Người dân bản địa là đại sứ hiệu quả nhất cho du lịch vùng núi phía Bắc

Các tỉnh vùng núi phía Bắc thường được du khách biết đến về cảnh quan thiên nhiên đẹp, hùng vĩ. Một thế mạnh khác về du lịch cần khai thác là văn hóa bản địa của các cộng đồng người dân tộc thiểu số vì mỗi người dân ở đó đều có thể là một đại sứ du lịch thân thiện.

Điều tạo ấn tượng mạnh nhất sau chuyến đi đến một số trường học ở Lào Cai trong khuôn khổ chương trình “Saigon Times - Nối vòng tay lớn: Cùng em đến trường sau bão lũ” cuối tuần qua chính là văn hóa bản địa của cộng đồng người dân tộc vùng cao.

Nếu đi du lịch thông thường theo tour được thiết kế sẵn, chúng ta ít khi có cơ hội đi vào các xã nằm sâu bên trong các tỉnh ở vùng Đông Bắc, Tây Bắc nơi có cộng đồng người dân tộc thiểu số sinh sống đông đảo như Mông, Tày, Dao… Ngoài ra, còn phải kể đến những dân tộc có cộng đồng nhỏ hơn như Giáy, Nùng, hay rất ít như người Phù Lá, Sán Chay, Hà Nhì, La Chí…

Mỗi cộng đồng người bản địa này đều có văn hóa riêng rất đặc sắc từ trang phục, ngôn ngữ, nhà ở đến phong tục tập quán khiến du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, quan tâm tìm hiểu, giao lưu tại nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Dù đã tìm hiểu và biết được nhiều thông tin về cộng đồng cư dân bản địa nhưng người viết bài này vẫn thấy thích thú khi đến các trường học và được nói chuyện với các em nhỏ người dân tộc thiểu số. Ánh mắt trong veo, vẻ mặt bẽn lẽn trước người lạ của các em khiến trong lòng khách phương xa mãi đọng lại sự dễ thương, đáng yêu khó tả.

Một số bé gái xúng xính trong bộ quần áo truyền thống của người Dao, người Mông khi đến trường khiến nhiều người muốn chụp chung với các em những tấm ảnh kỷ niệm trong chuyến đi. Đây là những trải nghiệm đáng nhớ mà có lẽ nhiều du khách sẽ thấy thích thú hơn những điểm tham quan được tổ chức sẵn kiểu cưỡi ngựa xem hoa và chụp ảnh selfie.

Trong khi đoàn công tác làm việc với nhà trường, người viết bài này tranh thủ đi vòng quanh để tìm người bản địa, là những cô giáo, anh nông dân đang đi ra nương, phụ huynh người dân tộc đang chờ đón con về ở sân trường để trò chuyện.

Nhiều câu chuyện thú vị về đời sống của người dân vùng cao, nhiều câu hỏi được giải đáp trực tiếp, chẳng hạn như nghe một cô giáo người Dao đỏ giải thích về trang phục chiếc khăn đội đầu của người dân tộc này được làm rất cầu kỳ và đẹp mắt mà một số phụ nữ đội khi đến đưa đón con cháu.

Còn gì thú vị hơn khi tận mắt nhìn một bà cụ người Mông dù lớn tuổi nhưng mắt vẫn rất tinh tường ngồi thêu tỉ mỉ chiếc váy bằng vải lanh. Dưới bàn tay bà, những hoa văn hiện ra từng nét, từng nét một, đẹp đến lạ thường. Thử hỏi mua chiếc váy thì “không bán đâu”, rồi bà cười hiền hậu giải thích thêm “thêu để mặc thôi!”.

Ở vùng cù lao sông nước miền Tây quê tôi, nhiều du khách phương Tây đã thuê xe đạp tự chạy len lỏi vào những con đường làng nhỏ. Họ rất thích thú chụp ảnh cảnh thu hoạch trái cây hay ngắm nhìn những dòng lạch nhỏ chảy ngoằn ngoèo. Có khi khách phương xa bị bản đồ trên điện thoại dẫn đi lạc bèn tìm đến người địa phương hỏi đường. Các em học sinh có cơ hội thực hành tiếng Anh giao tiếp. Hẳn du khách cũng thấy thú vị khi nhìn cảnh các cô cậu học trò vừa muốn nói chuyện vừa mắc cở nên đùn đẩy nhau "nói chuyện với ông tây".

Việc tiếp xúc trực tiếp với du khách cũng giúp học sinh có cơ hội thực hành tiếng Anh đã học trong trường, đồng thời còn tạo được sự tự tin, và biết đâu, khơi dậy tinh thần của một doanh nhân làm du lịch bản địa hay giấc mơ du học trong tương lai. Du khách đến trường giao lưu với học sinh hẳn cũng sẽ thấy rất thích thú. Điều quan trọng nhất là phải để mọi việc diễn ra một cách tự nhiên, không sắp đặt.

Nếu có thêm thời gian đi sâu vào nơi sinh sống của người dân tộc thiểu số, du khách có thể trải nghiệm trực tiếp người Mông dệt vải lanh, nhuộm chàm và thêu tay trang phục truyền thống ra sao. Cùng ăn một bữa cơm “cây nhà lá vườn” với gia chủ sẽ là một kỷ niệm khó quên sau chuyến tham quan.

Chính người dân bản địa là những đại sứ thân thiện và hiệu quả cho du lịch vùng núi phía Bắc, đây là điều đọng lại trong lòng người viết bài này sau chuyến đi ngắn vừa qua.

Song Nghi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nguoi-dan-ban-dia-la-dai-su-hieu-qua-nhat-cho-du-lich-vung-nui-phia-bac/
Zalo