Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6: Nhiều vấn đề thời sự được làm rõ

Tình hình triển khai tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, việc thực hiện các thủ tục hành chính, vấn đề tăng trưởng tín dụng, kết quả đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, việc đào tạo nhân lực cho những ngành công nghệ cao... là những nội dung nổi bật được báo chí quan tâm tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 chiều 03/7.

PV Văn Kiên (báo Tiền phong): Qua 3 ngày đầu tiên bỏ cấp huyện, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, việc triển khai các thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp được thực hiện như thế nào?

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà thông tin về tình hình triển khai các thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp sau 3 ngày đầu tiên tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp - Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà thông tin về tình hình triển khai các thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp sau 3 ngày đầu tiên tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp - Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà: Thứ nhất theo thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 28 nghị định phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương, giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã. Các bộ đã ban hành 58 thông tư, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Tại các nghị định cũng đã quy định đầy đủ các thủ tục hành chính đi kèm, trong đó làm rõ thẩm quyền, thành phần hồ sơ, thời gian, chi phí các biểu mẫu hành chính để thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận và thực thi ngay từ ngày mùng 1/7/2025.

Theo đó phân cấp phân quyền từ Trung ương xuống cho địa phương là 556 thủ tục hành chính, cụ thể Ủy ban nhân dân tỉnh là 262 thủ tục hành chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh là 217 thủ tục hành chính, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh là 70 thủ tục hành chính, Ủy ban nhân dân xã 6 thủ tục hành chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã 1 thủ tục hành chính và bãi bỏ 24 thủ tục hành chính.

Hai là phân định thẩm quyền giải quyết 346 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, trong đó chuyển thẩm quyền giải quyết lên cấp tỉnh là 18 thủ tục hành chính, chuyển xuống cấp xã 278 thủ tục hành chính và bãi bỏ 50 thủ tục hành chính.

Như vậy, tổng số thủ tục hành chính sau khi phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền là: Cấp tỉnh 2.161 thủ tục hành chính, cấp xã 463 thủ tục hành chính và bãi bỏ 74 thủ tục hành chính.

Thứ hai, sau khi Nghị định được ban hành, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tiến hành công bố công khai ngay thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, bảo đảm thời hạn hoàn thành việc công bố công khai các thủ tục hành chính tại Nghị định trước ngày 20/6/2025. Đồng thời với việc công bố công khai các thủ tục hành chính, một số Bộ đã có văn bản gửi các địa phương hoặc công khai danh mục thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để cung cấp thông tin đến chính quyền địa phương, người dân, doanh nghiệp về tổng thể thủ tục hành chính của Bộ, đảm bảo thủ tục hành chính được tiếp cận thuận lợi, nhanh chóng.

Thứ ba, Bộ Nội vụ đã xây dựng cẩm nang chính quyền địa phương cấp xã gửi về cho các địa phương trước ngày mùng 1/7. Nội dung cẩm nang được thiết kế rất thiết thực, thực tiễn rõ ràng, cụ thể hóa được chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác và xử lý được tình huống phát sinh tại cơ sở, đảm bảo thống nhất và hiệu quả trong tổ chức thực hiện.

Thứ tư, đối với các địa phương, trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, Ban Thường vụ các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch để triển khai việc tổ chức vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phục vụ cho vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Qua đó đã giúp cho cán bộ, công chức tiếp cận ngay được các nhiệm vụ, quyền hạn phải triển khai thực hiện, đồng thời cũng vận hành xử lý công việc trên môi trường điện tử thông qua các hệ thống. Một là hệ thống hội nghị trực tuyến tỉnh, thành phố. Hai là phần mềm hệ thống quản lý văn bản của Đảng, của chính quyền. Ba là hệ thống thông tin báo cáo. Bốn là quy trình tiếp nhận, chuyển giao văn bản đi đến trong hệ thống cơ quan Đảng, chính quyền. Năm là hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của một số tỉnh, thành phố tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã. Sáu là việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố thông qua hệ thống tổng đài.

Về cơ bản các thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được ban hành sớm, quy định rõ, cụ thể và được vận hành ngay, cơ bản thông suốt khi chính thức đi vào hoạt động từ ngày mùng 1/7/2025.

Thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh cái cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số, chúng ta sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện quá trình giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp ở mọi lúc, mọi nơi.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn thông tin về kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến sau 3 ngày vận hành trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và cấp xã - Ảnh: VGP

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn thông tin về kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến sau 3 ngày vận hành trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và cấp xã - Ảnh: VGP

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn: Hôm nay là ngày thứ ba vận hành trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và cấp xã. Theo báo cáo chúng tôi cập nhật được, đã hoạt động thông suốt và liên tục cho đến 4h chiều hôm nay. Ngày mùng 1, hồ sơ trực tuyến chiếm 57 % và hồ sơ trực tiếp chiếm khoảng 43 %, số lượng rất nhiều. Tổng cộng ngày mùng 2/7 có 38.000 hồ sơ, trong đó trực tuyến chiếm 59,7% và trực tiếp chiếm 40,3%. Ngày hôm nay, cập nhật đến lúc 4h chiều có trên 40.000 hồ sơ, trong đó trực tuyến 59,3%, còn trực tiếp là 40,7%.

Mục tiêu năm nay những thủ tục hành chính liên quan đến các doanh nghiệp sẽ được giải quyết trực tuyến và nhất là không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Đối với cổng dịch vụ công quốc gia, đến giờ chúng ta có một địa chỉ duy nhất một điểm cửa sổ số làm dịch vụ công. Người dân ở bất cứ thời điểm nào, bất cứ nơi nào chỉ cần thông qua máy tính, máy tính bảng, điện thoại di động kết nối internet đều có thể nộp hồ sơ trực tuyến và thông qua cổng có thể chuyển toàn bộ hồ sơ đó đến các trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và cấp xã để giải quyết theo thẩm quyền. Quan trọng nhất, thông qua cổng dịch vụ công này, người dân sẽ theo dõi, giám sát được toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính của mình. Thông qua cổng dịch vụ công quốc gia, những phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp đều được tổng hợp và giải quyết.

PV Thu Hoài (báo Dân trí): Tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn rất "nóng" trong thời gian vừa qua. Mới đây nhất, Bộ Công an đã triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán sữa giả HIUP và nhãn hiệu thực phẩm Ofood của Công ty TNHH Sản xuất và xuất nhập khẩu Nhật Minh Food (Công ty Nhật Minh Food) đã biến dầu ăn dùng trong chăn nuôi thành dầu ăn cho người. Điều đáng lo ngại là những sản phẩm này đã lưu thông trên thị trường và có thể đã đi vào bữa ăn hằng ngày của người dân, bao gồm cả các bếp ăn tập thể và dùng chế biến đồ ăn cho trẻ em. Đề nghị Bộ Công an thông tin rõ hơn về những sai phạm trong các vụ án này cũng như làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan?

Một vấn đề nữa mà dư luận quan tâm là đối với những cá nhân, đặc biệt là những người nổi tiếng, đã tham gia quảng cáo thời gian dài cho các sản phẩm hàng giả, sữa giả. Đề nghị Bộ Công an cho biết hướng xem xét và xử lý trách nhiệm đối với những đối tượng này ra sao?

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, cung cấp thông tin về kết quả điều tra các đường dây sản xuất, tiêu thụ thực phẩm giả - Ảnh: VGP

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, cung cấp thông tin về kết quả điều tra các đường dây sản xuất, tiêu thụ thực phẩm giả - Ảnh: VGP

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an: Đây là nội dung liên đến quan cao điểm đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Bộ Công an đang tập trung rất cao cho nội dung này. Sau 1 tháng cao điểm, Bộ vẫn tập trung và sẽ làm thường xuyên, liên tục.

Trong tháng cao điểm, Công an các đơn vị, địa phương đã khởi tố 124 vụ và 297 bị can liên quan hành vi này; xử lý hành chính 944 vụ và 968 đối tượng.

Qua đây cho thấy diễn biến tất phức tạp và thủ đoạn vi phạm hết sức tinh vi, từ khâu chuẩn bị thành lập các công ty bình phong và hệ sinh thái đến hoạt động nhập nguyên liệu, sản xuất hàng giả, tổ chức quảng cáo, tiêu thụ.

Việc này đi theo chu trình tinh vi, nhiều thủ đoạn đối phó với lực lượng chức năng và có tính chất rất nguy hiểm như sản phẩm Ofood đã đi vào các bữa ăn hằng ngày.

Về vụ án liên quan sản xuất, buôn bán sữa giả HIUP: Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với 10 đối tượng về 2 nhóm hành vi. Một là vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và hai là sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm.

Đối với vụ án sản phẩm Ofood: Đây là vụ án buôn lậu, sản xuất dầu thực vật giả quy mô lớn, biến dầu dành cho thức ăn chăn nuôi thành dầu ăn cho người. Đây là hành vi rất nguy hiểm, chưa thể đánh giá hết hệ lụy đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đến nay, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 đối tượng.

Một là Đặng Thị Phương (Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và xuất nhập khẩu Nhật Minh Food), bị khởi tố về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả.

