Người dân bất an vì đèn tín hiệu giao thông hoạt động chập chờn

Thời gian qua, nhiều hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bị hư hỏng, hoạt động chập chờn, đặc biệt là thời điểm có mưa kéo dài. Thực trạng này khiến người dân cảm thấy bất an vì nguy cơ mất an toàn giao thông, đặc biệt là có thể vi phạm lỗi vượt đèn đỏ với mức phạt cao theo quy định mới.

Hệ thống đèn tín hiệu ở nút giao km772+808 - Quốc lộ 1 với ĐT.584 và tuyến tránh quốc lộ thường xuyên gặp sự cố khiến giao thông hỗn loạn, rất dễ xảy ra tai nạn, va chạm - Ảnh: QUANG HẢI

Hệ thống đèn tín hiệu ở nút giao km772+808 - Quốc lộ 1 với ĐT.584 và tuyến tránh quốc lộ thường xuyên gặp sự cố khiến giao thông hỗn loạn, rất dễ xảy ra tai nạn, va chạm - Ảnh: QUANG HẢI

Nguy cơ tai nạn giao thông do đèn tín hiệu hư hỏng

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Quảng Trị, trên địa bàn tỉnh có 74 hệ thống đèn tín hiệu giao thông thì có đến 14 hệ thống đèn tín hiệu giao thông bị hư hỏng, hoạt động chập chờn. Trong đó, thị xã Quảng Trị là địa phương có số hệ thống đèn tín hiệu giao thông hoạt động chập chờn nhiều nhất tại 5/7 nút giao gồm các đường: Trần Hưng Đạo - Quang Trung, Hai Bà Trưng - Quang Trung, Ngô Quyền - cầu Thành Cổ, Phan Đình Phùng - Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng - Hai Bà Trưng - Nguyễn Thị Lý - Võ Thị Sáu.

Hệ thống đèn tín hiệu giao thông thường xuyên hư hỏng, hoạt động chập chờn tập trung chủ yếu trên tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Quảng Trị. Đây là tuyến đường có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông đông, trong đó có nhiều phương tiện xe tải hạng nặng, xe đầu kéo.

Tại nút giao các đường: Hai Bà Trưng - Nguyễn Thị Lý - Phan Đình Phùng - Võ Thị Sáu (tuyến tránh thị xã Quảng Trị), hệ thống đèn tín hiệu giao thông chỉ nhấp nháy màu vàng suốt ngày. “Đèn tín hiệu giao thông ở đây bị hư khoảng gần một tháng nay, từ khi có mưa nhiều. Trời mưa, nhiều người điều khiển phương tiện đi qua thiếu quan sát đã xảy ra va chạm, tai nạn”, một người dân sống trong khu vực này cho biết. Tại nút giao đường Ngô Quyền - Phan Đình Phùng, hệ thống đèn tín hiệu giao thông thường không hoạt động, gây mất ATGT bởi đây là chỗ dốc để lên cầu Thạch Hãn.

Tương tự như thị xã Quảng Trị, huyện Hải Lăng có 2/5 hệ thống đèn tín hiệu giao thông hoạt động không ổn định, thường xuyên hư hỏng. Có mặt tại nút giao km772+808 Quốc lộ 1 với ĐT.584 và tuyến tránh thị xã Quảng Trị (thuộc địa bàn huyện Hải Lăng), chúng tôi nhận thấy tình trạng giao thông ở đây luôn hỗn loạn do hệ thống đèn tín hiệu giao thông bằng năng lượng mặt trời liên tục chập chờn.

Cụ thể, cụm đèn tín hiệu giao thông theo hướng Bắc - Nam trên Quốc lộ 1 chỉ có đèn đỏ, còn đèn vàng và đèn xanh không hoạt động. Do không có đèn cảnh báo nên nhiều tài xế đang điều khiển xe với tốc độ khá cao đến đây phải phanh gấp vì bất ngờ đèn đỏ bật sáng. Trong khoảng thời gian 20 phút có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến ít nhất 3 tài xế ô tô lúng túng xử lý do tín hiệu đèn chuyển màu bất ngờ. Có trường hợp ô tô vượt vạch dừng đèn đỏ vì phanh gấp, tài xế phải lùi xe lại để tránh bị phạt.

Trong khi đó, cụm đèn tín hiệu điều khiển giao thông theo hướng Nam - Bắc trên Quốc lộ 1 và cụm điều khiển từ tuyến ĐT.584 hướng xã Hải Thượng lên ngừng hoạt động. Vì thế, xung đột giao thông thường xuyên xảy ra tại nút giao thông này, nhất là vào thời điểm xe tải, container lưu thông nhiều.

Người dân lo lắng bị xử phạt oan vì tín hiệu đèn

Theo Ban ATGT tỉnh, trong tổng số 74 hệ thống đèn tín hiệu giao thông đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thì có đến 30 hệ thống đèn tín hiệu giao thông sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời. Ưu điểm của công nghệ năng lượng mặt trời là tiết kiệm về kinh tế, không phải đào mặt đường để kéo dây điện. Tuy nhiên, nhược điểm là thời tiết miền Trung về mùa đông thường có mưa dầm dài ngày, dẫn đến thiếu năng lượng mặt trời khiến hệ thống đèn hoạt động chập chờn, đặc biệt là vào ban đêm, nhiều hệ thống đèn tín hiệu không hoạt động.

TP. Đông Hà là địa phương có nhiều hệ thống đèn tín hiệu giao thông với 36 hệ thống, trong đó có đến 15 hệ thống sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời. Theo quan sát của phóng viên trong những ngày mưa rét kéo dài vừa qua, nhiều hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn không hoạt động hoặc hoạt động chập chờn. Lỗi đèn tín hiệu khiến người dân lúng túng trong khi di chuyển và lo lắng có thể bị xử phạt oan.

