Người bệnh viêm tai giữa tập luyện như thế nào?
Viêm tai giữa là một căn bệnh phổ biến, có thể xuất hiện ở bất kể mọi lứa tuổi, tuy nhiên trẻ em vẫn là nhóm đối tượng mắc phải tình trạng này nhiều nhất. Bệnh hay tái phát do sức đề kháng suy giảm, điều trị chưa đúng phương pháp hoặc chưa kịp thời...
Ngoài việc phát hiện sớm để điều trị kịp thời, dinh dưỡng khoa học thì hoạt động thể chất, luyện tập giúp nâng cao sức đề kháng là vô cùng quan trọng với người bệnh.
1. Vai trò của tập luyện với người bệnh viêm tai giữa
Hoạt động thể chất là bất kỳ chuyển động nào của cơ thể được tạo ra bởi sự co lại của cơ xương, dẫn đến tăng đáng kể nhu cầu năng lượng so với khi nghỉ ngơi. Vì vậy, các hoạt động lặp đi lặp lại như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, chơi thể thao… với mục đích cải thiện, duy trì nền tảng thể lực; hay các hoạt động hằng ngày như quét nhà, nấu ăn, đi chợ, giặt đồ… đều là hoạt động thể chất.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị, mỗi người nên duy trì thói quen hoạt động thể chất, tránh lối sống tĩnh tại để mang lại những lợi ích sức khỏe cho cơ thể, cải thiện chức năng tim mạch, hô hấp, tăng cường sức bền, sức mạnh, tính dẻo dai và thăng bằng…
Điều quan trọng hoạt động thể chất sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp tăng cường lưu thông máu, từ đó các tế bào miễn dịch có thể di chuyển nhanh hơn và hiệu quả hơn đến các bộ phận của cơ thể cần bảo vệ. Điều này giúp cơ thể phản ứng nhanh chóng với các tác nhân gây bệnh, giúp người bệnh viêm tai giữa mau hồi phục.
Việc vận động giúp cơ thể sản xuất nhiều tế bào bạch cầu hơn, đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại các vi khuẩn và virus gây bệnh viêm tai giữa.
Tập thể dục giúp tăng lưu lượng máu đến ốc tai, từ đó giúp chuyển đổi sóng âm thanh thành tín hiệu thần kinh gửi đến não tốt hơn. Ngoài ra, tập thể dục còn giúp ngăn ngừa việc mất các chất dẫn truyền thần kinh trong quá trình chuyển đổi tín hiệu giữa các tế bào thần kinh; đồng thời giúp giảm nguy cơ bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch, hai nguyên nhân thường dẫn đến mất thính giác...
2. Các bài tập, vật lý trị liệu tốt cho người bệnh viêm tai giữa
2.1 Sử dụng sóng
Người bệnh viêm tai giữa có thể được sử dụng phương pháp vật lý trị liệu kết hợp với thuốc để tăng hiệu quả điều trị. Việc kết hợp sử dụng sóng âm để kích thích tế bào cảm âm, đánh thức tiềm thức âm thanh, phục hồi thính lực.
Sử dụng sóng viba chiếu sâu và xác định vị trí chính xác vùng mắc bệnh, triệt tiêu vùng viêm, diệt khuẩn, phục hồi những vùng tổn thương và ngăn chặn các mầm bệnh trở lại.
2.2 Châm cứu, bấm huyệt ngoài tai
Sử dụng châm cứu, bấm huyệt ngoài tai sẽ tăng lưu thông máu, giúp tai được thư giãn, thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh chóng trong thời gian ngắn.
2.3 Bài tập cho người viêm tai giữa ứ dịch
- Bài tập thở
Phương pháp thở ra thật mạnh bằng miệng, đồng thời bịt chặt mũi, tạo ra một lực căng làm tăng áp suất không khí như khi đi trên máy bay, giúp ống vòi tai mở ra.
Cách thực hiện bằng cách ngồi hoặc nằm, hít thở sâu và nín thở đồng thời thít hai cánh mũi lại; miệng ngậm kín, phồng miệng; sau đó gập người thật mạnh và thở ra bằng miệng.
- Bài tập hàm
Áp lực ống tai không chỉ gây đau tai mà còn có thể ảnh hưởng đến thính giác và sự cân bằng của cơ thể. Nếu để kéo dài mà không có biện pháp khắc phục, dễ dẫn đến nhiễm trùng trong tai. Vì vậy, bài tập hàm giúp cải thiện thính giác, cụ thể:
+ Thả lỏng hàm, đặt cả hai tay lên hai bên cổ.
+ Khi hạ hàm, thở ra từ từ, giữ các ngón tay trên cổ và dưới hàm để đảm bảo bạn đang hạ hàm đúng cách.
+ Hít vào và thở sâu (nhiều lần khi ở tư thế này).
- Bài tập nhai kẹo cai su
Nhai kẹo cao su sẽ kích hoạt các cử động của hàm, từ đó làm tăng lưu lượng nước bọt, tốc độ nuốt và tốc độ kích hoạt các cơ vùng hầu họng. Tất cả những điều này giúp mở loa vòi tai, cải thiện tình trạng tắc nghẽn, ứ dịch. Lưu ý nếu là trẻ phụ huynh cần giám sát tránh nguy cơ nuốt bã kẹo.
- Tư thế thiền
Thiền là biện pháp đơn giản giúp cải thiện thính giác. Cách thực hiện, ngồi khoanh chân hoặc xếp bằng trên thảm tập. Lưu ý giữ nguyên tư thế sao cho cổ, lưng thẳng hàng và hai bàn tay đặt thả lỏng trên đầu gối. Bắt đầu hít thở sâu và cảm nhận rõ hơi thở. Thiền trong vòng 4 – 5 phút.
Bài tập này giúp điều chỉnh quá trình lưu thông máu đến tai, từ đó cải thiện khả năng nghe hiệu quả.
3. Những lưu ý khi tập luyện
- Với người bệnh viêm tai giữa việc vận động luyện tập trong giai đoạn điều trị là hạn chế vì có thể gây đau tai hơn. Sau phẫu thuật cũng chỉ nên vận động có sự hướng dẫn của chuyên gia tránh tình trạng đau tai nhiều hơn.
- Nghe nhạc trong lúc tập thể dục có thể gây phản tác dụng, làm tổn hại thính giác. Vì vậy, nên nghe nhạc ở mức âm lượng rất thấp mà không sợ bị ảnh hưởng đến thính lực.
- Đối với trẻ em, sau khi được bác sĩ chẩn đoán, kê đơn thuốc và hướng dẫn chăm sóc, ba mẹ có thể chăm sóc bé tại nhà. Nên cho trẻ uống đủ nước, ăn uống đầy đủ, cho trẻ nghỉ ngơi…; tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng khoa học, học tập, vui chơi và nghỉ ngơi hợp lý…
- Đối với người lớn để giảm nhẹ triệu chứng viêm tai giữa có thể sử dụng miếng vải hoặc túi chườm ấm áp nhẹ vào tai bị viêm.
- Không đè lên tai bị viêm và chú ý giặt chăn gối sạch sẽ.
- Không để nước vào tai để tránh vi khuẩn khác xâm nhập thêm vào tai, không sử dụng bông hay gạc để bịt lỗ tai lại...