Người có uy tín góp phần thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tại các tỉnh/thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, việc người có uy tín tập trung vận động, tuyên truyền; đặc biệt là tham gia vào Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' đã góp phần không nhỏ vào thúc đẩy bình đẳng giới tại địa phương, nhất là ở nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

 Giảng dạy cho trẻ em trong các phum, sóc, học tiếng Khmer - Ảnh: Phương Nghi

Giảng dạy cho trẻ em trong các phum, sóc, học tiếng Khmer - Ảnh: Phương Nghi

Chia sẻ tại Hội thảo "Phát huy vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo, cá nhân tiêu biểu trong tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", khu vực miền Nam do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Trà Vinh tổ chức vừa qua, ông Đoromang (67 tuổi, dân tộc Chăm, ngụ thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) cho biết, thực tế vẫn còn tình trạng bất bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc trên địa bàn, khi người phụ nữ chủ yếu vẫn phải ở nhà, ít được tham gia các hoạt động xã hội.

Là người có uy tín tại địa phương, ông Đoromang đã tuyên truyền, vận động để phụ nữ Chăm được tham gia nhiều hơn, tốt hơn vào các hoạt động cộng đồng, xã hội. Nhờ việc tuyên truyền sâu sát, theo phương châm "mưa dầm thấm lâu" mà "cách nghĩ, cách làm" của đồng bào đã dần có những thay đổi tích cực. Đến nay, phụ nữ Chăm đã được tham gia vào các hoạt động của ban ngành, đoàn thể tại địa phương.

"Để đồng bào nghe, làm theo thì bản thân mình phải là người có uy tín thì nói người khác mới nghe. Không chỉ bản thân mà gia đình cũng phải gương mẫu. Nói được làm được thì đi vận động người dân mới tin tưởng. Bên cạnh đó, cần phải phối hợp với những người có uy tín khác trong cộng đồng", ông Đoromang chia sẻ.

Người có uy tín, chức sắc tôn giáo chia sẻ tại Hội thảo "Phát huy vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo, cá nhân tiêu biểu trong tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", khu vực miền Nam.

Người có uy tín, chức sắc tôn giáo chia sẻ tại Hội thảo "Phát huy vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo, cá nhân tiêu biểu trong tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", khu vực miền Nam.

Tại tỉnh An Giang, số lượng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số hiện có 63 người; trong đó có 58 người là dân tộc Khmer, 5 người là dân tộc Chăm. Hội LHPN tỉnh An Giang cho biết, sự tham gia của người có uy tín trong các hoạt động của Hội đã tạo tác động mạnh mẽ trong thay đổi nhận thức và hành động của xã hội nói chung và cộng đồng dân tộc thiểu số nói riêng. Từ đó, công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào quá trình thay đổi cuộc sống được thuận lợi, nhận thức của phụ nữ dân tộc thiểu số ngày càng tiến bộ hơn.

Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số thì "Tai nghe không bằng mắt thấy, miệng nói không bằng tay làm". Do vậy, những người có uy tín muốn tuyên truyền vận động tốt thì phải thực sự gương mẫu, nói được làm được. Theo Hội LHPN TP Cần Thơ, trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nhiều người có uy tín là tấm gương sáng, có nhiều đóng góp tích cực công sức, tiền của.

Tiêu biểu như tấm gương chị Sơn Thị Lang (người Khmer, 47 tuổi, ngụ ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) đã dựa vào uy tín của mình tuyên truyền, vận động giúp hội viên, phụ nữ Khmer trên địa bàn thay đổi "nếp nghĩ, cách làm". Đặc biệt, chị Lang đã giúp đỡ giải quyết việc làm cho hơn 120 lao động là người dân tộc Khmer với mô hình đan lục bình, thu nhập ổn định bình quân từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Nâng cao hơn nữa vai trò của người có uy tín

Theo Hội LHPN TP Cần Thơ, các cấp Hội tại địa phương đã xây dựng được đội ngũ phụ nữ nòng cốt, có uy tín, thông qua các chị em đã tuyên truyền, vận động phụ nữ dân tộc, phụ nữ có đạo tích cực tham gia thực hiện công tác Hội và phong trào phụ nữ. Trong triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", Hội cũng đã thành lập 3 câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" với 82 thành viên.

Nhiều người có uy tín là tấm gương sáng trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều người có uy tín là tấm gương sáng trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.

Tiến sĩ Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất đa dạng dân tộc, cũng là đa dạng tôn giáo. Có thể nói, người có uy tín, chức sắc, chức việc, nhà tu hành không chỉ ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân, mà còn có ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong việc hướng dẫn, động viên tín đồ thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần ổn định xã hội; tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

GS.TS. Đặng Thị Hoa, Quyền Viện trưởng, Viện Tâm lý học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn cư trú chủ yếu của các dân tộc có trình độ phát triển cao như Hoa, Khmer, Chăm. Về số lượng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, ở một số tỉnh có đông đồng bào Khmer, Chăm và Hoa sinh sống có khá nhiều người có uy tín đã được Ủy ban Dân tộc công nhận và được hưởng chính sách đối với người có uy tín. Tuy nhiên, trong thực tế đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn còn khá nhiều người có uy tín khác, là những người am hiểu phong tục tập quán, có khả năng vận động, thuyết phục đồng bào và luôn là người gương mẫu trong mọi hoạt động của cộng đồng, gia đình.

Người có uy tín tham gia tích cực trong vận động, tuyên truyền góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.

Người có uy tín tham gia tích cực trong vận động, tuyên truyền góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.

Để phát huy được vai trò của những người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong thực hiện các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số vùng Đồng bằng sông Cửu Long, GS.TS. Đặng Thị Hoa cho rằng, trước hết phải vận động, giải thích, tuyên truyền cho những người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo nhận diện rõ những vấn đề đang dẫn tới bất bình đẳng giới trong cộng đồng với những đặc điểm cụ thể, rõ ràng trong phong tục tập quán, những thành kiến, định kiến hay các thói quen hành vi dẫn tới bất bình đẳng giới. Những người có uy tín và chức sắc, chức việc tôn giáo đã rất am hiểu phong tục tập quán, họ sẽ nhận ra được cần bắt đầu từ đâu và lên kế hoạch để vận động, tuyên truyền cho các nhóm đối tượng phù hợp với điều kiện cụ thể.

Bên cạnh đó, tùy theo tình hình cụ thể của từng địa phương để có các kế hoạch cụ thể cho từng nhóm đối tượng người có uy tín trong cộng đồng trong vận động, tuyên truyền nhằm xóa bỏ bất bình đẳng giới một cách sâu rộng trong cộng đồng; phát huy tối đa vai trò của người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong cộng đồng tham gia.

Theo Hội LHPN tỉnh An Giang, bên cạnh những thuận lợi thì công tác tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, vì phần lớn người có uy tín trên địa bàn là người cao tuổi, việc tiếp thu tiếng Việt còn hạn chế. Do vậy, Hội LHPN tỉnh mong muốn tổ chức cho những người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo, dân tộc được tham gia học tập kinh nghiệm những mô hình hay để phát huy khả năng và vận dụng thực tế tại địa phương nhằm tuyên truyền vận động thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số có hiệu quả hơn nữa.

Mộc Miên

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nguoi-co-uy-tin-gop-phan-thuc-day-binh-dang-gioi-o-vung-dong-bang-song-cuu-long-20240811125822049.htm
Zalo