Người con trai liệt sĩ của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên
Tôi may mắn có được một thời gian khá dài công tác bên Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị tướng của Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Công lao của ông đã được Đảng, Quân đội và nhân dân ghi nhận, nhưng có một câu chuyện thật bi tráng về người con trai liệt sĩ của ông mà tôi được biết đến nay nhớ lại vẫn thấy rưng rưng xúc động.
Tôi làm cần vụ cho Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, phục vụ Chiến dịch Mùa xuân năm 1975 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và mãi sau này. 12 năm làm việc bên cạnh ông, tôi được ông rèn luyện, dìu dắt, ngoài tình cảm binh nghiệp, còn có cả tình thương yêu ấm áp như người thân trong gia đình.
Trong số các người con của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, người con thứ tư là anh Nguyễn Tiến Quân có chí theo binh nghiệp từ nhỏ. Tốt nghiệp phổ thông, anh Quân thi đỗ đại học nhưng theo tiếng gọi của Tổ quốc vì miền Nam ruột thịt anh đã giấu giấy báo đại học để dự tuyển vào Quân đội. Thời điểm đó, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đang ở chiến trường không hề biết, đến khi biết con trai không đi học đại học để nhập ngũ thì ông cũng không trách con, mà chỉ dặn anh vào Quân đội sẽ phải chịu đựng gian khổ và có thể hy sinh...
Trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Thượng úy Nguyễn Tiến Quân đã hành quân trong đội hình của Quân đoàn 1 tiến về giải phóng Sài Gòn tháng 4-1975. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh Quân được cử đi học trường văn hóa tại Lạng Sơn để thi tuyển học tại các học viện quân sự nước ngoài. Kết quả thi tuyển, Thượng úy Nguyễn Tiến Quân đã đủ điều kiện được cử đi học tại học viện quân sự Cộng hòa Dân chủ Đức để về phục vụ Quân đội lâu dài.

Gia đình của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp
Năm 1976, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được bầu vào Ủy viên Trung ương Đảng và được điều ra Bắc. Ông phụ trách việc xây dựng các công trình trọng điểm như nhà máy xi măng, nhà máy thủy điện, nhiệt điện… để nhanh chóng phục vụ cho công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh. Công việc ngành xây dựng bộn bề nhưng ông vẫn nung nấu kế hoạch xây dựng những con đường và những cây cầu mới cho Hà Nội...
Dự định của ông chưa thực hiện được thì xảy ra chiến tranh biên giới, ông lại được điều động thêm nhiệm vụ Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ Đô. Còn người con trai của ông-Thượng úy, Đại đội phó pháo binh Nguyễn Tiến Quân - từng chiến đấu ở chiến trường miền Nam, khi đó đang theo học lớp ngoại ngữ để chuẩn bị đi học tại Cộng hòa Dân chủ Đức lại một lần nữa “xếp bút nghiên” lên đường ra trận về lại đơn vị chiến đấu.
Tôi, anh và người yêu của anh Quân rất thân nhau, thường hay chuyện trò mỗi khi anh được nghỉ học để về Hà Nội. Thế nên nghe anh Quân tâm sự chuyện này khi đó tôi cảm thấy rất tiếc cho anh vì đi học lúc bấy giờ là mơ ước của bao người, trong đó có tôi cũng đang mơ ước được tiếp tục đi học. Tôi biết, để được đi học, anh đã phải trải qua một kỳ thi rất khó khăn. Thế nhưng khi cánh cửa đi học vừa được rộng mở thì lại bị tạm hoãn để phục vụ chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Và một buổi sáng như thường ngày, tôi lên phòng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên để làm công tác chuẩn bị và đón ông đi làm thì vô tình nghe được câu chuyện giữa ông và vợ - bà Ngọc Lan. Hai ông bà đang trao đổi về chuyện đi học của con trai Nguyễn Tiến Quân. Bà Ngọc Lan nói với chồng: Ba nói với Cục Nhà trường làm thủ tục cho con đi học, con đã tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, đã được đơn vị tuyển chọn đi học để phục vụ Quân đội lâu dài… Con đã cố gắng học và đã thi đỗ rồi.
Nhưng ông Đồng Sỹ Nguyên đã nhẹ nhàng nói với vợ: Con nó đi học về cũng để phục vụ Quân đội, học ở đâu cũng không bằng thực tế ngoài chiến trường. Bây giờ Quân đội đang rất cần những người như thằng Quân. Hết chiến tranh con về đi học cũng được…
Anh Nguyễn Tiến Quân lại về đơn vị lên biên giới. Tết năm đó ông lên thăm con trai với vài bao thuốc lá và ít bánh mì rồi dặn con chia đều cho anh em trong đơn vị. Là vị tướng, ông cũng biết chiến tranh sẽ rất ác liệt. Với cương vị của mình thời điểm ấy ông có thể giúp con chuyển đơn vị khác ở hậu phương sẽ an toàn hơn. Hoặc trước đó, ông có thể nói với cơ quan chức năng để anh Quân tiếp tục được ra nước ngoài học tập... Nhưng ông đã không làm điều đó. Đây là câu chuyện mà tôi là người duy nhất được chứng kiến nên từ ấy đến nay trong lòng vẫn luôn trào dâng cảm xúc.

Tác giả Lê Văn Hùng (bên phải) và ông Nguyễn Sỹ Hưng, con trai cả Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên – trước tượng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Nhận tin con trai hy sinh khi đang chủ trì cuộc họp quan trọng tại Bộ Xây dựng dù rất đau lòng nhưng ông Đồng Sỹ Nguyên vẫn điềm tĩnh kìm nén nỗi đau, tiếp tục điều hành xong cuộc họp. Về với gia đình, ông còn động viên vợ và những người thân hãy tự hào vì sự hy sinh của con mình để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc.
Khi biết tin anh Nguyễn Tiến Quân hy sinh tôi càng thương và kính phục Thủ trưởng của mình khôn xiết. Có lẽ ít ai biết, ông đã phải giấu nỗi đau vào sâu kín bên trong lòng mình. Tôi biết, trong phòng ngủ của ông luôn có di ảnh con trai tươi cười hồn nhiên với bộ quân phục màu cỏ úa. Dường như kể từ ngày con trai hy sinh, trong lòng vị tướng đã có những vết hằn sâu, day dứt hàng đêm khi đối diện với di ảnh con trai ấy. Nhưng tôi hiểu, vượt lên tất cả, vị tướng huyền thoại của Trường Sơn vẫn luôn tự hào về người con trai dũng cảm của mình. Hiện nay liệt sĩ Nguyễn Tiến Quân đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Nhổn (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội).