Người dân đào đất trái phép, quốc lộ 8C đối mặt nguy cơ chậm tiến độ
Việc người dân tự ý đào đất trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp quốc lộ 8C, đoạn qua huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, khiến cao độ nền đường thay đổi, tăng chi phí thi công, có thể ảnh hưởng tiến độ dự án.
Mặt bằng không liền mạch khiến quốc lộ 8C khó thi công
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 8C đoạn qua huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) được kỳ vọng tạo cú hích hạ tầng cho khu vực miền núi phía Tây tỉnh. Tuy nhiên, sau thời gian dài kể từ ngày khởi công (10/2023), công trình đang gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt ở công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Đến thời điểm này, dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 8C vẫn đang đắp nền đường.
Ghi nhận ngày 5/5, mặt bằng thi công tại xã Sơn Trung vẫn còn khoảng 10 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Một số điểm khác bàn giao đoạn nhỏ lẻ, không đồng bộ khiến nhiều hạng mục phải thi công cầm chừng, gián đoạn.
Ông Trần Đắc Tiệp, Chỉ huy trưởng Công ty Cổ phần Thành Huy, đơn vị thi công đoạn từ Km99 - Km 109+800, cho biết: "Đến thời điểm này, chúng tôi mới hoàn thành khoảng 25% khối lượng công việc, chủ yếu đắp nền K95, thi công cống, rãnh thoát nước và tập kết vật liệu".

Tranh thủ lúc nắng sau thời gian dài thời tiết xấu, các tổ công nhân thi công hạng mục cầu, cống thoát nước, cống tròn.
Theo ông Tiệp, địa phương bàn giao mặt bằng từ tháng 12/2024. Do mưa kéo dài, đơn vị chỉ có thể bắt đầu thi công từ tháng 4 năm nay.
"Chúng tôi rất mong địa phương sớm bàn giao nốt phần còn lại để thi công đồng bộ, bảo đảm tiến độ chung của dự án", ông Tiệp nói thêm.
Dự án cải tạo quốc lộ 8C có vai trò kết nối các tuyến giao thông quan trọng như quốc lộ 8A, đường Hồ Chí Minh, tạo thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới. Do đó, những chậm trễ liên quan mặt bằng không chỉ gây thiệt hại về thời gian, chi phí, mà còn ảnh hưởng trực tiếp hiệu quả đầu tư công.
Tự ý đào đất trong hành lang GPMB, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông
Không chỉ mặt bằng thiếu đồng bộ, dự án quốc lộ 8C đoạn qua xã Sơn Trung còn đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng người dân tự ý đào đất trong phạm vi đã GPMB đổ vào vườn nhà. Việc này khiến cao độ nền đường bị hạ thấp so với thiết kế, buộc nhà thầu phải bổ sung khối lượng đất đắp phát sinh, gây đội chi phí và nguy cơ chậm tiến độ.

Người dân tự ý thuê máy xúc đào đất ở phạm vi GPMB, đưa vào vườn nhà mình.
Theo đại diện Công ty CP Thành Huy, nhiều hộ dân lợi dụng lúc công trình chưa triển khai, đồng loạt thuê máy múc để lấy đất trong phạm vi GPMB.
"Họ cho rằng phần đất này từng do mình tự đổ để cải tạo vườn nên muốn lấy lại. Tuy nhiên, khi đã được thu hồi, toàn bộ đất nằm trong phạm vi GPMB là tài sản công phục vụ dự án, tuyệt đối không được tự ý khai thác", đại diện đơn vị thi công khẳng định.
Người này cũng nhấn mạnh, theo quy định hiện hành, đất đã thu hồi để phục vụ dự án - dù trước đó do người dân tự đổ – cũng không thuộc diện được hoàn trả hay sử dụng lại. Việc tự ý khai thác là vi phạm, vừa ảnh hưởng tiến độ, vừa gây nguy hiểm cho kết cấu nền đường và an toàn giao thông.

Việc đào đất ở phạm vi GPMB của dự án diễn ra công khai.
Sau khi bị đào bới, nhiều vị trí để lại rãnh sâu ngay trong phạm vi thi công, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Hiện nay, nhà thầu đang phối hợp chính quyền địa phương để đo đạc, thống kê khối lượng đất bị thất thoát, đồng thời rà soát, điều chỉnh thiết kế kỹ thuật phù hợp hiện trạng đã thay đổi.
Về phía chính quyền, ông Nguyễn Tiến Thích, Chủ tịch UBND xã Sơn Trung xác nhận, có hiện tượng người dân tự ý khai thác đất trong hành lang GPMB.
"Chúng tôi đã đến từng hộ dân để tuyên truyền, yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng này", ông Thích nói.
Chủ tịch UBND xã Sơn Trung cho biết thêm, trong quá trình vận động GPMB trước đây, một số hộ từng cho rằng đất do họ đổ nên khi thu hồi xong muốn "xin lại". Chính quyền đã giải thích rõ ràng về quyền sử dụng đất sau GPMB theo quy định pháp luật.

Nhiều rãnh sâu được người dân đào lấy đất, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, vì nằm sát tuyến quốc lộ 8A.
Đáng lo ngại hơn, tình trạng đào đất trái phép không chỉ gây ra nguy cơ kỹ thuật, mà còn để lại tiền lệ xấu nếu không được xử lý dứt điểm.
Một cán bộ kỹ thuật làm việc tại hiện trường cảnh báo, nếu không có biện pháp mạnh tay, hiện tượng này có thể tái diễn, nhất là ở khu vực chưa thi công đồng loạt. Nhiều người dân thấy đất trống, nghĩ có thể tận dụng, nhưng lại không hiểu đây là hành lang kỹ thuật đã bàn giao.
Nhà thầu cho hay, đã gửi văn bản kiến nghị đến Sở Xây dựng Hà Tĩnh báo cáo hiện trạng. Sở đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Hương Sơn và xã Sơn Trung phối hợp xử lý.
Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 8C, đoạn từ Thiên Cầm - quốc lộ 1 và từ quốc lộ 8 đến đường Hồ Chí Minh, tỉnh Hà Tĩnh (dự án quốc lộ 8C) được Bộ Giao thông vận tải, nay là Bộ Xây dựng, phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 268/QĐ-BGTVT ngày 3/3/2022, giao Sở GTVT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư với tổng mức hơn 1.000 tỷ đồng.
Thời gian triển khai dự án từ năm 2022 - 2025.