Người dân không mổ lợn chết, ăn thịt tái, tiết canh để phòng bệnh liên cầu lợn
Ngày 3/12, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thông tin, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 32 tuổi (trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội) chuyển từ tuyến y tế cơ sở đến với chẩn đoán theo dõi sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Đình Thăng (Khoa Hồi sức tích cực), trước đó, bệnh nhân mổ một con lợn chết không rõ nguyên nhân. 5 giờ sau khi mổ lợn, bệnh nhân xuất hiện sốt rét run, mệt mỏi, kèm theo đau bụng, nôn nhiều.
Bệnh nhân được chỉ định vào Khoa Bệnh nhiệt đới điều trị trong tình trạng mệt mỏi, lơ mơ, khó thở, đau bụng vật vã và vẫn tiếp tục nôn. 2 giờ sau, bệnh nhân xuất hiện các ban xuất huyết hoại tử trên da tăng nhanh kèm theo suy hô hấp, tụt huyết áp, được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân bị phù toàn thân, nhiều ban xuất huyết hoại tử toàn thân và ở mặt, suy đa phủ tạng, tổn thương gan, thận, rối loạn đông máu…
Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn và được chỉ định lọc máu liên tục, kháng sinh phổ rộng liều cao, đồng thời can thiệp nhiều thủ thuật chuyên sâu khác. Kết quả cấy máu cho thấy, bệnh nhân dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus Suis).
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân xuất hiện biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tán huyết, hoại tử da… Bệnh nhân được điều trị tích cực trong 21 ngày, tình trạng sức khỏe cải thiện tốt. Hiện bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện.
Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Bình Tĩnh, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực cho biết, gần đây, bệnh viện tiếp nhận và điều trị các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn. Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nguy kịch, suy đa phủ tạng và rối loạn đông máu nghiêm trọng, có trường hợp tử vong do đưa đến viện muộn trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng nặng không hồi phục.
Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Bình Tĩnh khuyến cáo, người dân cần nấu chín kỹ thịt lợn; không giết mổ lợn bệnh, lợn chết không rõ nguyên nhân. Đồng thời không ăn món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn; sử dụng trang bị bảo hộ (găng tay) khi giết mổ, chế biến thịt lợn sống. Khi tiếp xúc với nguồn lây như lợn bệnh, sau khi ăn thức ăn có nguồn gốc từ lợn không đảm bảo vệ sinh mà xuất hiện triệu chứng bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế chuyên sâu gần nhất điều trị, hạn chế biến chứng.
Bệnh liên cầu khuẩn lợn do vi khuẩn Streptococcus Suis gây nên. Người có thể lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh hoặc sản phẩm từ lợn bệnh. Liên cầu lợn có thể lây truyền sang người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua tổn thương trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến, ăn thịt lợn hoặc tiết canh lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín.
Trên người, biểu hiện thường gặp nhất là viêm màng não mủ (95%) với biểu hiện thường gặp như, sốt, nhức đầu, nôn, cứng gáy, rối loạn tri giác; 68% trường hợp viêm màng não mủ có triệu chứng ù tai, điếc tai. Trường hợp nặng có thể tiến triển nhanh chóng thành nhiễm khuẩn huyết sốc nhiễm khuẩn, trụy mạch, tụt huyết áp, rối loạn đông máu nặng, ban xuất huyết hoại tử toàn thân, tắc mạch, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong.