Người dân có thể đổi giấy phép lái xe qua dịch vụ công trực tuyến
Người dân có nhu cầu cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX) có thể thực hiện thủ tục qua các hình thức qua dịch vụ công trực tuyến và nộp hồ sơ trực tiếp.
Ngày 23.2, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết hiện tại ngành công an đang gấp rút hoàn thiện thể chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về sát hạch, cấp giấy phép lái xe, tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ, tập huấn cho lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) làm nhiệm vụ sát hạch viên và nâng cấp, bổ sung hoàn thiện các hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống phần mềm... để bảo đảm phục vụ người dân thuận lợi nhất.

Người dân chờ đợi làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe tại bộ phận "một cửa" của Sở Giao thông vận tải Hà Nội
Dự kiến người dân có nhu cầu cấp, đổi GPLX có thể thực hiện thủ tục qua các hình thức qua dịch vụ công trực tuyến và nộp hồ sơ trực tiếp.
Đối với việc thực hiện thủ tục trực tuyến, cá nhân có nhu cầu đổi GPLX truy cập vào cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Bộ Công an, kê khai theo hướng dẫn và phải hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí đổi giấy phép lái xe thông qua chức năng thanh toán của hệ thống dịch vụ công trực tuyến theo quy định.
Kết quả GPLX được chuyển trả đến tận tay người dân sau 5 ngày làm việc (nếu đăng ký dịch vụ bưu chính), đồng thời dữ liệu điện tử về GPLX của người dân sẽ được tự động cập nhật trên môi trường điện tử qua trang tra cứu thông tin GPLX của Cục Cảnh sát giao thông và ứng dụng định danh quốc gia (VneID).
Người dân có thể sử dụng ứng dụng VneID để xuất trình GPLX cho lực lượng chức năng khi kiểm soát và lực lượng CSGT cũng sử dụng môi trường điện tử để kiểm tra, xác thực GPLX của người dân qua ứng dụng chuyên biệt, chỉ cần người dân cung cấp thông tin về mã định danh cá nhân.
Đối với việc đổi, cấp lại GPLX trực tiếp, người dân có nhu cầu đổi GPLX lập một bộ hồ sơ theo quy định gửi trực tiếp đến Phòng Cảnh sát giao thông công an cấp tỉnh hoặc công an xã/phường/thị trấn nơi được bố trí điểm tiếp nhận hồ sơ cấp đổi GPLX. Tại đây, người dân được hướng dẫn thực hiện các thủ tục cần thiết khác như chụp ảnh, hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí đổi GPLX khi được tiếp nhận.
Kết quả được nhận GPLX sau 5 ngày làm việc, đồng thời dữ liệu về GPLX của người dân sẽ được cập nhật trên môi trường điện tử (ứng dụng VneID và trang tra cứu thông tin GPLX của Cục Cảnh sát giao thông). Người dân nhận kết quả tại điểm tiếp nhận hoặc chuyển trả tại nhà nếu người dân có nhu cầu.
Hồ sơ đổi bao gồm: Giấy đề nghị đổi hoặc cấp lại GPLX theo mẫu có thể kê khai tại điểm tiếp nhận; giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ tiêu chuẩn (trừ người có GPLX hạng A1, A, B1); bản sao hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc của GPLX, hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với trường hợp bị tước quyền sử dụng GPLX tích hợp; Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Thời điểm lực lượng CSGT thực hiện cấp, đổi GPLX cho công dân được thực hiện ngay sau khi cấp có thẩm quyền quyết định và được thông tin rộng rãi để người dân nắm bắt, thực hiện.
Những ngày qua, người dân đi làm thủ tục cấp, đổi GPLX tăng đột biến do thông tin chuyển giao, việc cấp, đổi sang lực lượng công an.
Ông Lê Hồng Quân, Phó chánh văn phòng Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Trưởng bộ phận Một cửa cho biết: "Những ngày qua, người dân đến làm thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe tăng đột biến. Hiện chúng tôi vẫn đang thực hiện nội dung này đến khi đủ điều kiện sẽ tiến hành bàn giao, nhằm không làm gián đoạn đến việc cấp, đổi GPLX của người dân.
Hiện nay, nhiều người dân còn khoảng thời gian dài, Sở Giao thông vận tải khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng phải đến đổi GPLX ngay làm ảnh hưởng đến những người có thời hạn bằng lái xe ngắn. Chúng tôi cũng tăng cường cán bộ, thời gian làm việc để phục vụ nhu cầu của người dân; đồng thời cũng đang tiến hành công tác bàn giao hồ sơ, nghiệp vụ tới lực lượng công an, để khi tiếp nhận có thể tiến hành cấp, đổi GPLX ngay cho người dân", ông cho biết thêm.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội thông tin, ngoài 2 điểm cấp, đổi GPLX, người dân có thể đến 13 điểm ủy quyền tại các quận, huyện để làm thủ tục này. Khi có thông tin chính thức về việc bàn giao, Sở sẽ có những thông báo chính thức đến với người dân.