Người dân Hà Quảng chật vật khắc phục hậu quả của cơn bão lịch sử
Bão số 3 càn quét gây ra khá nhiều thiệt hại trên địa bàn tỉnh, ở một số xã huyện Hà Quảng ngổn ngang đất, đá và cây cối, hoa màu và tài sản bị lũ cuốn sạch, nhiều ngôi nhà và công trình bị nhấn chìm trong nước và bùn đất. Vượt lên những khó khăn chồng chất, người dân các xã đang nỗ lực hết mình để sớm ổn định lại cuộc sống.
Thực tế cho thấy, huyện Hà Quảng là địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng do mưa lũ. Liên tiếp từ tháng 6 - 9/2024, các địa phương đã phải hứng chịu nhiều đợt ngập úng gây thiệt hại rất nặng nề. Vừa mới khắc phục được hậu quả ngập úng, nhân dân trở lại cuộc sống bình thường, tập trung phát triển kinh tế - xã hội thì lại tiếp tục bị ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Không thể kể hết những khó khăn vất vả của người dân vùng “rốn lũ” của huyện Hà Quảng phải gánh chịu. Đến ngày 13/9, xã Thanh Long là địa bàn vẫn đang chịu ngập úng nặng nề. Trong đó phải kể đến sự khó khăn khi tình trạng ngập úng ngập úng kéo dài trong nhiều ngày, một số xóm bị cô lập, người dân phải đối mặt với cảnh thiếu lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt, thuốc men, các yếu tố mất an toàn về điện do ngập nước, kéo theo đó là vấn đề môi trường bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng… Bên cạnh đó, địa bàn dân cư ở vùng cao lại rộng, dân thưa thớt, khi bị ngập lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, các tổ chức tiếp cận cứu trợ người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thanh Long Triệu Văn Hiến cho biết: Trên địa bàn xã tuy không có thương vong về người nhưng thiệt hại về tài sản là rất lớn, toàn xã có 7 xóm, với 452 hộ bị cô lập, đặc biệt đến ngày 13/9, tại xóm Thanh Sơn, nước sông dâng cao gây ngập lụt cho hầu hết các hộ dân khu vực sinh sống. Hơn 90 ha diện tích lúa, hoa màu bị ngập và gần như mất trắng. Trụ sở Công an xã ngập sâu khoảng 7 m. Hệ thống cột điện bị ngập, đổ gãy, mất mát trong mưa lũ, cuộc sống người dân phải mất một thời gian dài nữa mới khôi phục, ổn định được. Hiện xã vẫn đang tiếp tục rà soát lại tất cả các diện tích bị thiệt hại, các công trình giao thông, công trình thủy lợi, các kênh mương, cầu cống…để thống kê, tính toán phương án khắc phục. Tuy nhiên, trước mắt ưu tiên tập trung ổn định cuộc sống sinh hoạt cho người dân, phòng, chống dịch bệnh.
Trên nhiều tuyến sông tình hình mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp, mực nước vẫn đang ở mức cao. Lũ lên nhanh, khiến nhiều người dân sinh sống tại khu vực ven sông không kịp “trở tay” khi nước lũ về. Theo thống kê của huyện, đến nay trên địa bàn huyện ghi nhận có 221 nhà ngập, sạt lở, tốc mái; 13 xóm bị cô lập, gồm 603 hộ, ngập 6 trường học, 1 trạm y tế, 3 trụ sở cơ quan, 1 nhà văn hóa và 1 nhà điều hành điện lực, mực nước ngập sâu từ 1 - 2m; làm hư hại 241,66 ha lúa và hoa màu...
Trong phút chốc, bao nhiêu nhà cửa, sinh kế của người bị vùi lấp, cuốn trôi theo mưa lũ. Nhìn những giọt nước mắt rơi trên những gương mặt thất thần, tiều tụy vì những ngày gồng mình chống chọi với mưa lũ mà ai nấy đều cảm động. Nhìn những con số thiệt hại qua từng ngày lại dài thêm mà ai nấy lòng xót xa.
Tận mắt nhìn cảnh hoang tàn nơi đây mới thấy sức tàn phá khủng khiếp của cơn lũ. Ông Sầm Văn Hùng, xóm Hòa Chung (Ngọc Động) kể lại: Nhà bị nước ngập cao đến quá nửa người, nhiều góc tường trong nhà đã có dấu hiệu nứt, gia đình ông phải lên gác xép để ở, gia đình lại có cháu nhỏ, việc sinh hoạt rất khó khăn, ông phải gửi cháu sang trụ sở UBND xã nhờ các cán bộ xã chăm sóc, toàn bộ điện và nước đều mất, hiện ông và người dân trong xóm được hỗ trợ thêm mỳ tôm, bánh mì và nước sạch để sinh hoạt gần 1 tuần nay. Hiện nước đã rút, nhưng điện và nước sinh hoạt vẫn chưa có, việc khắc phục hậu quả rất khó khăn, gia đình mong muốn Nhà nước và các nhà hảo tâm hỗ trợ cho gia đình ông và người dân trong xã để sớm ổn định cuộc sống.
Ngay sau khi xảy ra bão lũ, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã huy động tại chỗ, lực lượng tham gia ứng cứu, giúp dân sơ tán người đến nơi an toàn, hỗ trợ vận chuyển đồ đạc lên cao, cung cấp các nhu yếu phẩm giúp người dân khắc phục khó khăn; lực lượng công an các xã, thị trấn bị ngập úng tổ chức ứng phó 100% quân số. Ban chỉ huy Quân sự huyện thành lập sở chỉ huy nhẹ tại thị trấn Thông Nông để tham gia lực lượng khắc phục hậu quả thiên tai tại xã Thanh Long, Lương Thông; triển khai khắc phục các sự cố sạt lở các tuyến giao thông, khôi phục hệ thống điện. Tuy nhiên, với khối lượng đất đá khổng lồ tại những nơi trận lũ đi qua, và nhiều nơi nước dâng cao, phương tiện máy móc không thể tiếp cận được mà chủ yếu là sức người nên phải mất rất nhiều thời gian để khắc phục.
Hiện một số địa phương nước đã rút, cấp ủy, chính quyền đã huy động lực lượng, phương tiện tại cơ sở giúp các hộ gia đình thu dọn hiện trường, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; tiếp tục kiểm tra, rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại trên địa bàn và báo cáo theo quy định.
Với tinh thần, “lá lành đùm lá rách”, người dân Hà Quảng đã nhận được sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của các đơn vị, nhà hảo tâm và mạnh thường quân trong cả nước ủng hộ, quyên góp các nhu yếu phẩm cho người dân. Các xã tiếp nhận, phân phối kịp thời lương thực, thực phẩm chuyển đến tận tay các hộ không chỉ ở vùng lũ mà các xóm khác trong xã đang bị cô lập, đảm bảo không để ai bị đói. Theo đó, trong 3 ngày qua có hàng tấn lương thực, thực phẩm, thuốc, đồ dùng thiết yếu… được hỗ trợ. Những nhu yếu phẩm này góp phần chia sẻ khó khăn với các gia đình bị thiệt hại nặng bởi thiên tai, giúp họ giảm bớt khó khăn, vượt qua những ngày báo lũ.
Những ngày cao điểm mưa lũ đã đi qua, song ảnh hưởng và thiệt hại của nó để lại còn khá nặng nề, bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp, rất cần sự chung tay chia sẻ của các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, để bà con vùng lũ ổn định về tinh thần và có điều kiện để tái sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.