Người có uy tín, già làng rành mạng xã hội
Mỗi năm, khi địa phương thông báo tổ chức khám sức khỏe để tuyển chọn công dân nhập ngũ, dù đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Vòng Nhì Sập, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Hoa, ở xã Bình Lộc, vẫn thành thạo lập trang Zalo để kết nối phụ huynh có con em trong độ tuổi gọi nhập ngũ trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Nhờ sự kết nối này, nhiều gia đình đi làm ăn xa vẫn nhận được sự động viên và nhắc nhở với lời căn dặn sắp xếp để con em đến đúng thời gian, địa điểm khám sức khỏe. Trường hợp nào ở xa, khó khăn về chi phí đi lại, ông đại diện cộng đồng hỗ trợ.

Ông Điểu Lích, Trưởng thôn 5, xã Bù Đăng, hướng dẫn người dân nộp thủ tục hành chính trực tuyến và trang bị kỹ năng tự bảo vệ mình trên không gian mạng.
Nhanh hơn nhờ vận dụng hiệu quả mạng xã hội
Ngoài một số ít trường hợp quá lớn tuổi, hầu hết trong 484 người có uy tín trong đồng bào DTTS và 98 già làng tại Đồng Nai đều rành sử dụng mạng xã hội và vận dụng tốt không gian mạng tương tự như ông Vòng Nhì Sập để kết nối đồng bào DTTS, chuyển tải hoạt động của địa phương đến với từng gia đình, cá nhân trong cộng đồng.
Hiện 582 người có uy tín trong đồng bào DTTS, già làng đang giữ vai trò đại diện và là “cầu nối” giữa gần 406 ngàn người DTTS với các cấp ủy Đảng, chính quyền trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, giữ gìn an ninh trật tự tại Đồng Nai. Phần lớn người có uy tín trong đồng bào DTTS, già làng của tỉnh dưới 60 tuổi. Đồng thời, qua lần bình bầu vào đầu năm 2025, trình độ học vấn của cá nhân giữ vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS, già làng được nâng lên. Vậy nên, việc sử dụng mạng xã hội và ứng dụng các nền tảng này vào tuyên truyền, vận động được mỗi cá nhân chú trọng thực hiện và xem là khâu đột phá trong thực hiện nhiệm vụ của người có uy tín trong đồng bào DTTS.
Thôn 5, xã Bù Đăng có 360 hộ dân thì gần 90% số gia đình là đồng bào DTTS. 11 năm làm Trưởng thôn 5, ông Điểu Lích chia sẻ, thời gian đầu, ông gặp nhiều khó khăn vì tuyên truyền hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Khoảng 4 năm trở lại đây, ông Điểu Lích đã tự sắm máy tính và điện thoại thông minh để trở thành trưởng thôn số. Ngoài ra, dù số người có điện thoại thông minh ở thôn nhiều nhưng phần lớn chưa biết sử dụng vào việc tương tác với chính quyền. Do đó, ông Điểu Lích cùng Tổ Công nghệ số cộng đồng thôn đưa ra nhiều giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng do Nhà nước triển khai, nộp thủ tục hành chính trực tuyến.
Ông Điểu Lích nói: “Khi toàn xã hội chuyển đổi số thì buộc mình phải chuyển đổi theo. Nhờ tận dụng lợi thế của mạng xã hội để làm kênh tuyên truyền, tiếp nhận ý kiến đồng bào ở cơ sở mà cán bộ thôn như mình không phải chạy đi, chạy lại vất vả. Giờ thì mình làm rẫy cách nhà hàng chục cây số cũng có thể quản lý công việc của thôn rất dễ dàng”.
Tương tự, theo ông Điểu Toa, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chơro, ở xã Dầu Giây, để duy trì những lớp truyền dạy văn hóa truyền thống cho thanh niên trong cộng đồng, ông kết nối những bậc cao niên am hiểu về truyền thống dân tộc đứng ra chỉ dạy cho lớp trẻ. Trong quá trình này, có những người dạy, người học do làm ăn xa không thể sắp xếp buổi tối cuối tuần về địa phương thì được ông mời tham gia nhóm gọi video trực tiếp để cùng dạy, cùng học online. Việc làm linh động này giúp người dạy, người học không bỏ sót bài và tạo điều kiện để ngày càng nhiều thanh niên Chơro dù ở xa cũng có thể tham gia lớp dạy văn hóa truyền thống.
