đã thực hiện di dời 3 hộ với 20 nhân khẩu.
Chia sẻ với phóng viên Nhà báo và Công luận chị Đỗ Thị Trang Nhung (33 tuổi, thôn 4, xã Kim Lan) cho biết, sau 28 năm hiện tượng sạt lở lại xảy ra, không ai nghĩ đến.
"Nhà tôi bị sạt lở đợt 1 cách đây hơn 1 tháng (ngày 11/8). Phần đất sản xuất và khu vườn bị sạt ngay trong đêm, lúc đó một lán của gia đình bị cuốn xuống sông. Chúng tôi rất bàng hoàng, nghe hàng xóm gọi chạy ra thì thấy mọi thứ đã xuống rìa sông, mất hết. Lần sạt thứ 2 vào trưa ngày 13/9, sát căn nhà chính và một phần khu vườn. Lúc đó rất bất ngờ, tôi chứng kiến trực tiếp vụ sạt lở và nhanh chóng báo gia đình di chuyển tài sản. Mỗi lần sạt lở, diện tích bị cuốn trôi rất lớn, từ 5m đến 10m, tạo thành vòng xoáy." Chị Nhung chia sẻ.
Cũng theo chị Nhung, lần sạt thứ 3, sau ngày 13/9, tiếp tục lấn sâu đến phần cổng sau nhà. Mọi người đã mang sỉ và các vật liệu rắn ra kè, nhưng chỉ sau 1 tiếng, tất cả đã bị cuốn đi, hơn 100m² đất sạt lở. Đến hôm qua (27/9), hiện tượng sạt lở lại tiếp tục, dù chỉ một phần nhỏ. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa dừng lại và càng trở nên nguy hiểm khi mực nước rút xuống."
Người dân làng gốm cổ Kim Lan và những hộ dân sống ven sông Hồng rất mong các cấp chính quyền sớm có biện pháp khắc phục để họ có thể yên ổn sinh sống, an tâm làm việc và bảo vệ tính mạng trước tình trạng sạt lở nguy hiểm này.
Theo lãnh đạo huyện Gia Lâm, trong thời gian tới lực lượng chức năng sẽ tiến hành khảo sát bờ sông Hồng trên địa bàn toàn xã Kim Lan, từ đó đề xuất giải pháp lâu dài, ổn định cho người dân.
Đối với khu vực sạt lở tại thôn 4, lực lượng chức năng của huyện đã tổ chức dựng tôn quây kín khu vực sạt lở và gắn biển cảnh bảo không cho người người ra vào khu vực.
Clip: Người dân làng gốm Kim Lan lo sợ mất nhà, đất sản xuất khi bờ sông Hồng bị sạt lở
Bài ảnh: Mạnh Cường