Người dân đồng tình việc sửa đổi Hiến pháp phù hợp giai đoạn phát triển mới

BHG - Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đang được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân. Thông qua các hình thức truyền thống như tổ chức hội nghị, người dân trên địa bàn tỉnh còn tích cực góp ý qua ứng dụng VNeID, thể hiện rõ trách nhiệm công dân với sự phát triển của đất nước.

Theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Trong đó, tập trung vào các quy định về MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương. Từ khi có chủ trương lấy ý kiến về sửa đổi Hiến pháp, người dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực nghiên cứu tài liệu, từ đó có những đóng góp quan trọng về thể thức trình bày, câu chữ sao cho phù hợp...

Lực lượng Công an hướng dẫn người dân góp ý sửa đổi Hiến pháp trên ứng dụng VNeID. Ảnh: Nguyễn Phương

Lực lượng Công an hướng dẫn người dân góp ý sửa đổi Hiến pháp trên ứng dụng VNeID. Ảnh: Nguyễn Phương

Qua tham dự các hội nghị lấy ý kiến Nhân dân đã được các cấp, ngành tổ chức và phần góp ý trên VNeID cho thấy, người dân trên địa bàn tỉnh tán thành, đồng ý cao với chủ trương sửa đổi Hiến pháp. Các ý kiến đóng góp đều khẳng định, trong lịch sử lập hiến của nước ta đã có 5 lần sửa đổi Hiến pháp, mỗi bản Hiến pháp mới đều gắn liền với một giai đoạn phát triển của lịch sử cách mạng dân tộc. Lần sửa đổi này có bối cảnh lịch sử vô cùng quan trọng, đó là cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang được thực hiện khẩn trương, quyết liệt với quyết tâm tạo động lực quan trọng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Qua nghiên cứu những nội dung sửa đổi, các ý kiến đều đồng tình khi thực hiện chủ trương của Đảng về thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là Hội nghị lần thứ 11 BCH T.Ư Đảng khóa XIII đã đề ra nhiệm vụ nghiên cứu, sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về MTTQ. Bối cảnh mới đòi hỏi phải sắp xếp, tổ chức lại bộ máy tổ chức của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu gần dân, sát dân, đại diện, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Ý kiến đóng góp của Nhân dân cũng nhất trí với nhận định, hệ thống các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, chức năng, nhiệm vụ còn có sự giao thoa, trùng lắp; có lúc, có nơi chưa thực hiện sâu sát cơ sở, nắm tình hình Nhân dân chưa kịp thời. Vẫn còn tình trạng một việc nhiều tổ chức cùng làm, một người tham gia nhiều tổ chức; nguyên tắc hiệp thương dân chủ - một trong những nguyên tắc hoạt động cơ bản, nền tảng thể hiện bản chất liên hiệp tự nguyện của MTTQ vẫn chưa được quy định cụ thể trong Hiến pháp. Việc sửa đổi lần này sẽ giải quyết được những bất cập để MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động tốt hơn.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đồng tình với đánh giá, mô hình tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp đã phát huy vai trò, đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển đất nước và đến nay đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Hiện nay, bối cảnh đã thay đổi, trước yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, việc tổ chức đơn vị hành chính 3 cấp đã bộc lộ sự kém hiệu quả, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, gây lãng phí nguồn lực. Việc duy trì cấp chính quyền trung gian làm cho các mệnh lệnh quản lý từ chính quyền cấp tỉnh xuống tới cấp xã bị cắt khúc, triển khai chậm, không phù hợp với xu thế chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và hội nhập quốc tế... Vì vậy, Nhân dân trên địa bàn tỉnh đồng tình, đánh giá cao việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó có nội dung xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp.

Tại cuộc họp của Ban Bí thư về việc triển khai và tình hình lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao tiến độ triển khai lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, cấp về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp. Đồng thời đề nghị cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung, đa dạng hóa các hình thức để Nhân dân đóng góp ý kiến, đảm bảo phát huy dân chủ, thực chất, tăng cường góp ý thông qua ứng dụng VNeID.

THIÊN THANH

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/lay-y-kien-nhan-dan/202505/nguoi-dan-dong-tinh-viec-sua-doi-hien-phap-phu-hop-giai-doan-phat-trien-moi-f20678f/
Zalo