Hai là Nguyễn Trọng Năng (điều hành, đại diện theo pháp luật Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Minh Phú và Công ty TNHH sản xuất và thương mại An Dương), bị khởi tố về tội Buôn lậu. Cùng tội danh này còn có Đỗ Thị Ngọc Mai (người đại diện pháp luật Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu An Hưng Phước và Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Phước Thành).

Về trách nhiệm của cơ quan chức năng và những người quảng cáo sản phẩm giả. Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, cả hai vụ án đang trong quá trình điều tra, trên tinh thần tập trung, khẩn trương nhưng phải chặt chẽ, thận trọng, khách quan, đúng bản chất, Cơ quan điều tra cũng làm rõ sơ hở, lỗ hổng trong quy định pháp luật để có kiến nghị liên quan, đặc biệt trong công tác quản lý Nhà nước. Toàn bộ nội dung này đang trong quá trình điều tra và khi có thông tin Bộ Công an sẽ gửi đến báo chí.

PV Trần Đại Thanh (Báo Pháp luật TPHCM): Nghị định số 117/2025/NĐ-CP về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025. Nghị định này có một nội dung quan trọng là chuyển trách nhiệm kê khai và nộp thuế từ hàng triệu cá nhân kinh doanh sang các tổ chức quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử và các tổ chức cung cấp nền tảng số có chức năng hỗ trợ thanh toán. Xin hỏi việc triển khai các quy định này hiện nay như thế nào?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cung cấp thông tin về việc về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử - Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cung cấp thông tin về việc về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử - Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân: Việc triển khai Nghị định 117/2025/NĐ-CP đang được thực hiện đồng bộ trên cả hai phương diện: phía cơ quan nhà nước và phía các sàn thương mại điện tử.

Nghị định 117/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/7/2025, đánh dấu một bước tiến trong công tác quản lý thuế trên nền tảng thương mại điện tử. Theo đó, trách nhiệm kê khai, khấu trừ và nộp thuế (GTGT, TNCN) sẽ do các tổ chức quản lý sàn thương mại điện tử có chức năng thanh toán thực hiện thay cho hộ, cá nhân kinh doanh. Với trách nhiêm quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với Bộ Tài chính (cơ quan thuế) trong việc chuẩn hóa, chia sẻ dữ liệu sàn và ứng dụng thương mại điện tử (bao gồm mã số thuế, định danh cá nhân, tình trạng hoạt động). Trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng Dự án Luật Thương mại điện tử (dự kiến trình Quốc hội tháng 10/2025) để hoàn thiện khung pháp lý, bổ sung quy định về định danh điện tử và trách nhiệm sàn đối với các mô hình thương mại điện tử mới như livestream bán hàng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân kinh doanh tuân thủ pháp luật về thuế. Việc thu thuế, nộp thuế được quy định cụ thể tại Nghị định 117/2025 NĐ/CP.

Về phía doanh nghiệp nền tảng: Thứ nhất, các doanh nghiệp đã phối hợp từ sớm với cơ quan thuế trong giai đoạn xây dựng Nghị định để tránh tình trạng "thuế chồng thuế" và đề xuất hoàn thiện chính sách (như hoàn thuế cho đơn bị hủy, cân bằng chính sách giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đơn giản hóa thủ tục hành chính).

Thứ hai, đã sẵn sàng chuẩn bị đầu tư hạ tầng kỹ thuật: nâng cấp hệ thống dữ liệu, phần mềm quản lý và công cụ thu - báo cáo thuế, đảm bảo tính chính xác và minh bạch khi khấu trừ, kê khai và nộp thuế thay cho người bán hàng từ ngày 01/7/2025.

Thứ ba, tăng cường truyền thông và đào tạo; triển khai các hoạt động hướng dẫn, hội thảo, nội dung số nhằm giúp người ban hàng hiểu rõ chính sách thuế, cập nhật thông tin định danh từ sớm và thực hiện đúng nghĩa vụ kê khai và nộp thuế.

Trong thời gian tới để triển khai Nghị định 117/2025, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, đặc biệt là các cơ quan thuế sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn với các sàn, người bán trên các sàn hiểu rõ hơn và thực hiện tốt các nghĩa vụ, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp.

Đối với các nền tảng thương mại điện tử: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống công nghệ phục vụ khấu trừ và nộp thuế thay; Tự động hóa quy trình trích thuế GTGT, TNCN; Chuẩn hóa dữ liệu định danh người bán; Rà soát dữ liệu người bán chưa đăng ký kinh doanh, chưa kê khai thuế; Tiếp tục hỗ trợ người bán hàng.