Những nút giao có đèn tín hiệu thường xuyên hư hỏng, hoạt động chập chờn trên địa bàn TP. Đông Hà được người dân phản ánh gồm các đường: Hùng Vương - Huỳnh Thúc Kháng, Lê Lợi - Ngô Quyền - Tôn Thất Thuyết, Hàm Nghi - Tôn Thất Thuyết, Trần Hưng Đạo - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Hiền Lương, Hàm Nghi - Trường Chinh, Trường Chinh - Âu Cơ, Nguyễn Chí Thanh - Trường Chinh. Đây là những nút giao có hệ thống đèn tín hiệu giao thông sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời.

Theo quan sát của phóng viên, hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại nút giao Hùng Vương - Huỳnh Thúc Kháng vào những ngày mưa kéo dài vừa qua thường xuyên không hoạt động, chỉ có tín hiệu đèn vàng nhấp nháy; khi hoạt động thì cột đèn dựng bên lề đường đèn không sáng, trong khi đó đèn tín hiệu trên cao vẫn hoạt động. Việc hoạt động chập chờn của hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại nút giao này khiến người tham gia giao thông lúng túng.

Ông Nguyễn Văn Lộc (43 tuổi), ở phường Đông Lương, TP. Đông Hà cho biết: “Vì lo lắng có thể bị xử phạt oan nên có khi phương tiện từ 4 hướng đều không dám di chuyển vì đèn tín hiệu giao thông hoạt động chập chờn, không theo quy tắc, đèn từ các hướng hoạt động không hợp lý”. Tương tự, nút giao tại đường Lê Lợi - Ngô Quyền - Tôn Thất Thuyết, hệ thống đèn tín hiệu hầu như không hoạt động vào thời điểm mưa kéo dài. Các nút giao có hệ thống đèn tín hiệu sử dụng năng lượng mặt trời còn lại cũng thường xuyên hoạt động chập chờn khiến người tham gia giao thông bất an.

Việc người dân cảm thấy bất an, lo lắng có thể bị xử phạt oan lỗi vượt đèn đỏ là có căn cứ khi hệ thống đèn tín hiệu giao thông hoạt động không ổn định. Thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 100 camera đặt ở 74 điểm, trong đó có 31 camera đặt ở các nút giao có đèn tín hiệu giao thông để đảm bảo an ninh trật tự và xử lý phạt nguội. Trong khi đó, từ năm 2025, mức phạt tiền đối với hành vi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vượt đèn đỏ rất cao.

Cần sớm có giải pháp khắc phục

Từ thực trạng trên, Ban ATGT tỉnh Quảng Trị đã lần thứ 4 có công văn gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị và UBND các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị khẩn trương khắc phục hư hỏng hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại các nút giao trên tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Quảng Trị gồm: nút giao km772+808 - Quốc lộ 1 với ĐT.584 và tuyến tránh (thuộc địa bàn huyện Hải Lăng); nút giao đường Hai Bà Trưng - Nguyễn Thị Lý - Phan Đình Phùng - Võ Thị Sáu; Trần Hưng Đạo - Phan Đình Phùng; Ngô Quyền - Phan Đình Phùng và nút giao km766+802 - Quốc lộ 1 với tuyến tránh và đường Lê Lợi, thị trấn Ái Tử (thuộc địa bàn huyện Triệu Phong). Các cụm đèn tín hiệu này thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Quảng Trị.

Theo lãnh đạo Ban ATGT tỉnh, đã có nhiều vụ tai nạn, va chạm giao thông xảy ra trong thời gian gần đây tại các nút giao nói trên, gây bức xúc trong Nhân dân và dư luận. Mặc dù đã gửi nhiều văn bản nhắc nhở nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Trong công văn ngày 27/12/2024, Ban ATGT tỉnh đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương kiểm tra, khắc phục ngay những hư hỏng, đảm bảo hoạt động bình thường, ổn định và lâu dài; thời gian hoàn thành trước ngày 30/12/2024; chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra tai nạn giao thông có nguyên nhân liên quan đến sự cố của đèn tín hiệu giao thông và do chậm trễ thực hiện sửa chữa, khắc phục hư hỏng các cụm đèn tín hiệu điều khiển giao thông nói trên. Tuy nhiên, theo ghi nhận đến những ngày đầu tháng 1/2025, các cụm đèn hư hỏng kể trên vẫn chưa được khắc phục.

Từ thực trạng trên, theo chúng tôi cần sớm có giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Trong đó, các đơn vị quản lý, vận hành cần thường xuyên kiểm tra, duy tu, sửa chữa, thay thế các thiết bị hư hỏng đối với hệ thống đèn sử dụng điện lưới. Đối với hệ thống đèn sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời, trước mắt cần thường xuyên kiểm tra, vệ sinh tấm pin để tiếp nhận tốt nguồn năng lượng từ mặt trời, kịp thời khắc phục những hư hỏng, lỗi hệ thống.

Về lâu dài, cần nghiên cứu phương án sử dụng năng lượng mặt trời đảm bảo hoạt động hiệu quả cả trong thời điểm mưa kéo dài, hoặc nghiên cứu chuyển sang sử dụng nguồn điện lưới đối với những nút giao có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông, nguy cơ mất an toàn giao thông cao nếu hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông không hoạt động ổn định.

Lê Minh - Quang Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nguoi-dan-bat-an-vi-den-tin-hieu-giao-thong-hoat-dong-chap-chon-191106.htm
Zalo