Người dân gửi clip vi phạm giao thông để nhận thưởng bằng cách nào?

Theo Nghị định 176/2024/NĐ-CP, người dân phản ánh vi phạm giao thông có thể được thưởng tới 5 triệu đồng. Vậy, cá nhân gửi clip vi phạm giao thông bằng cách nào, clip gửi đi phải đảm bảo điều kiện gì?

Khoản 1 Điều 16 Nghị định 135/2021/NĐ-CP nêu rõ, cá nhân khi ghi thu được clip vi phạm giao thông có thể cung cấp cho đơn vị Cảnh sát giao thông thông qua các cách thức:

Đến trực tiếp trụ sở đơn vị Cảnh sát giao thông nơi xảy ra vụ việc để gửi clip vi phạm giao thông; Gửi clip vi phạm qua thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng; Gửi clip vi phạm qua đường bưu điện; Gửi clip vi phạm qua phần mềm kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Khi gửi clip vi phạm cá nhân phải để lại thông tin về họ tên, địa chỉ, phương thức liên lạc trong trường hợp lực lượng chức năng cần liên hệ, phải hợp tác với Cảnh sát giao thông khi được yêu cầu.

Đơn vị CSGT tiếp nhận thông tin có trách nhiệm bảo đảm bí mật tên, họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, bút tích và thông tin khác của tổ chức, cá nhân đã cung cấp thông tin, hình ảnh.

Đặc biệt, cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực, nguyên vẹn của clip đã cung cấp.

Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ; Phòng Cảnh sát giao thông; Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo địa điểm, hộp thư điện tử tiếp nhận thông tin, hình ảnh để người dân được biết và cũng cấp clip vi phạ; đồng thời tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận hình ảnh, clip vi phạm.

Hiện nay, có nhiều cách để người dân có thể gửi thông tin, hình ảnh, clip... phản ánh vi phạm giao thông như qua ứng dụng VNeTraffic, iHanoi...; đường dây nóng của Cục CSGT hoặc Phòng CSGT Công an các địa phương…

Bên cạnh đó, theo Điều 17 Nghị định 135/2021/NĐ-CP, clip vi phạm giao thông gửi CSGT sẽ được sử dụng làm căn cứ xác minh, phát hiện vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính nếu đáp ứng được yêu cầu về dữ liệu theo quy định:

Clip thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông; Hình ảnh trong clip không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức; Clip phản ánh khách quan, chính xác, trung thực, rõ ràng về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm; Đáp ứng yêu cầu về thời hạn sử dụng clip theo quy định.

Thời hạn sử dụng kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xác định tổ chức, cá nhân vi phạm được tính từ thời điểm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận được kết quả cho đến hết ngày cuối cùng của thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

Do thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông là 1 năm. Nếu hành vi vi phạm giao thông đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm. Quá thời hạn kể trên mà CSGT không ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền thì clip vi phạm giao thông vụ không còn giá trị sử dụng để xử phạt.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nguoi-dan-gui-clip-vi-pham-giao-thong-de-nhan-thuong-bang-cach-nao-post600155.antd
Zalo