Đối với cộng đồng nhà bán hàng: Chúng tôi đề nghị chủ động cập nhật thông tin định danh và mã số thuế cá nhân; Theo dõi thông tin hướng dẫn từ nền tảng, cơ quan thuế để tuân thủ nghĩa vụ mới; Điều chỉnh hoạt động kinh doanh phù hợp với chính sách thuế (ví dụ: xuất hóa đơn, theo dõi khấu trừ,...).

Chúng tôi cho rằng, hiện nay việc triển khai Nghị định 117/2025 đang diễn ra nghiêm túc và đồng bộ. Bộ Công Thương và cơ quan thuế tiếp tục chủ động chuẩn hóa dữ liệu, xây dựng cơ chế phối hợp; các sàn thương mại điện tử đã tích cực chuẩn bị hệ thống, tổ chức truyền thông, hướng dẫn và hỗ trợ người bán nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả nghĩa vụ khấu trừ và nộp thuế thay từ thời điểm Nghị định có hiệu lực.

PV Huy Cường (báo điện tử VTV): Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước tính đến cuối tháng 5 năm 2025 tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 6,52%, dư nợ toàn nền kinh tế tăng kỷ lục thêm hơn 1 triệu tỷ đồng, lên hơn 16,6 triệu tỷ đồng. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho biết, dòng vốn tín dụng này đã bơm ra nền kinh tế tập trung vào lĩnh vực nào và tỉ trọng là bao nhiêu?

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà - Ảnh: VGP

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà - Ảnh: VGP

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà: Từ đầu năm đến nay, bên cạnh những yếu tố rất thuận lợi, nền kinh tế cũng đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức. Bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào thực tế diễn biến của thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa cũng như các chính sách vĩ mô khác.

Về tín dụng liên quan đến lãi suất: Ngân hàng Nhà nước đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy tín dụng. Ở phía thị trường là các ngân hàng thương mại, với vai trò thực thi các chính sách, các ngân hàng thương mại cũng đã tích cực thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động, tạo nền tảng để tiết kiệm chi phí, qua đó giảm lãi suất cho vay. Kết quả lãi suất cho vay bình quân của các khoản cho vay mới ở mức là 6,38%/năm, giảm khoảng 0,6% so với cuối năm 2024.

Về tín dụng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 16% và có điều chỉnh theo diễn biến tình hình kinh tế. Kết quả là sau khi thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ, tính đến ngày 26/6, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024. So với cùng kỳ của năm 2024 (cuối tháng 6/2024) tín dụng tăng 18,87%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2023 trở lại đây.

Cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu của nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Một số ngành chính như ngành nông lâm thủy sản chiếm khoảng 6,37%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 12,84%; ngành xây dựng chiếm 7,53%. Trong xây dựng có cả các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và ngành này được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh tín dụng trong ngành. Các ngành dịch vụ khác như bán buôn, bán lẻ chiếm tỉ trọng lớn là khoảng 23,74%.

Về tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục là hai ngành có tỉ trọng lớn. Cụ thể là nông nghiệp, nông thôn chiếm tỉ trọng 23,16%. Tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 17,51%. Về tốc độ, hai cái lĩnh vực ưu tiên là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều có tốc độ tăng trưởng rất cao, gần gấp đôi so với tốc độ chung. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao là 15,69% và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 17,59%.

Các tổ chức tín dụng tiếp tục giải ngân cho các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng, như chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm thủy sản đã tăng quy mô từ 15.000 tỷ lên đến 100.000 tỷ và thực hiện rất tốt, hiệu quả. Ngoài ra, các chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã được triển khai một cách tích cực.

Một số chương trình khác như cho vay nhà ở xã hội, hay cho vay đối với người trẻ dưới 35 tuổi cho thuê, mua nhà ở xã hội, hay chương trình gần đây là tín dụng 500.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, sở hữu số, các chương trình có chính sách đã được các tổ chức tín dụng tích cực triển khai.

Đó là kết quả tín dụng của sáu tháng đầu năm. Để thực hiện mục tiêu vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu của Chính phủ, trong 6 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành một cách đồng bộ các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, cũng như khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Đồng thời sẽ kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với tín dụng của ngân hàng.

PV Chí Lâm (tạp chí điện tử Một thế giới): Hiện chúng ta đang chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho nhóm ngành công nghệ cao. Xin hỏi công tác đào tạo, chuẩn bị nhân sự cho lĩnh vực này như thế nào? Các sinh viên học ngành này được ưu đãi những gì?

