Người có uy tín gắn kết cộng đồng
Là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là người truyền tải chủ trương, chính sách và dẫn dắt phong trào ở cơ sở, những năm qua, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh đã và đang ngày càng khẳng định rõ vai trò nòng cốt trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn văn hóa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Đoàn đại biểu người có uy tín tiêu biểu huyện Trạm Tấu tham dự Hội nghị biểu dương người có uy tín trong các tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức.
Khi nhắc đến sự đổi thay ở vùng cao An Lương, huyện Văn Chấn, người dân không thể không nhắc đến ông Giàng A Phử - Bí thư Chi bộ thôn Sài Lương 3 - người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào Mông. Trong giai đoạn 2019 - 2024, bằng uy tín, sự tâm huyết của mình, ông Phử đã vận động người dân trồng được hơn 70 vạn bầu quế. Từ đó, đưa cây quế nhanh chóng trở thành cây trồng chủ lực, giúp đồng bào từng bước vươn lên thoát nghèo.
Ông Phử chia sẻ: "Trước đây bà con chỉ trồng ngô, trồng sắn, quanh năm đói ăn. Giờ có quế, nhiều hộ đã có điều kiện làm nhà mới, mua sắm máy móc sản xuất, xe máy, thậm chí cả ô tô để vận chuyển hàng hóa. Hiện hàng chục hộ dân thôn Sài Lương 3 có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Bản thân tôi và gia đình cũng thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm”.
Không chỉ vậy, với vai trò là Bí thư Chi bộ kiêm người có uy tín, ông Giàng A Phử còn là người "gỡ rối” khá mát tay. Ông trực tiếp hòa giải nhiều vụ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình, vận động bà con xóa bỏ hủ tục, bài trừ mê tín, thực hiện tốt quy ước, hương ước của thôn bản. Đặc biệt, ông Phử đã vận động người dân hiến đất, góp tiền, ngày công để làm các công trình công cộng như: hiến 7.500m2 đất để quy hoạch khu nghĩa trang thôn; đổ 800m đường bê tông do Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó có 900 triệu đồng do người dân đóng góp; mở mới 3km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí huy động 160 triệu đồng… Chính những việc làm cụ thể ấy đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho vùng quê nghèo khó, đưa Sài Lương 3 dần thoát ra khỏi danh sách thôn đặc biệt khó khăn.
Cũng như ông Phử, ông Hoàng Văn Nghiên - người có uy tín ở thôn Hát 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu đã phát huy vai trò gắn kết cộng đồng thông qua bảo tồn văn hóa, truyền dạy di sản và tham gia vào nhiều hoạt động xã hội thiết thực. Ông Nghiên cho biết: "Những năm qua với vai trò là người có uy tín, tôi luôn đi đầu trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm gương để bà con nhìn vào cùng làm theo. Thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng, tôi kết hợp truyền dạy cho lớp trẻ những lời ca, câu hát, điệu múa cũng như nhiều phong tục tập quán tốt đẹp của người Thái. Tôi cũng tham gia giải quyết khiếu kiện, vận động người dân không di cư tự do, không tảo hôn, không trồng cây thuốc phiện, không xuất cảnh trái phép. Tôi cũng đã phối hợp với chính quyền vận động nhân dân hiến đất mở đường, sửa nhà văn hóa”.
Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 1.030 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Trước bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, vai trò của người có uy tín càng trở nên quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế, xã hội.
Thực tế cho thấy, nơi nào người có uy tín phát huy tốt vai trò nơi đó có sự đồng thuận, ổn định, phát triển rõ rệt. Từ những việc lớn như hiến đất làm đường, vận động bỏ hủ tục, đến những việc nhỏ như nhắc nhở học sinh đi học chuyên cần, giữ gìn vệ sinh môi trường, họ đều góp phần gắn kết cộng đồng, lan tỏa tinh thần đoàn kết.
Những năm qua, thực hiện Quyết định 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn liên quan, Yên Bái đã triển khai đầy đủ chính sách đối với người có uy tín như: tổ chức cho đi tham quan học tập mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh; thăm hỏi tặng quà nhân dịp lễ, tết từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/người; hỗ trợ vật chất khi gặp khó khăn…
Cùng với đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh nêu gương điển hình, biểu dương kịp thời những cá nhân người có uy tín tiêu biểu trong các cuộc họp dân cư, hội nghị tổng kết, trên phương tiện truyền thông đại chúng. Qua đó, nâng cao vị thế xã hội, khuyến khích người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò của mình trong cộng đồng.
Có thể thấy, trong hành trình phát triển vùng đồng bào DTTS, người có uy tín chính là hạt nhân nòng cốt, là "ngọn đèn dẫn lối” để đồng bào tin theo Đảng, cùng chung tay xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng no ấm, giàu mạnh. Đây cũng là lực lượng cần được tiếp tục quan tâm, bồi dưỡng và phát huy hơn nữa để góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.