Người bố thứ hai

Tiết trời vào xuân, cái se lạnh len lỏi qua từng kẽ lá, mang theo hương vị tươi mới, dịu dàng khiến lòng người dễ bồi hồi. Chiều nay, khi đang dọn dẹp vài việc trong nhà, tôi nhận được cuộc gọi từ bố chồng. Giọng nói trầm ấm quen thuộc vang lên: “Cây mai bố hái lá rồi, khi nào hai đứa rảnh thì qua chở về nhé. À, sang lấy thêm ít bánh kẹo, mứt tết, giò chả, bánh chưng... mỗi thứ một ít nữa. Rồi xem thiếu gì thì mua thêm”.

Cứ mỗi độ xuân về, câu nói ấy lại vang lên, quen thuộc như một khúc nhạc xuân không thể thiếu. Lời nói giản dị nhưng chứa đựng sự quan tâm ấy khiến tôi mỉm cười. Trong lòng chợt dâng lên một cảm giác ấm áp khó tả, như mùa xuân không chỉ đến từ tiết trời mà còn từ tình cảm gia đình chân thành.

Ảnh: Nguồn Internet

Ảnh: Nguồn Internet

Bố chồng và bố ruột tôi từng là đồng chí, đồng đội thân thiết suốt hơn 10 năm trong quân ngũ. Sau khi giải ngũ, cả hai ông đều về sống và công tác tại Đồng Xoài. Mối quan hệ vốn đã tốt đẹp, lại càng thêm gắn bó khi cả hai gia đình kết thành thông gia. Có lẽ cũng chính vì mối thâm tình ấy mà bố chồng đối xử với tôi không khác gì con gái ruột.

Khi vợ chồng tôi quyết định ra ở riêng, bố chồng tôi là người lo lắng và chăm chút nhất cho tổ ấm mới của chúng tôi. Ông tự mình đến từng cửa hàng vật liệu, chọn lựa kỹ càng từng viên gạch, viên ngói. Những ngày công trình thi công, ông đều có mặt từ sáng sớm, quan sát thợ làm và hướng dẫn tỉ mỉ từng góc sân, từng bậc thềm. Có hôm, ông mồ hôi nhễ nhại ngồi bệt trên nền xi măng để chỉnh lại viên gạch lát sân bị lệch. Khi ấy, tôi cảm nhận rõ sự tận tâm và tình yêu thương mà ông dành cho chúng tôi. Không những thế, ông luôn chu đáo, lo toan từng chút cho con và các cháu, nhất là vào dịp tết.

Cây mai vàng mỗi năm vẫn được bố chăm sóc cẩn thận, đến ngày lá được hái đi, bố sẽ gọi chúng tôi đến chở cây về để kịp chưng trong nhà. Không chỉ cây mai, bánh mứt, giò chả, đến những món rau củ trong bữa cơm tết cũng được bố chuẩn bị chu đáo. Bởi bố biết vợ chồng tôi bận rộn, thường sát 30 tết mới bắt đầu nghĩ đến chuyện sắm sửa. Không chỉ những ngày lễ, tết, có những ngày vợ chồng tôi đi làm về muộn không kịp nấu ăn, bố cũng nấu sẵn cơm, rồi gọi hai đứa ghé qua mang về.

Bố chồng tôi đã về hưu hơn 10 năm. Khoảng thời gian đầu, tôi nhận thấy bố có chút buồn bã, hụt hẫng. Người quen với công việc, với những hoạt động bận rộn, bỗng dưng phải dừng lại, chắc chắn sẽ có cảm giác trống trải. Nhưng rồi bố cũng dần quen với cuộc sống mới, tự tìm niềm vui cho tuổi già. Bạn bè của bố, người thích cà phê gặp gỡ bạn bè, đánh cờ, người lại đam mê câu cá. Còn bố chồng tôi, ông tìm thấy niềm vui trong mảnh vườn nhỏ sau nhà. Dù đã gần 70 tuổi, bố vẫn miệt mài chăm sóc từng gốc cây, luống rau. Trong khu vườn ấy, bố trồng đủ loại cây trái: mít, ổi, nhãn, mận, xoài, rồi cả những loại rau xanh theo mùa. Cứ thế, khu vườn nhỏ trở thành thế giới riêng của bố, nơi bố tìm thấy sự thư thái và niềm vui mỗi ngày. Mỗi mùa, vườn lại xanh mướt rau cải, mướp, bí... Cứ hễ có rau ngon, trái ngọt hay mấy quả trứng gà, bố đều tỉ mỉ gói ghém, mang sang cho chúng tôi. Tôi hiểu, món quà nhỏ ấy là cả tấm lòng yêu thương, sự quan tâm giản dị mà bố dành cho chúng tôi.

Giờ đây, mỗi khi nhìn bố bước đi tập tễnh trong vườn, lòng tôi lại xót xa. Đôi chân đau nhức hơn một năm qua, bác sĩ khuyên bố phẫu thuật, nhưng ông cứ từ chối vì sợ phiền vợ con chăm sóc. Bố chồng tôi là thế, luôn nghĩ cho người khác, luôn đặt lợi ích của người nhà lên trên hết. Đôi chân ấy đã từng hành quân qua bao mặt trận, bước qua bao nhiêu gian khổ, từng dãi dầu mưa nắng, giờ đây đã trở nên yếu ớt. Mỗi khi nghĩ tới, lòng tôi chợt nhói lên vì thương bố mà chẳng thể làm gì. Những ngày trời trở lạnh, cơn đau khiến bước chân bố nặng nề hơn. Thế nhưng, bố vẫn lặng lẽ hái từng ngọn rau, với từng quả ngọt trên cao gửi qua cho con cháu, vẫn cần mẫn chăm sóc vườn cây mà ông yêu quý.

Chỉ còn vài ngày nữa thôi, một năm mới lại đến, mang theo không khí háo hức và niềm hy vọng vào những điều tốt đẹp. Với gia đình tôi, đây cũng là cột mốc đặc biệt, khi bố chồng tôi chính thức bước sang tuổi 69. Ở độ tuổi này, người ta thường bảo rằng đã đi qua gần hết chặng đường đời. Nhưng nhìn bố, tôi không thấy sự mệt mỏi hay chậm chạp của tuổi già, mà là sự bình thản và tràn đầy tình yêu thương. Mặc dù tuổi bố đã cao, nhưng tình yêu thương ông dành cho gia đình vẫn mãnh liệt như ngày nào. Những gì bố làm đều xuất phát từ trái tim, không một chút toan tính, không mong cầu đáp trả, là tấm gương để tôi học hỏi về đức hy sinh và sự quan tâm.

Với tôi, mỗi ngày còn được nhìn thấy nụ cười hiền hậu của bố, được nghe giọng nói trầm ấm ấy, là một ngày tôi thấy mình hạnh phúc. Cảm ơn bố, người đã dạy tôi hiểu rằng, tình cảm gia đình không chỉ được tạo nên bởi mối quan hệ huyết thống, mà còn ở sự chân thành và tình yêu thương vô điều kiện.

Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!

Hà Trang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/168375/nguoi-bo-thu-hai
Zalo