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng thông tin về công tác đào tạo, chuẩn bị nhân sự cho lĩnh vực công nghệ cao - ẢNh: VGP

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng thông tin về công tác đào tạo, chuẩn bị nhân sự cho lĩnh vực công nghệ cao - ẢNh: VGP

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng: Có thể nói nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài là nhiệm vụ và mục tiêu của ngành giáo dục. Trong suốt nhiều năm qua, từ giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong xây dựng chương trình đã hết sức chú trọng đến các môn học STEM bao gồm khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học, tiếp nối đến giáo dục Đại học và trên Đại học. Đặc biệt với sự phát triển hết sức mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, trong thời kỳ đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt về khoa học công nghệ, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo đủ năng lực thực hiện những dự án lớn và hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, có nhiều nội dung tham mưu. Điển hình nhất, ngày 25/4/2025 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ban hành Đề án số 1002 về đào tạo nguồn nhân lực phát triển công nghệ, giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn 2045 với hai mục tiêu tổng quát và bốn nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Đây là cơ sở để chúng ta triển khai những bước tiếp theo.

Về quy mô đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, với những ngành nghề, lĩnh vực này đến thời điểm hiện nay, 90% cơ sở giáo dục Đại học có tham gia đào tạo các ngành STEM như khoa học kỹ thuật, công nghệ, toán, phục vụ những mục tiêu đó.

Thứ hai, quy mô đào tạo chính quy, riêng năm 2024 tăng lên khoảng 10,6%, tương đương 60.000 sinh viên. Tổng số sinh viên tuyển mới năm 2024 là 218.000 sinh viên, chiếm 36% tổng số sinh viên trên toàn quốc. Xu thế theo học các ngành và lĩnh vực này tăng hơn rất nhiều và tốc độ tăng cao so với nhiều năm trước đây.

Về quy mô bậc học sau Đại học, năm 2024, số lượng học viên ngành STEM tiếp tục tăng mạnh. Trình độ Thạc sĩ tăng tới 34%, đạt gần 20.000. Trình độ Tiến sĩ tăng 33% với gần 4.000 nghiên cứu sinh, tăng gần 600 nghiên cứu sinh so với năm 2023. Đây là xu thế, thể hiện tín hiệu rất đáng mừng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Mặc dù tăng như vậy nhưng có thể nói, tỉ lệ người học lĩnh vực STEM ở Việt Nam vẫn còn thấp. Đến nay chúng ta chỉ tiệm cận khoảng 27% đến 31%, trong khi đó Singapo là 46%, Malaysia là 50%, Hàn Quốc 33%, Đức 39%... Những nước phát triển tỉ lệ này càng cao, để thấy nhu cầu của chúng ta phải tăng cả về quy mô và số lượng, tốc độ nhanh hơn.

Về đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình 1017 từ ngày 21/9/2024 về phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với mục tiêu đến năm 2030 phải đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn và đến năm 2050 có nguồn nhân lực đủ mạnh để tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn cao của toàn cầu.

Trong năm học 2024 -2025, chúng ta có khoảng 19.000 sinh viên nhập học các ngành phù hợp với lĩnh vực bán dẫn, chiếm khoảng 10% sinh viên theo học ngành STEM. Về cơ sở đào tạo, chúng ta có 166 cơ sở đào tạo các chuyên ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn, trong đó có 97 cơ sở đào tạo trực tiếp các ngành này.

Để đảm bảo chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng các chuẩn chương trình và thành lập Hội đồng các chuyên gia để thẩm định chương trình này. Thời điểm này đã có 30 chương trình đào tạo được công bố với 8 cơ sở đào tạo giáo dục Đại học.

Về chế độ chính sách, tỉ lệ của chúng ta còn thấp hơn so với khu vực có nhiều nguyên nhân. Một là đầu vào, hai là việc làm sau này và cơ chế chính sách.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Nghị định chính sách học bổng cho người học các ngành học STEM và đã lấy ý kiến các bộ ngành, dự kiến trong tháng 7 này trình Thủ tướng Chính phủ về cấp học bổng, học phí thu hút cho người học là sinh viên, nghiên cứu sinh.

Thứ hai, Bộ đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên, chắc chắn có ưu đãi rất rộng và nổi trội để thu hút người học, đặc biệt khi tốt nghiệp và đầu ra để các sinh viên, nguồn nhân lực tương lai sau này phát huy hết năng lực, trình độ chuyên môn đã được đào tạo.

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/hop-bao-chinh-phu-thuong-ky-thang-6-nhieu-van-de-thoi-su-duoc-lam-ro-102250703181122489.htm
Zalo