Người chăn nuôi cẩn trọng ứng phó với rét đậm, rét hại

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng và Thủy văn Trung ương, từ nay đến tháng 1/2025 là cao điểm của những đợt rét đậm, rét hại có thể kèm theo sương muối và băng giá gây ảnh hưởng lớn đến đàn vật nuôi. Để đảm bảo sản xuất, hạn chế thiệt hại, cơ quan chuyên môn, người dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi trước những diễn biến thất thường của thời tiết.

Người dân xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng che chắn chuồng trại, giữ ấm cho đàn gia súc

Người dân xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng che chắn chuồng trại, giữ ấm cho đàn gia súc

Những năm qua, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân. Tuy nhiên, việc chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng còn bị ảnh hưởng do dịch bệnh, thời tiết. Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, mùa đông năm 2023 – 2024, toàn tỉnh có 75 con gia súc bị chết rét, trong đó, có 41 con dê. Vì vậy, bước vào đầu mùa đông, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho đàn vật nuôi, đặc biệt là đàn gia súc.

Gia đình bà Bế Thị Viện, khu 3 Khòn Tòng, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình là một trong những hộ chăn nuôi dê với số lượng lớn. Bà Viện cho biết: Gia đình tôi hiện đang phát triển mô hình chăn nuôi dê với số lượng 40 con. Để bảo vệ đàn dê khỏi rét, ngay từ tháng 10/2024, tôi đã dùng bạt che kín chuồng để giữ ấm cho đàn dê. Những ngày mưa rét, có sương, tôi chủ yếu nuôi nhốt dê, không thả lên rừng. Đồng thời, dự trữ thêm cám ngô, cám gạo để bổ sung tinh bột cho đàn dê trong những ngày trời rét.

Không chỉ hộ bà Viện, ngay khi bước vào mùa đông, các hộ chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia súc, có trâu, bò dưới 2 tuổi và chăn nuôi dê tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lộc Bình đã chủ động gia cố chuồng trại, dự trữ nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi.

Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, mùa đông năm vừa qua, trên địa bàn huyện Lộc Bình có 68 con gia súc bị chết rét (là huyện có nhiều gia súc bị thiệt hại nhất trong mùa đông năm vừa qua). Hiện, toàn huyện có hơn 21.700 con gia súc. Nhằm bảo vệ đàn vật nuôi, đặc biệt là đàn gia súc trước thời tiết lạnh giá, ngay từ đầu tháng 10/2024, các đơn vị chuyên môn trên địa bàn huyện đã tích cực phối hợp tuyên truyền người dân biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi; đồng thời, tham mưu cho UBND huyện ban hành công văn chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân gia cố chuồng trại, chuẩn bị đầy đủ thức ăn, tiêm phòng cho đàn gia súc, đảm bảo môi trường chăn nuôi sạch sẽ...

Cùng với huyện Lộc Bình, huyện Văn Quan cũng chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn. Ông Hoàng Văn Tăng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Văn Quan cho biết: Toàn huyện hiện có trên 30.000 con gia súc. Để thực hiện tốt công tác phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện ban hành công văn chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người dân gia cố chuồng trại, tiêm phòng cho đàn vật nuôi, chú ý công tác vệ sinh chuồng trại để đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh. Ngoài ra, đơn vị cũng đã có hướng dẫn gửi đến các xã, thị trấn để phát trên hệ thống loa truyền thanh tại các thôn; phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn trực tiếp xuống cơ sở, địa bàn để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi.

Tương tự hai huyện kể trên, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Từ đó, nhận thức của người dân đã được nâng lên, chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm cho đàn vật nuôi phát triển tốt.

Anh Hoàng Văn Thưởng, thôn Suối Cáp, xã Tân Văn, huyện Bình Gia cho biết: Gia đình tôi hiện có 10 con trâu. Ngay khi bước vào đầu mùa đông, tôi đã mua loại bạt dày đem về quây xung quanh chuồng để giữ ấm cho đàn trâu, hằng ngày vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo; chuẩn bị đầy đủ thức ăn cho đàn trâu trong suốt mùa đông.

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có trên 57.000 con trâu, hơn 29.300 con bò, trên 5,5 triệu con gia cầm. Trong những đợt rét đậm, rét hại vừa qua, một số con gia súc bị chết chủ yếu là những con non hoặc già yếu, sức đề kháng kém, người dân có thói quen chăn thả tự do dẫn đến đàn vật nuôi bị chết rét. Để tránh thiệt hại cho ngành chăn nuôi, trong tháng 11/2024 và đầu tháng 12/2024, đơn vị đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành công văn về phòng, chống đói, rét cho vật nuôi vụ Đông – Xuân năm 2024 – 2025 và công văn về việc chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại tháng cuối năm 2024 gửi UBND các huyện, thành phố. Trong đó, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân gia cố chuồng trại, dự trữ nguồn thức ăn, tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn vật nuôi; không chăn thả gia súc khi nhiệt độ giảm sâu dưới 12 độ C; bổ sung tinh bột, nước ấm để bảo vệ đàn vật nuôi không bị đói, nhiễm lạnh trong mùa đông.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh, hiện công tác phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi đã được người dân chú trọng và nghiêm túc thực hiện. Với sự chủ động, tích cực đó, hy vọng rằng, đàn vật nuôi sẽ được bảo vệ, phát triển khỏe mạnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu thời tiết rét đậm, rét hại xảy ra.

CÁT TIÊN - HIỂU LAM

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nguoi-chan-nuoi-can-trong-ung-pho-voi-ret-dam-ret-hai-5032373.html
Zalo