Ngoài ra, theo ông Điểu Toa, do dân tộc Chơro có tiếng nói nhưng không có chữ viết nên thời gian qua, ông phiên âm tiếng dân tộc ra tiếng Việt để con cháu phát âm đúng tiếng nói, thuận lợi hơn trong việc lưu trữ thông tin cộng đồng bằng văn bản. Nhưng một mình ông thì không thể hoàn thành việc này. Vậy nên, thông qua mạng xã hội, ông kết nối với các nhà nghiên cứu văn hóa, các văn nghệ sĩ, những bậc cao niên Chơro sinh sống trong cả nước để nhờ tư vấn trong quá trình ông phiên âm. Điều này giúp ông đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cuốn sách ngôn ngữ này.
Năm 2025, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác người có uy tín trong đồng bào DTTS, già làng là đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng chuyển đổi số vào thực tiễn nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự chủ động của người có uy tín trong đồng bào DTTS, già làng.
Giúp người uy tín, già làng khai thác hiệu quả không gian mạng
Để giúp người có uy tín trong đồng bào DTTS, già làng chuyển đổi số có hiệu quả, nhiều hoạt động tư vấn, tập huấn và trực tiếp cầm tay chỉ việc đã được các cơ quan chức năng thực hiện nhằm giúp những “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với đồng bào DTTS hoạt động hiệu quả.
Ông AB Đô Ha Mit, người có uy tín trong đồng bào DTTS, ở xã Xuân Hòa, cho biết khi chính quyền địa phương triển khai các lớp tập huấn về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, ông cố gắng tham gia. Sau quá trình học rồi trải nghiệm thực tế, ông phổ biến, hướng dẫn lại cho bà con trong cộng đồng. Cũng từ những kiến thức có được, ông và bà con nhận biết đâu là trang thông tin chính thống để dẫn nguồn cũng như tránh tin hay làm theo thông tin trên những trang mạng xã hội chưa được kiểm chứng.
Ông Điểu K’rang, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn 7, xã Bù Đăng, đã chủ động học hỏi, tận dụng tối đa lợi thế từ mạng xã hội để làm kênh tuyên truyền và phát triển kinh tế, cũng như tiếp nhận các vấn đề phản ánh từ cơ sở. Ông xác định đây là yếu tố quan trọng trong quá trình công tác.
Thời gian gần đây, người dân trong thôn nhận được nhiều cuộc gọi lừa đảo về thanh toán tiền điện hoặc mạo danh công an cài đặt các ứng dụng. Tuy nhiên, thông qua các chương trình tập huấn, tuyên truyền trên báo đài, người dân đều rất cảnh giác, tự nhận diện được thủ đoạn lừa đảo hoặc báo ngay cho trưởng thôn để ngăn chặn kịp thời. Vì vậy, những năm gần đây trong thôn không có trường hợp nào sa vào cạm bẫy lừa đảo trên không gian mạng.

Ông Vòng Nhì Sập, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Hoa, ở xã Bình Lộc, được chính quyền địa phương hướng dẫn thu thập thông tin gia đình dân tộc thiểu số trên địa bàn thông qua ứng dụng di động.
Theo Phó giám đốc Sở Dân tộc và tôn giáo Nguyễn Văn Khang, để tiếp tục hỗ trợ và định hướng cho người có uy tín trong đồng bào DTTS, già làng ứng dụng và khai thác thông tin trên không gian mạng, nội dung về chuyển đổi số, sử dụng mạng xã hội an toàn và hiệu quả được đưa vào hội nghị tập huấn chuyên đề hoặc kết hợp trong các hội nghị về công tác dân tộc được tổ chức hàng năm. Để đảm bảo người có uy tín trong đồng bào DTTS, già làng dễ hiểu và ứng dụng được ngay sau các hội nghị, trong mỗi chương trình tập huấn, Ban tổ chức kết hợp mời báo cáo viên đến từ các sở, ngành, chuyên gia văn hóa, lực lượng công an trực tiếp truyền đạt về những tình huống mà người dân thường xuyên gặp phải khi sử dụng mạng xã hội.
Bà Nguyễn Thị Luyến, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Mường, ở xã Trị An, cho hay việc bà sử dụng thành thạo công nghệ thông tin giúp việc chuyển thông tin về các chính sách dành cho đồng bào DTTS nhanh và chính thống đến với bà con. Ngoài tập huấn, người có uy tín trong đồng bào DTTS, già làng đều lập các trang: Zalo, Facebook cộng đồng với thành viên là chủ hộ của mỗi gia đình DTTS. Để bà con dễ dàng nắm bắt nội dung thì ngoài đăng toàn bộ văn bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS, già làng cũng tóm tắt nội dung cốt lõi rồi chuyển đến bà con để mọi người hiểu đúng vấn đề. Điều này góp phần ngăn chặn các thông tin xấu độc, thông tin xuyên tạc chính sách, góp phần định hướng, ổn định dư luận xã hội trong cộng đồng các DTTS.